MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp lời kêu gọi 'tách rời' của ông Trump, Phố Wall và Bắc Kinh vẫn nỗ lực tăng cường sự gắn kết

27-10-2020 - 19:38 PM | Tài chính quốc tế

Theo tiết lộ của 4 người tham gia, diễn đàn giữa quan chức Trung Quốc và các công ty Phố Wall nêu rõ một khía cạnh tích cực hiếm có trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đó là về vấn đề tài chính, khi Bắc Kinh nỗ lực tăng tốc cải cách thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Trump công bố sáng kiến mới nhằm ngăn cản những nỗ lực "ăn cắp" công nghệ Mỹ của Trung Quốc, các quan chức tài chính cấp cao của Bắc Kinh và các chủ ngân hàng Phố Wall đã cùng nhau tham gia một cuộc họp từ xa.

Một người tham gia Hội nghị Bàn tròn Tài chính Mỹ-Trung – được thành lập cách đây 2 năm vào đúng thời điểm căng thẳng thương mại gia tăng, cho biết đây là một diễn đàn khá "chung chung" nhằm "thúc đẩy thiện chí" và tăng cường hội nhập tài chính giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của 4 người tham gia, diễn đàn được tổ chức vào ngày 16/10 này cũng nêu rõ một khía cạnh tích cực hiếm có trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đó là về vấn đề tài chính, khi Bắc Kinh nỗ lực tăng tốc cải cách thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Fitch Ratings, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu trong nước của Trung Quốc do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,8 nghìn tỷ CNY (421 tỷ USD). Refinitiv cho biết, nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 12% tổng lượng trái phiếu chính phủ và ngân hàng chính sách của Trung Quốc trong năm nay.

Ngoài ra, các tập đoàn ở Phố Wall bao gồm BlackRock, Citigroup và JPMorgan cũng được chấp thuận mở rộng hoạt động kinh doanh tại đại lục trong những tháng gần đây.

Bất chấp lời kêu gọi tách rời của ông Trump, Phố Wall và Bắc Kinh vẫn nỗ lực tăng cường sự gắn kết  - Ảnh 1.

Dòng chảy tài chính gia tăng và những động thái phê duyệt quy định mới diễn ra đồng thời với thời điểm các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách. Do đó, lợi suất trái phiếu – vốn làm cơ sở cho phân bổ danh mục đầu tư toàn cầu, đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm là 3,18%, còn Mỹ là 0,8%.

Hayden Briscoe – trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại UBS Asset Management, nhận định: "Dòng tiền đang bắt đầu đổ vào Trung Quốc bởi nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận tại đó. Đây là một điều thú vị, khi Trung Quốc mở cửa và bạn chứng kiến phần còn lại của thế giới đang rơi vào tình trạng khó khăn."

Eswar Prasad – chuyên gia về hệ thống tài chính của Trung Quốc tại Đại học Cornell, cho biết: "Những nhu cầu cấp thiết đối với nền kinh tế rõ ràng đã vượt qua mối lo ngại về chính trị. Do đó, vốn tư nhân và tổ chức tài chính tư nhân sẽ đáp ứng các động lực kinh tế nhiều hơn so với những gì các ‘bậc thầy’ chính trị nói trước đây."

Trong khi đó, các giám đốc điều hành của ngành này lại cho rằng Bắc Kinh được thúc đẩy một phần bởi những mối lo ngại về chính trị. Một giám đốc điều hành quỹ toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc cho hay: "Trung Quốc muốn ngăn chặn những biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ, trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi. Đó là lý do tại sao bạn chứng kiến họ mở cửa nhanh chóng ở thời điểm này. Nếu có thể hội nhập vào thị trường tài chính toàn cầu và đẩy nhanh quá trình gắn kết bằng cách mở cửa cho nguồn vốn ngoại, bạn sẽ giảm được ‘đòn đau’ từ Mỹ."

Vị giám đốc này nói thêm rằng, Phố Wall càng kinh doanh nhiều ở Trung Quốc, thì ngành ngân hàng đầu tư của Mỹ càng có động lực để vận động chính quyền ông Trump giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh.

Các công ty ở Phố Wall – bao gồm Blackstone, Citadel, Fidelity, Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley, đã tham gia diễn đàn từ tháng 9/2018. Phiên họp gần đây nhất được tổ chức vào 2 tuần trước, ban đầu dự kiến sẽ diễn ra ở Washington nhưng bị hoãn lại vì dịch bệnh.

Các công ty Mỹ tham gia cho biết họ đã nói rõ với những người đồng cấp rằng việc ông Trump có quan điểm gay gắt với Trung Quốc được áp dụng trên quy mô lớn và sẽ không ngay lập tức được xoa dịu ngay cả khi ông thua trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Về phía Trung Quốc, giới chức nước này cho biết họ chỉ đơn giản đang đẩy nhanh một chương trình nghị sự dài hạn tập trung vào nhu cầu thị trường của chính mình.

Tại sự kiện hồi tuần trước, theo một số người tham gia, 2 bên thảo luận về cải cách thị trường về mặt kỹ thuật và mối quan hệ Mỹ - Trung. Các diễn giả được mời bao gồm Kevin Rudd (cựu Thủ tướng Australia) và Jeffrey Bader (từng là cố vấn cho ông Barack Obama về các vấn đề an ninh châu Á).

Một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc tiết lộ với Financial Times rằng việc mở cửa thị trường tài chính mạnh mẽ hơn sẽ giúp các cơ quan quản lý giải quyết những thách thức lớn. Trong đó bao gồm: tình trạng quản lý yếu kém tại nhiều công ty trong nước, thiếu sự đổi mới trong lĩnh vực này và chế độ quản lý chưa phát triển. Người này nói: "Chúng tôi hy vọng việc thu hút các công ty nước ngoài sẽ giúp giải quyết những vấn đề này."

Vị giám đốc điều hành quỹ nói thêm rằng các mục tiêu như vậy và cả mục tiêu dài hạn của Trung Quốc về việc tăng sức hấp dẫn của đồng CNY so với vị thế là đồng tiền dự trữ của đồng USD là "điều không thể thực hiện nếu chỉ dựa vào Bank of China, họ cần cả JPMorgan, BlackRocks và Vanguard để thành công."

Bên ngoài Trung Quốc, đồng CNY chỉ chiếm khoảng 3% dự trữ tại các ngân hàng trung ương, trong khi các đồng USD, euro và yen lần lượt là 62%, 20% và 5,7%.

Từ quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường trái phiếu của Trung Quốc có quy mô rất lớn, do đó họ không thể bỏ qua, đặc biệt là lợi nhuận thu về lại cao hơn.

Trong 2 thập kỷ, giá trị thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc đã tăng gấp 60 lần lên khoảng 14 tỷ USD, vượt Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có sự hiện diện lớn. JPMorgan Asset Management ước tính tỷ lệ sở hữu ở nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ trong nước đã tăng từ 2% lên 9% trong những năm gần đây, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 15-30% mà nhà đầu tư nước ngoài thường nắm giữ ở những thị trường châu Á khác. Tháng trước, trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã được đưa vào một trong những chỉ số trái phiếu quan trọng nhất của thế giới, "mở đường" cho dòng vốn chảy vào khoảng 140 tỷ USD.

Adam McCabe – trưởng bộ phận trái phiếu châu Á tại Aberdeen Standard Investments, cho biết: "Nếu bạn đang nhìn vào một thị trường rộng lớn như Trung Quốc đang mở cửa, bạn không muốn đợi cho đến khi đã có quá nhiều người đầu tư, bạn sẽ muốn là người đầu tiên." Ông nói thêm: "Thành thật mà nói, ngay cả khi ông Trump tái đắc cử, thì đây là dòng vốn dài hạn, họ đang nhìn xa hơn những điều không chắc chắn trong ngắn hạn."

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên