MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ thương hiệu thời trang Việt có doanh số tăng 'sốc' từ 64 triệu đồng lên 7 tỷ đồng sau 3 tháng lên Shopee: "Sàn TMĐT đưa ra nhiều quy định gắt gao chỉ để khách có trải nghiệm tốt"

18-05-2024 - 17:35 PM | Doanh nghiệp

"Shopee đã educate (giáo dục) khách hàng quá tốt, rằng họ là sàn bán rẻ nhất, có nhiều ưu đãi nhất, dành cho khách nhiều sự đảm bảo nhất. Họ có thể đảm bảo người ship có thể giao nhanh nhất đến tay khách, có bất kỳ lỗi gì sẽ "hành" nhà bán để đòi quyền lợi cho khách", anh Bùi Mạnh Quân – Founder thương hiệu The Bad God chỉ ra thực tế.

"Tôi nghĩ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không còn là sân chơi cho những người nghiệp dư, không phải nơi cứ nổi hứng đăng sản phẩm lên là bán được. Câu chuyện đó cách đây 6-7 năm rồi. Các nhà bán bây giờ phải chuyên nghiệp hơn", anh Bùi Mạnh Quân - Founder thương hiệu thời trang Việt Nam The Bad God chia sẻ trong series podcast Chapter 0 do Rising Vietnam sản xuất.

The Bad God là thương hiệu luôn lọt top trên sàn TMĐT trong lĩnh vực thời trang, hiện đã phục vụ hơn nửa triệu lượt khách hàng và bán ra hơn 1,2 triệu sản phẩm. 

Theo anh Quân, TMĐT vẫn sẽ là con đường chủ đạo của The Bad God trong ít nhất 7 năm tới, bởi đây là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để đưa hàng tiêu dùng Việt Nam đến tay bạn bè quốc tế theo hình thức B2C (từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng).

Doanh số tăng từ 64 triệu đồng lên 7 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng lên Shopee

Có thể nói The Bad God là một "case study" thành công về kinh doanh thời trang qua kênh TMĐT, khi tăng được doanh số từ 64 triệu đồng lên 7 tỷ đồng chỉ 3 tháng sau khi gia nhập Shopee vào năm 2021.

Tại thời điểm đó, anh Quân cho biết các nhà bán hàng khác còn e dè do tình hình dịch bệnh, còn The Bad God nhìn ra một xu hướng về sản phẩm áo khoác varsity (một loại áo khoác thể thao). Anh quyết định cho thiết kế hơn 10 mẫu áo varsity, triển khai chiến dịch Influencer Marketing (tiếp thị thông qua những người có tầm ảnh hưởng) trên TikTok cũng như Facebook.

"Trước đó chúng tôi đã truyền thông về sản phẩm trên các hệ thống social, cũng như các sàn TMĐT Shopee và Lazada. Đến khi làm chiến dịch Influencer Marketing, mọi người lên tìm kiếm rất nhiều. Lúc đó chỉ mỗi chúng tôi bán varsity trên sàn. Các thương hiệu khác thứ nhất là chưa ra kịp. Thứ hai, có lẽ họ nghĩ sản phẩm đó sẽ không bán được trên sàn.

Hồi năm 2021, AOV (giá trị trung bình trên một đơn hàng) của ngành thời trang rất thấp, chỉ khoảng 100.000 – 200.000 đồng, trong khi một chiếc áo varsity của chúng tôi có giá 450.000 đồng. Những bạn hỗ trợ tôi trên sàn đều nói rằng không bán được đâu, khách chỉ mua quần áo dưới 200.000 đồng thôi.

Vì vậy, chúng tôi không có đối thủ trên sàn với sản phẩm đó. Khi mọi người tìm kiếm từ khóa varsity, không phải The Bad God, thì cũng ra gian hàng của chúng tôi", anh Quân kể lại "case study" của thương hiệu.

Ông chủ The Bad God kết luận rằng thành công đến từ việc thương hiệu có thời cơ tốt, nắm bắt được một sản phẩm 'hot trend' để gia nhập thị trường, làm được một chiến dịch truyền thông chi phí rẻ nhưng hiệu quả rất cao. Anh tiết lộ trong số 40 KOC mà The Bad God hợp tác, người nhận mức phí cao nhất cũng chỉ 2 triệu đồng, còn lại trung bình khoảng 200.000 – 500.000 đồng. Theo quan điểm của anh, chi phí thuê KOC hiện nay vẫn rẻ so với hiệu quả họ đem lại.

Chủ thương hiệu thời trang Việt có doanh số tăng 'sốc' từ 64 triệu đồng lên 7 tỷ đồng sau 3 tháng lên Shopee:

Sản phẩm áo khoác varsity của The Bad God.

Nhiều khách lướt TikTok thấy sản phẩm nhưng không mua ngay trên TikTok Shop mà lên Shopee mua

Tuy nhiên, việc kinh doanh trên sàn TMĐT hiện nay dường như không còn quá "màu hồng". Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các sàn đang ưu tiên quá nhiều quyền lợi cho khách hàng, khiến các nhà bán gặp vô vàn thách thức và bất cập. Thực tế cho thấy đã có nhiều nhà bán rời bỏ sàn.

Bình luận về chủ đề này, anh Quân nhấn mạnh sàn TMĐT hiện nay không còn là sân chơi cho những người nghiệp dư, đồng thời chỉ ra rằng các quy định gắt gao của sàn phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng.

"Tất nhiên sàn đưa ra những quy chế rất gắt gao, nhưng là người tiêu dùng bạn có thấy nó quá đáng không, hay thấy phù hợp với mong muốn của bản thân mình? Hàng lỗi thì phải đổi đúng không? Bây giờ khách muốn được ship hàng nhanh thì phải xác nhận đơn hàng trong 1-2 ngày, vì thời gian ship đã mất 3 ngày.

Trước đây khi sàn chưa đưa ra những quy định đó, sự bất tiện đối với khách hàng rất lớn. Bây giờ họ đưa ra ngày càng nhiều quy định chỉ để khách hàng có trải nghiệm tốt hơn thôi", Founder The Bad God nhìn nhận.

Chủ thương hiệu thời trang Việt có doanh số tăng 'sốc' từ 64 triệu đồng lên 7 tỷ đồng sau 3 tháng lên Shopee:

Anh còn chỉ ra một điểm thú vị trong hành vi người tiêu dùng hiện nay. Đó là TikTok có sàn TMĐT, nhưng nhiều khách lướt TikTok thấy sản phẩm không mua hàng ngay trên TikTok Shop hay vào website thương hiệu, mà lên Shopee tìm mua.

"Shopee đã educate (giáo dục) khách hàng quá tốt rằng họ là sàn bán rẻ nhất, có nhiều ưu đãi nhất, dành cho khách nhiều sự đảm bảo nhất. Họ có thể đảm bảo người ship có thể giao nhanh nhất đến tay khách, có bất kỳ lỗi gì sẽ "hành" nhà bán để đòi quyền lợi cho khách", anh Quân nêu ưu điểm vượt trội của sàn Shopee.

Đối với riêng ngành thời trang, anh chỉ ra thực tế là việc bán hàng trên sàn TMĐT khiến mặt bằng chung chất lượng sản phẩm Việt Nam sản xuất cao hơn trước đây rất nhiều.

"Ví dụ như đơn vị của tôi, nếu không bán trên sàn thì cũng không gắt gao về chất lượng như bây giờ. Chỉ cần một đánh giá 1 sao là một nhát dao đâm vào tim.

Tất nhiên thách thức sẽ nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ mặt bằng chung của chất lượng, từ sản phẩm đến dịch vụ và đặc biệt là trải nghiệm khách hàng sẽ tốt hơn rất nhiều. Như vậy mới giúp nền sản xuất của Việt Nam mình phát triển được", anh nêu quan điểm.

Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên