MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm: Xe điện cũng có nguy cơ gây tác động đến môi trường

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, tổng lượng phát thải toàn lãnh thổ có thể không giảm, thậm chí tăng lên khi phải xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, ắc quy của xe điện khi hết hạn sử dụng sẽ trở thành chất thải nguy hại

3 nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của xe điện

GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên), chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm cho biết, việc sử dụng xe điện cũng có thể gây nên 3 tác động ô nhiễm đến môi trường.

Thứ nhất, năng lượng điện sử dụng có thể từ nguồn gây ô nhiễm (như nhiệt điện than) và việc sử dụng xe điện gián tiếp làm tăng phát thải chất ô nhiễm vào môi trường. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất than và chì cũng tiêu tốn lượng điện năng lớn. Do đó, lượng phát thải khí do sử dụng xe điện phải tính thêm phần từ những nhà máy sản xuất điện, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất loại phương tiện này.

Thứ hai, ắc quy dùng cho xe điện là nguồn gây tác động khá lớn cả khi sử dụng và thải bỏ. Xe điện có tỷ lệ sử dụng ắc quy chì cao hơn các phương tiện cơ giới khác, do đó tỷ lệ phát thải chì trên mỗi cây số lưu thông cũng lớn hơn.

Thứ ba, xử lý xe thải bỏ cũng có tác động đến môi trường.

Chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm: Xe điện cũng có nguy cơ gây tác động đến môi trường - Ảnh 1.

"Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy khả năng tác động của xe điện nói chung và ắc quy nói riêng đến môi trường là khá lớn. Tôi cho rằng, nên chú ý cách tiếp cận, đánh giá phải bao quát hết các loại tác động môi trường, theo suốt vòng đời, trong phạm vi không gian đủ rộng thì mới kết luận được liệu đi xe máy điện có giảm được ô nhiễm môi trường hay không" - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.

Nhà nước nên trợ giá cho xe điện?

Mặc dù việc sử dụng xe điện tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng phương tiện này vẫn có những ưu điểm rõ ràng so với xe máy xăng. Ô nhiễm tiếng ồn do xe điện gây ra là không đáng kể khi so sánh với xe máy xăng.

Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, xe đạp điện có thể là một giải pháp hấp dẫn để giảm nguy cơ tiếp xúc của con người với tiếng ồn giao thông quá cao trong một thành phố nhiều xe máy. Đặc biệt, trong khu vực đô thị mà lưu lượng xe máy chiếm ưu thế, tỷ lệ tiếng ồn đạt tiêu chuẩn 70 dB (A) tăng đáng kể từ 12,2% lên 41,9% khi 100% xe máy xăng ở kịch bản giao thông thực tế đã được thay thế bởi xe đạp điện.

Theo ông Hoàng Xuân Cơ, hiện vẫn chưa có nghiên cứu tổng hợp, so sánh hiệu quả giữa xe điện và xe máy xăng trong điều kiện Việt Nam. Trước khi có nghiên cứu cụ thể, ông chưa thể đưa ra ý kiến ủng hộ xe điện hay không.

"Nếu Nhà nước trợ giá thì Nhà nước phải hiểu được có đáng hay không, trợ giá cho xe điện được lợi ích gì. Các nhà khoa học phải chỉ ra được cho Chính phủ biết rằng xe điện đem lại được nhiều lợi ích về lâu về dài và ngành này cần được hỗ trợ, trợ giá. Tuy nhiên, để trợ giá thì phải có người đứng ra, điều này cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học để chứng minh là xe điện có lợi hơn cho môi trường, xét về lâu về dài" - ông Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

An Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên