MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạt kỷ lục lợi nhuận, VPBank đặt trọng tâm vào tăng trưởng chất lượng

24-01-2019 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2018, lợi nhuận của VPBank tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt hơn 9.198 tỷ đồng, nhưng báo cáo kết quả kinh doanh mới được công bố còn cho thấy ngân hàng này đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng và bắt đầu những bước đi chắc chắn cho tương lai.

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng trong năm vừa qua đạt xấp xỉ 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với một năm trước đó. Các chỉ số quan trọng khác cũng ở mức tăng trưởng khá cao so với thị trường nói chung, như tổng thu nhập hoạt động tăng 24,2% so với cùng kỳ, và dư nợ cấp tín dụng tăng 17%. Nhưng nếu mang số lợi nhuận so với kế hoạch năm đã được đưa ra trước đó, kết quả trên có phần hụt hơn một chút so với kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, phân tích kỹ, bức tranh toàn cảnh về ngân hàng này sẽ hiện ra rõ nét hơn, qua đó có thể thấy được sự thay đổi chiến lược đang dần được thực hiện tại ngân hàng này.

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo kết quả kinh doanh của VPBank là nguồn thu từ phí. Năm 2018, tổng doanh thu từ phí đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của ngân hàng riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017.

Đây là kết quả có được từ việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh như bảo hiểm, thẻ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng số. Nguồn thu từ phí tăng cao cũng đồng nghĩa rằng sự lệ thuộc của ngân hàng vào các sản phẩm cho vay truyền thống đang giảm bớt đi, và ngân hàng cũng cho thấy các dịch vụ ngân hàng đang ngày càng đa dạng hóa hơn.

Chính tốc độ tăng trưởng cao từ nguồn thu phí đã góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng cao, trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp thấp hơn so với dự kiến ban đầu do Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách kiểm soát tín dụng nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Một lãnh đạo cấp cao của VPBank cho biết, hạn mức tín dụng được cấp thấp hơn dự kiến ban đầu có phần ảnh hưởng tới tăng trưởng lợi nhuận, nhưng sự chủ động điều chỉnh chiến lược của ngân hàng là một nguyên nhân không nhỏ.

Nhiều nhà đầu tư tham dự đại hội đồng cổ đông đầu năm 2018 hẳn còn nhớ, hai từ “bền vững” và “tìm kiếm động lực tăng trưởng mới” là những từ được Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng và Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhắc tới nhiều nhất. Lý do thì đã rõ ràng, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường đang ngày càng lớn, kèm theo đó là sức ép không hề nhỏ đến từ những công ty công nghệ tài chính.

Tuyên bố từ những lãnh đạo cao nhất của ngân hàng đã nhanh chóng được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà đầu tư sau khi kết quả kinh doanh quý 3 được công bố, ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch kiêm CEO của FE Credit, tiết lộ rằng công ty đã chủ động tạm dừng các sản phẩm cho vay cũng như những nhóm khách hàng có khả năng tạo ra nhiều nợ xấu. Kết quả là dư nợ cho vay tiền mặt đã giảm.

Để bù đắp lại, FE Credit đã tăng cường giải quyết các vấn đề thu hồi nợ và đầu tư cho công nghệ nhằm mở rộng số lượng khách hàng nhanh chóng. Tháng 8/2018, FE Credit ra mắt thị trường ứng dụng cho vay tự động $NAP có khả năng rút ngắn toàn bộ quy trình vay xuống còn từ 10-15 phút, và giải ngân tiền cho khách hàng trong vài giờ đồng hồ.

Chỉ sau hai tháng triển khai $NAP, số lượng khách hàng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân đã tăng trung bình 280% mỗi tháng. Tính đến cuối tháng 11/2018, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt đăng ký mỗi ngày. Nhờ vậy, dù thay đổi cấu trúc sản phẩm và gặp một số khó khăn về thu hồi nợ trong những tháng đầu năm, FE Credit vẫn củng cố vị trí dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng, với sự tăng tốc ở những tháng cuối năm. Ông Kalidas cho biết công ty còn kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 18%-20% trong năm 2019.

Điều tương tự cũng diễn ra tại ngân hàng mẹ VPBank. Song song với việc đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng truyền thống, năm 2018 là năm VPBank đầu tư mạnh mẽ vào những sản phẩm và dịch vụ mới nhằm tạo ra động lực rang trưởng mới. Điển hình nhất là ứng dụng ngân hàng số YOLO. Bằng cách kết hợp với các đối tác cung cấp các dịch vụ tiện ích khác, YOLO tạo ra hệ sinh thái ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam và thu hút khoảng 200.000 khách hàng sử dụng chỉ sau 3 tháng ra mắt. Dù vẫn đang trong giai đoạn mở rộng mạng lưới đối tác và số lượng khách hàng, ông Shameek Bhargava, Giám đốc YOLO của VPBank, tin tưởng rằng ứng dụng ngân hàng số này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng trong tương lai.

Lãnh đạo cấp cao của VPBank cho biết các khoản đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ mới đã hạn chế tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2018, nhưng về dài hạn nó sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng bền vững hơn và đủ sức cạnh tranh với những thách thức mới trên thị trường.

Tiếp tục đà tăng trưởng nhanh nhưng sẽ chú trọng vào tăng trưởng chất lượng là chủ trương lớn đã được thông qua tại lễ tổng kết hoạt động kinh doanh 2018 và kế hoạch 2019 của VPBank diễn ra vào trung tuần tháng 1 vừa qua.

A.D

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên