MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai địa phương đắt đỏ nhất cả nước lại có nhiều người muốn chuyển đến sống nhất. Vì sao?

Hai địa phương đắt đỏ nhất cả nước lại có nhiều người muốn chuyển đến sống nhất. Vì sao?

Hai địa phương có mức chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước, nhưng đồng thời cũng là những nơi mà nhiều người muốn chuyển đến sống nhất.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian 2023 (SCOLI) do Tổng cục Thống kê vừa công bố hồi cuối tháng 3/2024 cho thấy, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng và Lâm Đồng là top 5 địa phương có mức giá sinh hoạt đắt nhất cả nước. Trong đó, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu danh sách về chi tiêu đắt đỏ.

Ở chiều ngược lại, Bến Tre, Nam Định, Quảng Trị, Sóc Trăng và Gia Lai là các địa phương có mức sống rẻ nhất cả nước.

Hai địa phương đắt đỏ nhất cả nước lại có nhiều người muốn chuyển đến sống nhất. Vì sao?- Ảnh 1.

Nguồn: Tổng Cục Thống kê

Thế nhưng, điều bất ngờ là, theo báo cáo "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023" cũng được công bố cùng thời gian trên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng cũng là những địa phương nhiều người muốn chuyển đến sống nhất cả nước. Có đến 21,68% người được hỏi trả lời muốn đến sống ở TP Hồ Chí Minh. Con số này là 15,10% với Hà Nội và 3,97% với Lâm Đồng.

Trong khi đó, 2 trong số 5 địa phương có mức sống rẻ nhất là Bến Tre và Quảng Trị cũng đồng thời nằm trong số những nơi ít người muốn chuyển đến sống nhất. Chỉ 0,16% người được hỏi muốn đến sống ở Bến Tre, và 0,28% muốn đến sống ở Quảng Trị.

Hai địa phương đắt đỏ nhất cả nước lại có nhiều người muốn chuyển đến sống nhất. Vì sao?- Ảnh 2.

Nguồn: PAPI

Điều gì khiến những địa phương đắt đỏ nhất lại có sức hấp dẫn đối với những người có ý định di cư đến vậy? Có thể lý giải được phần nào nghịch lý này nếu nhìn vào lý do khiến người dân muốn rời khỏi quê gốc tìm một nơi sinh sống khác cũng trong báo cáo PAPI.

Hai địa phương đắt đỏ nhất cả nước lại có nhiều người muốn chuyển đến sống nhất. Vì sao?- Ảnh 3.

Động lực thúc đẩy di cư, 2020-2023. Nguồn: PAPI

Trong năm 2023, đoàn tụ gia đình là động lực di cư chính của 40,68% người trả lời, tương tự như kết quả khảo sát từ năm 2020 đến năm 2022. Khi giới trẻ có xu hướng ở lại thành phố lớn làm việc và sinh sống, sau đó các thế hệ trước (ông bà, bố mẹ…) di cư đến để sống cùng con cháu là thực tế ở đa số gia đình.

Có việc làm tốt hơn và môi trường tự nhiên tốt hơn là động lực thứ hai và thứ ba (lần lượt với tỉ lệ người trả lời tương ứng là 21,8% và 17,4%).

Di cư để tìm việc làm là một lý do quan trọng khác khiến nhiều người muốn đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Có đến 35,1% người muốn đến sống ở TP Hồ Chí Minh vì nhu cầu mưu sinh, tìm kiếm việc làm (gần tương đương với người muốn đoàn tụ gia đình). Với Hà Nội, con số này là 20,7%.

Theo Sách trắng Doanh nghiệp 2023 do Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố, năm 2022, TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số doanh nghiệp đang hoạt động (274.067 doanh nghiệp, chiếm 30,6% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước); Hà Nội đứng thứ hai với 187.007 doanh nghiệp, chiếm 20,9%. Như vậy, chỉ 2 đô thị lớn đã có đến hơn một nửa số doanh nghiệp của cả nước, tạo ra hy vọng tìm được việc làm dễ dàng hơn, từ đó trở thành địa phương hấp dẫn đối với người lao động.

Hai địa phương đắt đỏ nhất cả nước lại có nhiều người muốn chuyển đến sống nhất. Vì sao?- Ảnh 4.

Tỉnh, thành phố được ưa chuộng nhất theo động lực thúc đẩy di cư, 2023. Nguồn: PAPI

Môi trường tự nhiên tốt hơn không phải là điều hấp dẫn của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chỉ 5,4% người được hỏi nhắc đến lý do này khi muốn di cư đến Hà Nội. Con số này đối với TP Hồ Chí Minh cao hơn, đạt 9,7%. Trong Top 5 địa phương hấp dẫn nhất đối với những người muốn thay đổi chỗ ở, chỉ có Lâm Đồng là nơi được rất nhiều người muốn đến với lý do môi trường tự nhiên tốt hơn. Có đến 70% người được hỏi chọn Lâm Đồng là nơi muốn sống vì lý do này.

C.Quân

C.Quân

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên