MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước

Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ tăng vị thế của Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích song phương cho cả hai nước.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ngày 8/5/2024, theo giờ địa phương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ nghe tranh luận trực tuyến tại Washington D.C về việc có nên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không. Phiên điều trần nằm trong khuôn khổ quá trình đánh giá, với quyết định cuối cùng được đưa ra ngày 26/7/2024. Ông bình luận gì về việc này?

Tôi cho rằng, Hoa Kỳ cần phải nhận thức sớm hơn về sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam, đặc biệt là khi hai bên đã nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden. Điểm này rất quan trọng.

Nếu Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đây sẽ là một bước tiến mới làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia. Điều này sẽ làm thay đổi lớn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khác xa so với khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, gây ra nhiều trở ngại và rào cản trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư.

Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước- Ảnh 1.

Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường: Mang lợi ích song phương cho cả hai nước

Có thể nói, thử thách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam là quá dài. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, chậm còn hơn không bao giờ. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, để hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này không bị coi là bán phá giá, bán có trợ cấp và Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích thương mại khác.

Từ đó, làm cho mối quan hệ giữa hai nước sẽ tăng cường hơn về thực chất, nhất là trong hoạt động về thương mại, đầu tư và các hoạt động khác, điều này, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ông có thể phân tích kỹ hơn về những lợi ích mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể nhận được nếu như Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?

Thứ nhất, hiện, Việt Nam đang xuất khẩu rất nhiều các mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản, sắt thép,… Nếu không được công nhận là nền kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc bất kỳ mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam mà có nguy cơ bán phá giá, Hoa Kỳ sẽ đưa vào danh sách bị rà soát và như vậy sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam bị chậm nhịp khi bán sang thị trường này. Trong thời gian bị rà soát, xem xét như vậy, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp lấy cơ hội, nhảy vào thị trường Hoa Kỳ.

Thứ hai, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá. Theo đó, hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Hoa Kỳ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, khi hàng hóa bị rơi vào diện nghi ngờ, phía Hoa Kỳ sẽ điều tra, việc này các doanh nghiệp của Việt Nam phải hợp tác, cung cấp thông tin và nhiều vấn đề khác nữa. Những việc này gây tốn kém về chi phí cả về tiền bạc, thời gian và cơ hội của các doanh nghiệp. Đặc biệt là liên quan đến danh tiếng và uy tín của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến suy giảm toàn chuỗi giá trị ngành hàng bị điều tra, dẫn đến tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh và chúng ta sẽ bị mất đi quan hệ với các bạn hàng chiến lược.

Từ những phân tích ở trên, tôi cho rằng, khi Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sẽ bán hàng với tốc độ nhiều hơn, không bị các mối đe dọa tiềm ẩn như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp phòng vệ thương mại khác.

Khi hoạt động xuất khẩu được suôn sẻ, các doanh nghiệp sẽ có được không gian thị trường rộng rãi và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này có thể tăng gấp đôi sang thị trường này trong vòng 2 - 3 năm tới.

Ở chiều ngược lại, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại những lợi ích gì cho phía Hoa Kỳ, thưa ông?

Tôi cho rằng, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ là người được hưởng lợi, bởi họ sẽ được tiếp cận nguồn hàng hóa Việt Nam chất lượng với mức giá cả phải chăng. Việc này cũng sẽ giúp kích thích sức cạnh tranh của các đối thủ tại thị trường này.

photo-1715417703644

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân

 Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước

Khi mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được thắt chặt, tăng cường sự tin cậy, dòng đầu tư, thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được mở rộng. Hoa Kỳ là thị trường rất lớn, hiện mỗi năm chúng ta mới xuất khẩu sang thị trường này vài chục tỷ USD, trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá mỗi năm của thị trường này hàng nghìn tỷ USD.

Nếu kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ được tăng lên, thì vị thế của Việt Nam cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Ở chiều ngược lại, phía Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi rất nhiều. Vì những ngành hàng mà Hoa Kỳ không có lợi thế cạnh tranh sẽ được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi đó, Hoa Kỳ tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng lợi thế của mình, từ đó, thúc đẩy quá trình cải tiến cơ cấu kinh tế của Hoa Kỳ sang một giai đoạn mới cao hơn.

Ông có kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong năm 2024 này?

Tôi nghĩ không có lý do gì mà Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bởi lẽ, Việt Nam – Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, điều này khẳng định Việt Nam là quốc gia có độ tin cậy về thương mại rất cao.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Thực tế, tất cả các thông tin thị trường của Việt Nam hoàn toàn minh bạch. Bên cạnh Hoa Kỳ, Việt Nam xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Nếu Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ tăng vị thế của Việt Nam, đây cũng là thắng lợi của Hoa Kỳ, khẳng định việc họ đang làm việc với đối tác làm ăn chân chính. Việc công nhận này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.


Theo Nguyễn Hạnh

Báo Công Thương

Trở lên trên