MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại, Sợi Thế Kỷ đang nuôi nhiều mộng lớn

22-02-2019 - 08:35 AM | Doanh nghiệp

Chia sẻ tại buổi Analyst Meeting mới đây, Sợi Thế Kỷ cho biết chiến lược năm 2019 tiếp tục gia tăng tỷ trọng sợi tái chế, đồng thời phát triển sợi tính năng đặc biệt. Công ty cũng chuẩn bị triển khai các dự án mới (sợi màu, sợi chập, Polymerization), riêng dự án sợi màu sẽ được thực hiện ngay trong quý 2 với công suất 4.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư ước tính 200.000-300.000 USD.

Với xu hướng tiếp tục dịch chuyển đơn hàng để tận dụng các ưu đãi thuế quan từ FTAs, chiến tranh thương mại, thị trường dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng đang duy trì tăng trưởng tích cực.

Mặc dù một số ý kiến cho rằng dệt may có thể sẽ chững lại so với năm 2018 (tương ứng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn), giá trị xuất khẩu ngành năm 2019 vẫn được dự báo nhiều khả năng hoàn thành ở mức 40 tỷ USD, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 14-15%, kéo theo ngành sợi được hưởng lợi do nhu cầu các sản phẩm dệt may tăng cao.

Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại, Sợi Thế Kỷ đang nuôi nhiều mộng lớn - Ảnh 1.

Nắm bắt cơ hội, Sợi Thế Kỷ (STK) đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới khách hàng nhằm chiếm lĩnh thị phần. Chia sẻ tại buổi Analyst Meeting mới đây, Sợi Thế Kỷ cho biết chiến lược năm 2019 tiếp tục gia tăng tỷ trọng sợi tái chế, đồng thời phát triển sợi tính năng đặc biệt. Công ty cũng chuẩn bị triển khai các dự án mới (sợi màu, sợi chập, Polymerization), riêng dự án sợi màu sẽ được thực hiện ngay trong quý 2 với công suất 4.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư ước tính 200.000-300.000 USD.

Doanh thu sợi tái chế quý 1/2019 đạt 120 tỷ, tăng gấp 2 lần

Là đơn vị có thâm niên trong sản xuất sợi với công suất 60.000 tấn sợi DTY và FDY/năm, Sợi Thế Kỷ từ năm 2016 đã phát triển sản phẩm sợi sử dụng nguyên liệu tái chế, đón đầu xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Được biết, với sứ mệnh hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường, các hãng thời trang lớn như Nike, Adidas, Puma, H&M… đều đã có những cam kết sử dụng sản phẩm sợi làm từ nguyên liệu tái chế. Không dừng lại, nhu cầu dòng sản phẩm này trong tương lai kỳ vọng tiếp tục tăng đi kèm với tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm sợi thông thường.

Riêng tại Sợi Thế Kỷ, năm 2018, tổng sản lượng sợi tái chế (Recycle) tăng mạnh hơn 70% lên khoảng 8.000 tấn, đóng góp 16,5% doanh thu (năm 2017 chỉ chiếm 6,2% doanh thu). Với lợi thế mạng lưới khách hàng sử dụng sợi tái chế đang tăng (Nike, Adidas, Decathlon, Puma, Uniqlo…), giá bán cạnh tranh đi cùng nhu cầu ngày càng lớn, Sợi Thế Kỷ dự kiến sản phẩm này sẽ chiếm đến 26,5% tổng doanh thu năm 2019, con số cho năm tiếp theo đạt 30% tỷ trọng. Riêng trong quý 1/2019, doanh thu sợi tái chế của Công ty ước tính đạt 120 tỷ, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại, Sợi Thế Kỷ đang nuôi nhiều mộng lớn - Ảnh 2.

Được biết, giá nguyên liệu đầu vào hạt nhựa Recycled PET chip cao hơn khoảng 20-30% hạt PET chip, bù lại sản phẩm làm từ sợi tái chế có giá bán cao hơn sợi nguyên thủy từ 20-30% và có biên lợi nhuận khá cao, từ 24-25%, trong khi các sợi DTY thông thường chỉ từ 12-13%, FDY 10-11%. Năm 2018, giá sợi tái chế tăng đến 33% trong khi sợi FDY chỉ dừng lại ở mức tăng 16%, DTY tăng 19%.

Mặt khác, Công ty còn đa dạng danh mục với dòng sản phẩm cao cấp dự kiến sẽ được chào bán trong tương lai. Đây là dự án Sợi Thế Kỷ bắt tay với đối tác Nhật Bản, khách hàng mục tiêu cho người lớn tuổi, giá bán đâu đó khoảng 14 USD/kg, cao hơn nhiều so với mức giá khoảng 1-1,2 USD/kg của sợi tái chế hiện nay.

Mở rộng tệp khách hàng

Một động lực tăng trưởng khác, trải qua giai đoạn khó khăn 2015-2016, Sợi Thế Kỷ hiện đang mở rộng thị trường sang các quốc gia mới như Nhật Bản, Hàn Quốc... thay thế cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ truyền thống trước đó. Tính đến cuối năm 2018, thị phần sợi Polyester của Sợi Thế Kỷ tại các thị trường chính gồmThái Lan đạt 8,9% (trên tổng thị phần Việt Nam 33,9%), Hàn Quốc 1,6% (trên tổng thị phần Việt Nam 11,1%), Nhật Bản 7,4% (trên tổng thị phần Việt Nam 11,6%). Công ty hiện bán cho 79 đối tác, trong đó số lượng phát triển mới chiếm tỷ trọng 11%, tương đương 8-9 khách hàng.

Sang năm 2019, khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực, thị trường mở rộng đi cùng mức thuế ưu đãi sẽ là cơ hội cho Sợi Thế Kỷ, đặc biệt Công ty kỳ vọng vào thị trường lớn la Canada, hay Mexico với ngành sợi chưa được phát triển. Ngoài ra, Sợi Thế Kỷ còn dự kiến thành lập liên minh dệt may trong đó Công ty đứng trên khâu sợi, mục tiêu dài hạn chiếm lĩnh thị phần, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá bán.

Tựu trung lại, hưởng lợi từ đà tăng trưởng toàn ngành đi cùng dòng vốn từ các FTAs cũng như dịch chuyển từ Trung Quốc, Sợi Thế Kỷ với lợi thế từ sản phẩm sợi tái chế, cùng công tác mở rộng tệp khách hàng đang nuôi nhiều tham vọng tăng trưởng. Kế hoạch cho năm 2019, Sợi Thế Kỷ mục tiêu doanh thu thuần 2.602,9 tỷ, lãi sau thuế 200 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu Công ty đang tăng trưởng trở lại, hiện giao dịch tại mức 18.000 đồng/cp, tức tăng 28% chỉ sau hơn 3 tháng.

Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại, Sợi Thế Kỷ đang nuôi nhiều mộng lớn - Ảnh 3.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên