MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lỳ đòn trước cú đấm “thổi nồng độ cồn”: Doanh nghiệp bia địa phương vẫn lãi đều đặn 200 tỷ/năm, cổ tức tiền mặt “sòn sòn”, cổ phiếu neo cao vùng đỉnh

Lỳ đòn trước cú đấm “thổi nồng độ cồn”: Doanh nghiệp bia địa phương vẫn lãi đều đặn 200 tỷ/năm, cổ tức tiền mặt “sòn sòn”, cổ phiếu neo cao vùng đỉnh

Bất chấp việc siết chặt xử phạt vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây, một doanh nghiệp bia địa phương vẫn sống khoẻ, cổ tức tiền mặt đều đặn cho cổ đông, cổ phiếu bền bỉ đi lên lập đỉnh.

Nghị định số 100/NĐ-CP quy định xử phạt lái xe có nồng độ cồn chính thức được áp dụng từ 1/1/2020 đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành bia Việt Nam. Việc siết chặt xử phạt trong khoảng hơn một năm trở lại đây cộng với sức mua của người tiêu dùng suy yếu đã giáng đòn mạnh vào doanh số của hầu hết các hãng bia.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bia vẫn chịu đòn tốt, mang về kết quả không đến nỗi nào, điển hình như trường hợp của Bia Sài Gòn - Miền Trung (mã SMB). Quý 1/2024, SMB ghi nhận doanh thu đạt hơn 327 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ 2023. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, SMB lãi trước thuế 29,6 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

photo-1713282513050

Theo SMB, tình hình thế giới năm 2024 được dự báo còn nhiều diên biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục xu hướng chậm lại. Xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng giữa Nga và phương tây, tình hình Trung Đông còn nhiều bất ổn,… tạo ra áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản suất kinh doanh vẫn phụ thuộc nhất định vào nước ngoài nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, Nghị định số 100 tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ bia, rượu. Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng hạn hán, bão, lũ, ngập mặn,… sẽ ảnh hưởng đến đời sống và tiêu dùng của người dân. Những rủi ro này khiến doanh nghiệp bia này lên kế hoạch khá thận trọng.

Năm nay, SMB đặt mục tiêu sản lượng sản xuất – tiêu thụ đạt 178,57 triệu lít, nhích nhẹ gần 2% so với năm 2023. Tổng doanh thu dự kiến đạt 1.379 tỷ đồng, tăng 11,5% so với thực hiện năm trước. Đáng chú ý, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm gần 48% so với năm 2023, xuống mức 97,3 tỷ đồng.

photo-1713282198904

Cần phải nhấn mạnh rằng, SMB thường có thói quen lên kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn nhưng sau đó hoàn thành vượt xa chỉ tiêu. Năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp bia này đặt mục tiêu lãi trước thuế 90 tỷ nhưng sau đó đã hoàn thành hơn gấp đôi kế hoạch đề ra. Dù vậy, so với năm 2022, lợi nhuận của SMB vẫn giảm gần 16%.

SMB là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh bia – rượu – nước giải khát tại khu vực Tây nguyên – Duyên hải Nam Trung bộ. Công ty có 4 đơn vị thành viên là các nhà máy sản xuất và công ty thương mại dịch vụ tại các tỉnh Daklak, Bình Định và Phú Yên. Doanh nghiệp này là thành viên do Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã SAB) sở hữu hơn 32%.

Năm 2019, SMB lập kỷ lục doanh thu hơn 1.500 tỷ và lợi nhuận trước thuế gần 260 tỷ đồng, trước khi kết quả kinh doanh sụt giảm dưới tác động của 2 gọng kìm Covid-19 và Nghị định 100. Dù vậy, doanh nghiệp bia này mỗi năm vẫn tạo ra hơn nghìn tỷ doanh thu và khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Mặt bằng lợi nhuận này cao hơn hẳn so với giai đoạn trước 2019.

Lợi nhuận ổn định, SMB cũng duy trì cổ tức đều đặn với tỷ lệ 35% bằng tiền cho cổ đông trong 4 năm qua. Con số này tuy thấp hơn kỷ lục 60% của năm 2019 nhưng vẫn là mức tương đối cao, tỷ lệ tương đương 10% so với thị giá. Trên thực tế, từ khi lên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bia này chưa năm nào quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

photo-1713282215693

SMB đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ tháng 9/2010, sau khoảng 8 năm, doanh nghiệp bia này đã chuyển niêm yết sang HoSE vào năm 2018. Không chỉ nhận cổ tức "đều như vắt tranh", cổ đông của SMB còn được hưởng niềm vui kép khi cổ phiếu này liên tục đi lên và hiện đang ở vùng đỉnh lịch sử. Vốn hóa thị trường tương ứng hơn 1.100 tỷ, gấp 2,5 lần thời điểm chào sàn 14 năm trước.

photo-1713282229261

 

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên