MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu dịch bùng phát mạnh, việc làm của 3,4 triệu người sẽ bị đe dọa trong quý 2

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 10/4, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.

Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70 - 80%.

Tính từ đầu năm đến 26/3, đã có trên 153 ngàn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống,…

Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2/2020, sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5 - 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý 2/2020, sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Đối với Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ VND, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ nguyên tắc hỗ trợ là tập trung vào nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Đặc biệt, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ hai chính sách trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Nếu dịch bùng phát mạnh, việc làm của 3,4 triệu người sẽ bị đe dọa trong quý 2 - Ảnh 1.

Nguồn: Cafebiz

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. 

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Nếu dịch bùng phát mạnh, việc làm của 3,4 triệu người sẽ bị đe dọa trong quý 2 - Ảnh 3.

Hoàng An

Tổ Quốc

Trở lên trên