MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bán lỗ, nông dân khó có mức lãi 30%

05-06-2013 - 21:16 PM |

Giá lúa hè thu thường rất thấp không chỉ do yếu tố thị trường tiêu thụ, mà còn do thu hoạch vào mùa mưa, khó phơi sấy, bảo quản.

Giá lúa hè thu đầu vụ tiếp tục giảm sút nghiêm trọng, nhiều nơi nông dân đang bán 3.500 – 4.000 đồng/kg trong khi bộ Tài chính mới công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu là 4.142 đồng/kg. Trong khoảng một tháng tới nông dân sẽ bước vào thu hoạch rộ với sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn lúa hàng hoá. Trong lúc đó, tại cuộc họp báo sáng 4.6, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin: thị trường xuất khẩu vẫn bế tắc.

Trong cuộc họp báo, VFA không thông tin lượng gạo tồn kho vì cho rằng đây là con số nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu đối chiếu lượng gạo mà doanh nghiệp mua vào đến hết tháng 5.2013 khoảng 4,5 triệu tấn, trừ đi khoảng 2,8 triệu tấn đã giao cho khách hàng, sẽ dễ dàng nhận ra con số còn tồn kho hiện nay của doanh nghiệp. 

Giá giảm, sức mua yếu khiến doanh nghiệp phải tính đến giải pháp chấp nhận bán lỗ, giải phóng hàng tồn nhằm tiêu thụ hết lúa hè thu. Giải pháp mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cũng được tính đến, tuy nhiên nông dân chắc chắn sẽ không có lời cao, thậm chí là thua lỗ…

Chấp nhận bán lỗ!

Theo phân tích của ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA, tình hình thị trường gạo thế giới từ đầu năm 2013 đến nay luôn ở thế cung vượt cầu, do đó, giá bán thương mại tại hầu hết các quốc gia xuất khẩu lớn đều giảm sút. Trong bối cảnh này, Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới muốn bán gạo cũng phải bấm bụng điều chỉnh giảm giá. Mức giảm giá sàn sẽ áp dụng ngay trong tuần này là 5 USD/tấn đối với loại gạo cấp thấp, tương đương 360 USD/tấn gạo 35% và 365 USD/tấn gạo 25% tấm. 

“Chúng ta còn tồn kho khá lớn gạo đông xuân, sắp tới đây lại có thêm hàng triệu tấn gạo hàng hoá hè thu nên trong giai đoạn hiện nay phải tăng tốc bán ra càng nhanh càng tốt nhằm giải phóng kho, quay trở lại tiêu thụ lúa cho nông dân”, ông Phong nói.

Một tấn gạo loại 5% tấm tồn kho hiện nay, nếu đem bán theo giá thị trường từ 375 – 380 USD, doanh nghiệp cho biết bị lỗ 25 – 30 USD. Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, nói: “Cho dù lỗ cũng phải bán, bởi doanh nghiệp đang chịu quá nhiều áp lực. Thái Lan còn tồn kho 17 triệu tấn gạo của Chính phủ mua giá cao, doanh nghiệp đang được khuyến khích bán ra để chuẩn bị mua vào vụ mới. Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh bán gạo...”

Ông Bảy không đồng tình với ý kiến cho rằng việc bỏ giá sàn xuất khẩu của Việt Nam hồi đầu năm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá, dẫn đến giá gạo Việt Nam thấp nhất thế giới. “Nếu chúng ta không bỏ giá sàn, cố giữ giá cao thì liệu có cạnh tranh được không? Bỏ giá sàn vào thời điểm giá thấp, sau đó khi thấy thị trường ấm lên chúng ta đã điều chỉnh tăng trở lại. Đây là cách điều hành linh hoạt”, ông Bảy nói.

Mua tạm trữ theo giá thị trường?

Ngoài việc chấp nhận bán lỗ để giải phóng hàng tồn, VFA cũng đang xúc tiến nối lại bán gạo vào thị trường châu Phi. Năm tháng đầu năm nay, thị trường này chỉ đứng sau châu Á khi nhập khẩu tới 22% sản lượng gạo của Việt Nam, thế nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Ấn Độ, Pakistan nên có thời điểm, doanh nghiệp mất thị trường. “Để tăng tính cạnh tranh, bán được hết lượng gạo hè thu có phẩm cấp thấp, giá gạo Việt Nam tiếp tục phải bán thấp hơn Ấn Độ, Pakistan”, ông Phong nói. 

Bên cạnh, châu Á, đặc biệt là Trung Quốc cũng sẽ là thị trường xuất khẩu chính trong các tháng tới, bởi dự kiến năm nay nước này nhập khẩu tới 3 triệu tấn gạo, tăng khoảng 23% so với năm ngoái. 

Theo VFA, việc bán gạo vào thị trường Trung Quốc không hề dễ dàng, do các nhà nhập khẩu luôn tìm cách ép giá, vì vậy doanh nghiệp cần đưa lợi thế gạo thơm, nếp, tấm sang để bán được giá cao hơn. Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho hay, từ tháng 7.2013 trở đi tình hình có thể sẽ khởi sắc hơn khi các thị trường truyền thống mở thầu nhập khẩu gạo tập trung.

Trong cuộc họp báo sáng hôm qua, VFA cũng thông tin kế hoạch mua tạm trữ, theo đó sẽ có ít nhất 1 triệu tấn gạo được tạm trữ trong vụ hè thu tới đây, thời gian từ ngày 15.6 đến 31.7. Việc tạm trữ được giao chỉ tiêu đến từng doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ lãi suất ba tháng kể từ ngày mua.

Về giá mua tạm trữ, ông Phong cho biết bộ Tài chính mới công bố giá thành sản xuất lúa vụ hè thu là 4.142 đồng/kg chứ chưa đưa ra giá sàn mua tạm trữ. Trong tình hình khó khăn hiện nay, ông Phong cho rằng doanh nghiệp không thể đảm bảo được mức lợi nhuận 30% cho nông dân như trước đây mà chỉ có thể mua theo giá thị trường, sao cho nông dân có lợi nhuận, không lỗ.

“Bây giờ mà đưa giá sàn định hướng vô thì doanh nghiệp mua vào bán không được. Còn không đưa giá định hướng thì nông dân năm nay khả năng là lời ít”, ông Phong băn khoăn.

Theo Hoàng Bảy

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên