MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chơi Forex” không chỉ “đứt tay”...

19-07-2014 - 12:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Giao dịch ngoại hối trên sàn Forex là trái pháp luật. Do đó, người chơi Forex ngoài bị xử phạt hành chính 100 triệu đồng còn nguy cơ mất trắng tiền vốn đã bỏ ra - Đây là cảnh báo của Ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, phong trào “chơi Forex” (viết tắt của cụm từ kinh doanh giao dịch ngoại tệ, ngoại hối) qua mạng internet rộ lên, trong thời gian gần đây. Mặc dù, nhiều người chơi biết rằng hoạt động này vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Điển hình nhất là khi ông Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Cty cổ phần Forex Toàn Cầu bỏ trốn đã khiến 21 khách hàng tại TP HCM cay đắng nhận ra rằng mình đã bị lừa tiền tỷ.

Forex vào VN thế nào?

Bản chất sàn giao dịch ngoại hối (hay còn gọi là kinh doanh sàn Forex) là hoạt động kinh doanh ngoại hối qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ. Thời gian gần đây, khi thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường, sàn giao dịch vàng bị đóng cửa thì trong giới đầu tư rộ lên hình thức đầu tư vào ngoại tệ, ngoại hối qua mạng Internet.

Thành viên tham gia kinh doanh trao đổi tiền tệ kiếm tiền trong thị trường Forex bằng cách mua những cặp tiền tệ sẽ tăng và bán những cặp tiền tệ sẽ giảm. Chênh lệch đó là lợi nhuận của giao dịch. Khả năng thu được lợi nhuận luôn tồn tại vì tỷ giá trao đổi luôn luôn dao động. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã cho phép các Cty giao dịch trung gian tham gia thị trường. Vì vậy, đối tượng tham gia đã được mở rộng hơn, bao gồm cả các nhà đầu tư cá nhân “nhỏ lẻ”.

Trên thế giới, Forex là thị trường lưu thông tiền tệ lên đến hàng nghìn tỉ USD, nên không có một một tổ chức hoặc cá nhân nào có khả năng thao túng thị trường này. Ngoài ra, “chơi Forex” sẽ được giao dịch với số tiền lên tới 500 lần số tiền ký quỹ, được giao dịch khống, chuyển tiền về nhanh chóng. Người chơi chỉ cần ngồi tại nhà của mình là có thể tham gia giao dịch 24/24. Hiện, việc tham gia “chơi Forex” hết sức đơn giản nhờ vào lời chào mời và các hướng dẫn chi tiết nhan nhản từ các nhà môi giới trên mạng Internet.

Ở nước ta, hình thức “chơi Forex” đã bắt đầu du nhập và phát triển nhanh chóng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực đặc thù, có điều kiện mà ở đó hiệu quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào trình độ công nghệ, sự hiểu biết thị trường tài chính quốc tế đặc biệt là tính nhanh nhạy trong các quyết định kinh doanh.

Do vậy, mảng Forex ở nước ta hiện nay mới chỉ được NHNN cấp phép cho các tổ chức tín dụng. Trong đó, các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng nước ngoài, các Cty tài chính quốc tế là những tổ chức hoạt động hiệu quả nhờ có nhiều thế mạnh về trình độ và kỹ thuật. Đối với các tổ chức tín dụng trong nước, chỉ có một vài cái tên có kết quả kinh doanh mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực này là Vietcombank, STB...

Tuy nhiên, với việc tham gia dễ dàng, thủ tục nhanh gọn, ít tốn chi phí cộng với những lời chào mời hấp dẫn từ các tổ chức cung cấp dịch vụ đầu tư Forex không được cấp phép, không ít cá nhân, nhà đầu tư đã tham gia giao dịch trên thị trường này.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

“Chơi Forex” bắt nguồn từ nhu cầu đầu tư của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, đây là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, ngoài thiệt hại kinh tế nó còn có nguy cơ tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền phi pháp.

Đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới có nền tài chính phát triển, hoạt động giao dịch Forex khá sôi động với các công ty môi giới, sàn giao dịch trung gian được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên tại Việt Nam, theo quy định Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định 95/2011 của Chính phủ, chỉ các tổ chức tín dụng có giấy phép hoạt động ngoại hối và các đại lý được chỉ định mới được mua bán và cung ứng dịch vụ liên quan đến ngoại tệ, riêng các đại lý chỉ được phép thu ngoại tệ về bán cho tổ chức tín dụng chứ không được phép bán ra. Do vậy, có thể khẳng định, các hoạt động “chơi Forex” hiện nay là trái pháp luật.

Các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ này là vi phạm pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối. Trong khi đó, những người tham gia giao dịch (traders) vừa vi phạm pháp luật, vừa không được pháp luật bảo vệ nếu có tranh chấp, xung đột xảy ra. Không phải các người chơi “traders” khi tham gia đều không biết các hoạt động này là bị cấm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận và tâm lý ưa mạo hiểm, họ vẫn sẵn sàng đánh đổi để tham gia.

Ngoài yếu tố rủi ro vì vi phạm pháp luật, người chơi còn phải chịu một rủi ro khác là sàn giao dịch online (broker) vì muốn “ăn” nhiều hơn nên phần lớn các sàn ảo đều không chịu làm trung gian mà đứng ra ôm lệnh của nhà đầu tư - tức làm nhà cái. Trong khi nhiều người cứ tưởng mình chơi và đang giao dịch với thị trường Forex toàn cầu nhưng thực chất là các lệnh chỉ được xử lý trên hệ thống máy chủ của chủ sàn, hầu hết các lệnh đặt mua bán đều được giữ lại.

Chính vì vậy, trường hợp traders dự đoán đúng xu thế thị trường và giao dịch có lãi, tức là chính chủ sàn (broker) phải trả tiền. Khi đó, nhiều chủ sàn tìm cách xóa dữ liệu lệnh hoặc can thiệp làm ảnh hưởng đến phần mềm giao dịch khiến lệnh của traders không thể gửi đi được. Nếu chủ sàn giao dịch không thanh toán tiền thì nhà đầu tư trong nước cũng không dám kiện do việc giao dịch này vi phạm pháp luật và cũng không có hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và chủ sàn. Khi đó, mất tiền nhà đầu tư phải âm thầm gánh chịu.

Trong trường hợp sàn giao dịch có uy tín, việc giao dịch là trơn tru thì nguy cơ thua lỗ vẫn là rất lớn. Bởi vì, đa số thông tin liên quan về thị trường tỷ giá đều phải xem từ các trang web nước ngoài. Do vậy, không phải ai cũng hiểu và nắm bắt được tình hình trong khi đó, thị trường biến động liên tục, từng giây. Kết quả, có đến 90% các nhà đầu tư trong nước thiếu hiểu biết về thị trường và ra các quyết định mua - bán không đúng.

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), việc kinh doanh trên sàn Forex không phải hoạt động mua, bán ngoại hối phục vụ nhu cầu sử dụng ngoại hối mà là hoạt động mua, bán ngoại hối nhằm đầu cơ biến động giá. Giao dịch trên sàn Forex là bất hợp pháp. Theo Nghị định 95 của Chính phủ, các tổ chức và cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ và kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, số tiền đầu tư trái pháp luật khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu.

Người “chơi Forex” bị xử rất nặng


LS Nguyễn Tiến Sơn - Đoàn LS Hà Nội
Theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 13/12/2005 và các nghị định, hướng dẫn kèm theo nêu rõ việc kinh doanh trao đổi ngoại tệ chỉ được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng và tổ chức được phép giao dịch.


 Đối với cá nhân, Thông tư 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép bắt buộc phải có giấy tờ chứng minh với các mục đích sử dụng như: học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch nước ngoài.

Hiện tại, ở nước ta chỉ có các tổ chức tín dụng là được NHNN cấp phép cho hoạt động kinh doanh ngoại hối còn các tổ chức, cá nhân khác sẽ không được phép. Như vậy, có thể thấy mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của các cá nhân ngoài các mục đích nêu trên đều bị cấm và là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đã bị coi là hành vi trái pháp luật thì nhẹ sẽ bị xử lý hành chính như phạt tiền và tịch thu số tiền vi phạm, nặng có thể bị xử lí hình sự.


Theo quy định của Nghị định số 95/2011 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng”: Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cho vay, cho thuê tài chính hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

b) Chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này;

c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với người nước ngoài không đúng quy định của pháp luật;

d) Mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;

Ngoài ra, người chơi còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam (VND) hoặc vàng.

Tội phạm rửa tiền dễ thâm nhập

Có thể nói, việc bùng phát thành phong trào “chơi Forex” ngoài nguyên nhân từ khan hiếm kênh đầu tư còn một nguyên nhân khác là việc xử lý của các cơ quan pháp luật vẫn khá chậm. Sau khi Nghị định 95 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật, các cơ quan chức năng mới chỉ tập trung xử lý các trường hợp giao dịch ngoại tệ ngoài “chợ đen” mà chưa có biện pháp ngăn chặn loại hình “chơi Forex”.


Một số vụ việc đã bị lực lượng C46B - Bộ Công an tịch thu toàn bộ tang vật của vụ mua bán trái phép ngoại tệ, gồm: 500.000 USD và hơn 10,6 tỉ đồng; đồng thời, xử lý vi phạm hành chính, phạt 150 triệu đồng đối với hai bên bán và mua trái phép ngoại tệ tại Eximbank (Phan Xích Long - TP HCM) hồi cuối năm 2011, hay vụ tịch thu 10.000 USD và 209 triệu đồng hai cá nhân tham gia mua bán ngoại tệ trái phép tại thành phố Huế hồi cuối năm 2012… Mặc dù mạnh tay xử lý nhưng giao dịch ngoại tệ không giảm bớt mà chỉ không hoạt động công khai như trước.


Đối với các hoạt động giao dịch Forex online, việc giao dịch được tiến hành bí mật trên phần mềm cài trên các máy tính, điện thoại cá nhân kết nối trực tiếp với sàn giao dịch đặt server tại nước ngoài. Do đó, bắt quả tang để xử lý và ngăn chặn các trang web này hoạt động tại nước ta cũng không hề đơn giản. Việc chú ý điều tra các hoạt động kinh doanh tiền, ngoại tệ trên mạng cũng chỉ mới được quan tâm gần đây sau khi mạng lưới rửa tiền toàn cầu của Liberty Reserve bị cảnh sát Mỹ phá vỡ. Hiện NHNN đang phối hợp cùng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an để ngăn chặn, tuy nhiên việc này đòi hỏi nhiều công sức và cần sự phối hợp với cảnh sát quốc tế.


Như vậy, có thể nhận thấy “chơi Forex” online bắt nguồn từ nhu cầu đầu tư của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, đây là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, ngoài thiệt hại kinh tế nó còn có nguy cơ tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền phi pháp.



Theo Bá Tú

hangnt

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên