MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào?

13-02-2024 - 10:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2023.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ phục hồi (dự báo lợi nhuận sau thuế của danh sách theo dõi tăng trưởng 20% trong 2024 so với mức 4% trong 2023) với động lực chính đến từ sự nở ra của tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), tuy nhiên tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào?- Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng dự báo cải thiện khi thị trường BĐS có dấu hiệu tạo đáy

Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước tính đạt 13,7% trong 2023. Dựa trên hành động cấp toàn bộ hạn mức cho các ngân hàng ngay từ đầu năm của NHNN (khác với các năm trước cấp theo từng đợt) và định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14-15% trong 2024, BSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 2024 có thể đạt khoảng 14% trong kịch bản cơ sở. Động lực sẽ đến từ các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, đầu tư công, kinh doanh BĐS, … Dù vậy, nhóm phân tích nhận thấy rủi ro từ việc nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến, từ đó khiến nhu cầu tín dụng (nhất là từ phía người tiêu dùng) có thể sẽ bị dồn nén về nửa cuối năm.

Yếu tố chính cần theo dõi sẽ là sự phục hồi thanh khoản trên thị trường BĐS khi dư nợ BĐS hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó 64% là mục đích tiêu dùng và 36% là mục đích kinh doanh), từ đó sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng.

BSC quan sát thấy tín dụng tiêu dùng BĐS đã có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 09/2023 và bật tăng trong tháng 10/2023, trong khi lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà đang tiếp tục xu hướng giảm (hiện lãi suất năm đầu trung bình khoảng 8%) và dần trở về mức bình thường hóa. Điển hình như Vietcombank đang có chương trình cho vay cá nhân với lãi suất trung dài hạn cố định ở 11%/năm cho kỳ hạn 10 năm hay 9,5%/năm cho kỳ hạn 5 năm, và BSC cho rằng các mức lãi suất này tương đối hấp dẫn.

Nhóm phân tích cũng kỳ vọng các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ qua sửa đổi Luật Đất đai có hiệu lực từ 01/01/25 sẽ giúp thị trường BĐS bắt đầu sôi động trở lại từ nửa cuối 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng thực sự cải thiện trong năm nay.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào?- Ảnh 2.

Các ngân hàng tư nhân sẽ chịu nhiều áp lực về chi phí tín dụng

Với áp lực hình thành nợ xấu (tỷ lệ NPL cộng lại phần nợ xóa trong kỳ) còn cao trong ngắn hạn, BSC duy trì quan điểm thận trọng với chất lượng tài sản của ngành trong 2024. Trong kịch bản cơ sở, nhóm phân tích dự kiến các ngân hàng duy trì tỷ lệ NPL ổn định trong 2024 so với 2023 sau khi đã xóa nợ khá mạnh mẽ trong năm qua.

Khả năng về gia hạn quy định tái cơ cấu nợ (theo Thông tư 02/2023 hiện tại của NHNN, hết hiệu lực vào 30/06/24) cũng đang được để ngỏ trong trường hợp nợ xấu tiềm ẩn tiếp tục gia tăng. Dù vậy, ngay cả khi không gia hạn, BSC cho rằng tác động lên an toàn hệ thống sẽ không phải trọng yếu do (1) dư nợ tái cơ cấu hiện chỉ chiếm khoảng 1,09% dư nợ toàn hệ thống (theo số liệu NHNN công bố đến cuối Q3/2023) và (2) các ngân hàng vẫn cần hoàn thành trích lập 100% trong 2024 (sau khi đã trích lập tối thiếu 50% trong 2023).

Theo đó, BSC dự kiến các ngân hàng sẽ ghi nhận chi phí tín dụng gia tăng ở mức độ nhẹ trong 2024, tạo điều kiện để củng cố lại bộ đệm bao phủ nợ xấu khi phần tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã gần như bị đảo ngược trong 2023.

Áp lực này là rõ ràng nhất với nhóm tư nhân khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của nhóm này trong danh sách BSC theo dõi đã giảm về 63,4% vào Q3/2023, trong khi tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu cũng đã giảm về tương đương mức trước dịch ở khoảng 35%.

Ngược lại, nhóm quốc doanh tiếp tục khẳng định vị thế đầu ngành về chất lượng tài sản và mức độ trích lập với LLCR và tỷ lệ dự phòng cụ thể/nợ xấu vẫn duy trì ở 189,8% và 137,2% vào Q3/2023 (cao hơn nhiều mức trước dịch), do đó áp lực lên chi phí tín dụng sẽ không quá lớn.

Trong kịch bản cơ sở, BSC dự báo chi phí tín dụng trung bình của danh sách theo dõi tăng hơn 0,04 điểm % trong 2024, tương ứng với chi phí dự phòng dự kiến tăng khoảng 16% so với năm 2023.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào?- Ảnh 3.

NIM dự kiến bật tăng trong 2024

BSC cho rằng sẽ có sự phân hóa về mức độ phục hồi NIM của ngành trong 2024. Các ngân hàng chịu ảnh hưởng nhất trong 2023 khi chi phí huy động tăng đột biến vào đầu năm được kỳ vọng sẽ có mức độ phục hồi đáng kể nhất (Techcombank, VPBank), trong khi các ngân hàng có lợi thế về CASA ổn định (MB) hay có danh mục cho vay đẩy mạnh mảng bán lẻ (ACB, Sacombank, VIB, VietinBank, BIDV) được kỳ vọng sẽ duy trì NIM ổn định và có xu hướng cải thiện nhẹ.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào?- Ảnh 4.

Trong kịch bản cơ sở với nền lãi suất huy động được duy trì thấp và tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, BSC dự báo NIM trung bình của danh sách theo dõi tăng khoảng 0,07 điểm % trong 2024, từ đó giúp thu nhập lãi thuần dự kiến tăng trưởng 19% so với năm 2023 và là động lực chính cho lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng trưởng 20%.

Theo BSC, yếu tố bất ngờ đối với dự báo của trên sẽ đến từ tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS, từ đó giúp các ngân hàng cải thiện được lãi suất đầu ra. Chỉ báo sớm cho việc nhu cầu tín dụng dụng quay trở lại có thể đến từ thời điểm các nhà băng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi trở lại, cho thấy có áp lực tăng cường huy động để hỗ trợ giải ngân.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào?- Ảnh 5.

 

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên