MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng hàng không của Thái Lan

19-05-2024 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) vừa công bố kế hoạch 3 giai đoạn nhằm trở thành trung tâm hàng không của khu vực, cụ thể là lọt vào tốp 5 nước hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương về hậu cần hàng không.

CAAT cho biết kế hoạch công bố ngày 17-5 là một phần trong sáng kiến chung được chính phủ khởi động hồi tháng 2 năm nay, với mục tiêu biến Thái Lan thành trung tâm du lịch, điều trị y tế, thực phẩm, hàng không, logistics, xe điện cũng như kinh tế và tài chính số vào năm 2030.

Theo báo The Nation, trong giai đoạn đầu của kế hoạch (đến năm 2025), CAAT dự kiến tăng khả năng phục vụ của các sân bay Thái Lan lên 1,2 triệu chuyến bay và 180 triệu hành khách mỗi năm. Song song đó, thời gian nối chuyến tối thiểu (MCT) cho các chuyến bay quốc tế là không quá 75 phút. 

Đến cuối giai đoạn 2 (2026-2028), tổng công suất các sân bay Thái Lan phải đạt 1,4 triệu chuyến bay và 210 triệu hành khách mỗi năm, còn MCT không vượt quá 60 phút. 

Trong giai đoạn 3 (2029-2037), mục tiêu của CAAT là nâng tổng công suất sân bay lên 2,1 triệu chuyến bay và 270 triệu hành khách mỗi năm, đồng thời giảm MCT xuống dưới 45 phút. 

"Tầm nhìn của CAAT là chuẩn bị cơ sở hạ tầng hàng không Thái Lan để đón đầu tăng trưởng kinh tế trong tương lai, tăng cường và mở rộng các tuyến logistics hàng không để kết nối với mạng lưới toàn cầu cũng như thúc đẩy du lịch trong và ngoài nước" - CAAT nhấn mạnh.

Toàn cảnh sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok - Thái Lan Ảnh: THE NATION

Toàn cảnh sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok - Thái Lan Ảnh: THE NATION

Trước đó, trong thông báo hồi tháng 3, chính phủ Thái Lan tiết lộ kế hoạch cải tạo, mở rộng các sân bay hiện hữu và xây thêm các sân bay mới để tăng công suất vận chuyển.

 Gần các sân bay sẽ xây thêm trung tâm mua sắm lớn để thu hút du khách, đồng thời kết nối các sân bay với hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, chính phủ dự định tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và dịch vụ hành khách cho các sân bay để tăng hiệu quả hoạt động, mức độ tiện lợi và tốc độ vận chuyển. 

Mức độ bền vững của toàn bộ kế hoạch còn được thúc đẩy thông qua việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và công nghệ đóng gói thân thiện với môi trường. 

Theo Hải Ngọc

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên