MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới đang nợ nần chưa từng thấy kể từ thời Napoleon: Một thập kỷ 'mất mát' đang đến rất gần, nguy cơ 'đình lạm' cao nhất kể từ thập niên 1970

29-04-2024 - 16:47 PM | Tài chính quốc tế

Không phải tự nhiên mà dòng tiền toàn cầu đổ vào vàng hay những tài sản mang tính trú ẩn giá trị, chống được lạm phát, khủng hoảng.

Hãng tin CNBC cho hay Chủ tịch Borge Brende của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây đã cảnh báo về một thập kỷ tăng trưởng thấp cho nền kinh tế toàn cầu khi tổng nợ đã lên mức cao chưa từng thấy từ thời Napoleon.

Cụ thể trong bài phát biểu tại Ả Rập Xê Út mới đây, Chủ tịch Brende đã cho biết tỷ lệ nợ toàn cầu đang đạt mức chưa từng thấy từ thập niên 1820 và hàng loạt nền kinh tế tiên tiến sẽ phải đối mặt nguy cơ lạm phát kèm suy thoái (Stagflation-Lạm phát đình trệ, Đình lạm).

"Tăng trưởng toàn cầu năm 2024 ước tính khoảng 3,2%. Con số này không tệ nhưng thấp hơn nhiều mức bình quân 4% suốt nhiều thập kỷ", Chủ tịch Brende nói khi cho biết nguy cơ suy thoái đang cao chưa từng có kể từ thập niên 1970 ở những nền kinh tế lớn.

"Chúng ta không thể tham gia vào một cuộc chiến thương mại nữa, chúng ta phải mở cửa giao thương lại với nhau... Chúng ta đang chứng kiến tỷ lệ nợ cao chưa từng thấy kể từ thời Napoleon, con số này đang tiến đến mức 100% GDP toàn cầu", ông Brende nói thêm khi phản đối những cuộc xung đột hiện nay.

Thế giới đang nợ nần chưa từng thấy kể từ thời Napoleon: Một thập kỷ 'mất mát' đang đến rất gần, nguy cơ 'đình lạm' cao nhất kể từ thập niên 1970- Ảnh 1.

Chủ tịch Borge Brende của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)

Theo chủ tịch Breden, chính phủ các nước cần xem xét những biện pháp giảm nợ công để tránh rơi vào kết cục suy thoái kinh tế. Những áp lực lạm phát dai dẳng, việc trí tuệ thông minh nhân tạo lấy mất việc làm của con người sẽ càng tạo nên nhiều bất cập trong nền kinh tế.

Lời cảnh báo của Chủ tịch WEF là có cơ sở khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng cho biết nợ công toàn cầu năm 2023 đã lên đến 93% GDP và vẫn cao hơn 9 điểm phần trăm so với trước đại dịch Covid-19.

Theo IMF, tỷ lệ này có thể đạt 100% vào cuối thập kỷ này.

Quỹ IMF cho hay chính sách tài khóa lỏng lẻo của Mỹ đã tạo áp lực lên lãi suất và đồng USD, thúc đẩy nợ công lên cao và làm trầm trọng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã khá mong manh hậu đại dịch Covid-19.

Rõ ràng, không phải tự nhiên mà dòng vốn trong người dân lại đổ vào vàng cùng những tài sản mang tính trú ẩn giá trị, chống lại được lạm phát hay khủng hoảng.

*Nguồn: CNBC

Theo Băng Băng

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên