MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Tiền gửi vào ngân hàng cao nhất từ trước tới nay cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân

18-01-2024 - 16:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp và thực tế thời gian qua, đồng tiền Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác. Cũng trong năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân.

Thủ tướng: Tiền gửi vào ngân hàng cao nhất từ trước tới nay cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 17/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững".

Thủ tướng đã chia sẻ một số yếu tố mang tính chất nền tảng để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế nhưng độ mở lớn, một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, do đó nền kinh tế cần có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết.

Cùng với đó, Việt Nam xác định xuyên suốt là yếu tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không".

Việt Nam phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước.

Thủ tướng cho biết chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã xác định rõ: "…huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, Việt Nam có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, mới nổi như chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh…

Thủ tướng cho biết trong bối cảnh khó khăn vừa qua, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát.

Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp và thực tế thời gian qua, đồng tiền Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác. Cũng trong năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân.

"Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất", Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, nếu sự cân bằng, hài hòa này không giữ được thì cấu trúc hợp tác sẽ đổ vỡ, không thể bảo đảm hợp tác, đầu tư bền vững, lâu dài, hiệu quả.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.

Chính phủ, các bộ, ngành luôn lắng nghe, sẵn sàng đối thoại, chia sẻ, đàm phán, "đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện" và cũng mong các nhà đầu tư theo tinh thần này.

"Ngay cả với những dự án hợp tác có thua lỗ thì chúng tôi cũng vẫn tôn trọng thỏa thuận đã cam kết, nhưng kiên trì kêu gọi các bên liên quan đàm phán lại, cơ cấu lại dự án để tìm hướng giải quyết", Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư.

Lan Anh (tổng hợp)

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên