MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Vốn liếng' của ông Trump khi tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2

18-06-2019 - 13:10 PM | Tài chính quốc tế

Chính sách nhập cư cứng rắn cùng nền kinh tế khởi sắc chưa từng có sẽ là "vốn liếng" của Tổng thống Trump khi ông tái tranh cử.

Hai năm rưỡi trong Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump xảy ra không ít biến động. BBC có bài tổng hợp về những gì vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã và chưa làm được trong hơn nửa nhiệm kỳ đầy sóng gió này cũng như các "vốn liếng" mà ông sẽ mang tới cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới.

Mức độ ủng hộ 

Tỷ phú Trump, một người không có bất cứ kinh nghiệm chính trị nào bắt dầu nhiệm kỳ của mình như một trong những tổng thống ít được ưa chuộng nhất trong thời kỳ hiện đại và có lẽ giờ vẫn vậy.

Vốn liếng của ông Trump khi tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 - Ảnh 1.

Tổng thống Trump giành lại được niềm tin của người Mỹ sau khi được minh oan trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Hồi đầu tháng 5, sau khi được minh oan sau cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ cùng con số khởi sắc trong nền kinh tế, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump tăng lên mức 46% cũng là mức cao kỷ lục trong nhiệm kỳ của ông.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức ủng hộ của Tổng thống Barack Obama (50%), George W Bush (58%) và Bill Clinton (54%)

Một tin mừng cho Tổng thống Trump là ông vẫn có được sự ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa. Theo số liệu thống kê vào tháng 1/2019, 88% họ vẫn ủng hộ nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Nếu con số này ở mức cao, ông sẽ không phải đối mặt với thách thức quá nghiêm trọng để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020.

Điều hành Nhà Trắng

Chính quyền Tổng thống Trump từng bị chỉ trích là hỗn loạn với danh sách nối dài các quan chức xin nghỉ việc, bị sa thải chưa có điểm dừng.

Vốn liếng của ông Trump khi tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 - Ảnh 2.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders là cái tên mới nhất xác nhận sẽ chia tay chính quyền Trump. (Ảnh: Reuters)

Chỉ tính tới tháng 3/2018, tức là hơn 1 năm sau khi ông Trump lên nắm quyền, tỷ lệ quan chức Nhà Trắng dưới thời ông Trump xin nghỉ việc và bị sa thải lên tới 43%, cao kỷ lục so với các đời tổng thống trước đó. Tỷ lệ này ở những người tiền nhiệm Barack Obama , George W Bush, Bill Clinton hay Ronald Reagan chỉ là 10% sau 1 năm tại vị.

Theo thống kê của Viện Brookings, 65% cố vấn cấp cao của Trump đã rời bỏ công việc của họ trong vòng hai năm. Tất nhiên, chưa có người tiền nhiệm nào của ông "làm" được điều này.

Thông thường, đội ngũ cố vấn, trợ lý của một tổng thống thường gắn bó với nhau trong năm đầu tiên và thay đổi một chút trong năm thứ 2. Nhưng với vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, các cố vấn, trợ lý của ông ra đi khá đều đặn chỉ vài tháng sau khi ông lên nắm quyền.

Thực hiện lời hứa

Theo BBC, ông Trump gặp khó khăn trong việc giữ đúng lời hứa khi còn tranh cử.

Chẳng hạn về chăm sóc sức khỏe, ông vẫn chưa thể thực hiện lời hứa dẹp bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá phải chăng của Tổng thống Obama (Obamacare) để thay thế bằng Dự luật chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA).

Một trong những mục tiêu khác mà nhà lãnh đạo Mỹ theo đuổi khi ông tranh cử là xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Trên thực tế, ông Trump đang rất nỗ lực để thực hiện lời hứa này.

Chính phủ Mỹ hồi cuối tháng 12 phải trải qua đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử chỉ vì đảng Dân chủ và ông chủ Nhà Trắng không đạt được đồng thuận về vấn đề này. Không lâu sau khi chính phủ mở cửa trở lại, ông Trump tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động nguồn ngân sách xây bức tường biên giới. Thái độ cứng rắn này của ông khiến đảng Dân chủ tạm thời phải nhượng bộ dẫn tới việc thông qua khoản tiền 1,38 tỷ USD cho việc xây dựng các hàng rào ở biên giới.

Tuy nhiên, mới đây, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết tạm thời cấm chính quyền Trump sử dụng ngân quỹ của Bộ Quốc phòng để chi trả cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Đây được xem là đòn giáng mạnh đối với ông Trump khi ông coi chính sách hạn chế người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ là một trong những trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2020.

Theo BBC, thành công lập pháp chính của Tổng thống Trump cho tới nay là thông qua một dự luật cải cách thuế, trong đó thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21% và tạm thời cũng giảm cả thuế cá nhân, đúng như lời cam đoan của ông trước các cử tri khi tranh cử rằng sẽ cắt giảm thuế ở mọi mức thu nhập.

Ông cũng từng hứa sẽ áp dụng các chính sách cứng rắn với Trung Quốc và điều này thực sự trở thành sự thật và còn thậm chí thật hơn rất nhiều so với những gì nhiều cử tri mường tượng.

Tuy nhiên, nếu tính về tổng thể, trang web kiểm tra thực tế độc lập Politifact nói rằng Tổng thống Trump thực hiện tương đối ít lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình. Gần một nửa trong số đó bị chặn hoặc bị bỏ qua.

Khởi sắc kinh tế

Giới chuyên gia nhận định kinh tế sẽ là một trong những khía cạnh mà Tổng thống Trump tự hào nhất cho tới nay.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng hứa sẽ tạo ra 25 triệu việc làm trong 10 năm và trở thành "tổng thống việc làm vĩ đại chưa từng có". Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường niên của Mỹ tăng 3,2% trong quý I năm 2019, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,6%, mức thấp nhất trong 50 năm qua ở nước này.

Thị trường việc làm ở Mỹ cũng đang sôi động hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Mỹ liên tục tạo thêm việc làm người cho người lao động trong 13 tháng liên tiếp. Nhiều người thất nghiệp trước đây hiện đều đang có lựa chọn việc làm. Những người thuộc nhóm người có trình độ học vấn thấp và những người làm việc với mức thù lao thấp nhất đang được tăng lương.

Theo số liệu thống kê của chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại Atlanta, trong tháng 3/2019, 1/4 số lao động nghèo nhất tại Mỹ có thu nhập tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi số liệu tương ứng của 1/4 số lao động giàu nhất ở Mỹ tăng 3%.

Kể cả những người khó tính nhất cũng phải thừa nhận rằng tình hình "sức khỏe" hiện tại của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump “ghi điểm” trước thềm cuộc bầu cử 2020.

Tuy nhiên giữa bức tranh toàn cục đó vẫn có những chấm đen không mấy tươi sáng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống xuất phát từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà ông Trump là người khơi mào. Các động thái ăn miếng, trả miếng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nông dân Mỹ.

Tổng thống Trump từng hết sức tự hào về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán nhưng thị trường này lên xuống thất thường trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang với các diễn biến bất ngờ.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là tình trạng chênh lệch thu nhập ở Mỹ vẫn chưa được thu hẹp. Theo Viện Chính sách Kinh tế, 5% số người giàu nhất ở Mỹ có thu nhập cao hơn 3,4 lần so với mức thu nhập của một lao động trung bình trong năm 2018, cao hơn mức 3,3 lần năm 2016.

Đối ngoại

Theo The Guardian, nếu có một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Trump, thì đó là sự thiếu chắc chắn, những thay đổi khác thường về chính sách ngoại giao của ông Trump và chính quyền của ông.

Vốn liếng của ông Trump khi tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 - Ảnh 3.

Nhiều khả năng thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 sẽ diễn ra trong năm nay. (Ảnh: Getty)

Ông kiên quyết rút quân từ Syria trở về và có thể là cả Afghanistan trong thời gian tới bất chấp ngăn cản từ đồng minh và nhiều quan chức trong chính quyền. Ông đe dọa Triều Tiên phải đối mặt với hỏa lực và phẫn nộ, nhưng sau đó tỏ ra mềm mỏng với Bình Nhưỡng khi mở rộng cánh cửa đàm phán với quốc gia Đông Bắc Á mà minh chứng rõ nhất là 2 hội nghị thượng đỉnh trong chưa đầy 1 năm.

Ông khẳng định không ai cứng rắn với Nga như mình nhưng nhiều lần tỏ ra bênh vực Tổng thống Putin và không dưới 1 lần khen ngợi nhà lãnh đạo Nga.

Tất nhiên, có những đường lối mà ông Trump kiên định theo đuổi từ kể ngày lên nắm quyền. Đó là chính sách cứng rắn với Trung Quốc, Iran, rời xa các đồng minh thân cận, không tin tưởng vào các thỏa thuận và thể chế đa phương.

Viễn cảnh năm 2020

Cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo còn hơn 13 tháng nữa, nhưng chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump sẽ bắt đầu ngày 18/6.

Với kết quả khả quan trong cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ đang rất lạc quan vào khả năng chiếm lại Nhà Trắng. 2 trong số những cái tên nổi bật từ các ứng viên đảng Dân chủ là cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sỹ Bernie Sanders.

Vốn liếng của ông Trump khi tái tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 - Ảnh 4.

Tổng thống Trump thua thiệt so với các ứng viên đảng Dân chủ trong các cuộc đối đầu giả định tháng 1/2019. (Ảnh: BBC)

Nhưng bất cứ là ứng viên nào, các tín hiệu ban đầu cho thấy Tổng thống Trump sẽ phải dấn thân vào một cuộc tranh cử khó khăn nữa.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 1 cho thấy 7 đối thủ tiềm năng của đảng Dân chủ đều vượt trội so với Tổng thống đương nhiệm trong các cuộc đối đầu giả định. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng cho ông Trump là trong cuộc khảo sát được CNN thực hiện mới đây, 54% số người tham gia trả lời tin rằng ông sẽ tái đắc cử.

Con số này thậm chí cao hơn tỷ lệ 50% số người dự đoán cựu tổng thống Barack Obama tái đắc cử trong cuộc thăm dò được thực hiện ngay sau chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tháng 5/2011.

Những người ủng hộ cho rằng Tổng thống Trump sẽ vẫn tiếp tục làm cho nền kinh tế Mỹ khởi sắc, kéo thấp tỷ lệ thất nghiệp và thực hiện chính sách biên giới như ông vẫn đang làm.

Tuy nhiên, kết quả cuộc thăm dò toàn quốc của Fox News công bố mới nhất ngay trước thềm ông Trump phát động chiến dịch tranh cử, lại cho thấy ông Trump đang phải đuổi theo ông Biden và 4 ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Theo đó, kết quả công bố ngày 16/6, ông Biden dẫn trước ông Trump với kết quả thăm dò là 49% so với 39%. Trong khi đó ứng cử viên Bernie Sanders cũng dẫn trước ông Trump với kết quả 49% so với 40%.

Ngoài ra các nghị sĩ như Elizabeth Warren, Kamala Harris và thị trưởng Pete Buttigieg của South Bend, bang Indiana cũng là những ứng cử viên đang nhỉnh hơn ông Trump vài điểm.

 (Nguồn: BBC)


Theo Song Hy

VTCnews

Trở lên trên