MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1/3 phụ nữ trên 50 tuổi mắc bệnh này: 8 biện pháp cần dự phòng

09-01-2021 - 23:00 PM | Sống

1/3 phụ nữ trên 50 tuổi mắc bệnh này: 8 biện pháp cần dự phòng

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Việt Đức cho biết cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi có 1 người loãng xương nhưng bệnh nhân không hề hay biết dẫn tới những biến chứng nặng.

Bệnh âm thầm

BS Khánh vừa điều trị cho 1 bệnh nhân từ Hà Tĩnh. Bệnh nhân này thường xuyên bị đau nhức xương nhất là khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân bị lún đốt sống. Căn bệnh gây khó khăn cho bệnh nhân trong cuộc sống hàng ngày.

Các bác sĩ phải tiến hành bơm xi măng sinh học cho bệnh nhân. BS Khánh cho biết trong tuần bác sĩ thực hiện 5 ca bơm xi măng sinh học.

Mỗi năm trên thế giới có 200 triệu người mắc bệnh loãng xương . Tại Việt Nam, loãng xương ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Các hậu quả của loãng xương gây ra như gãy xương, nứt xương, lún đốt sống... thường rất nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

 1/3 phụ nữ trên 50 tuổi mắc bệnh này: 8 biện pháp cần dự phòng - Ảnh 1.

Hình ảnh loãng xương.

Người bệnh loãng xương có thể bị gù vẹo cột sống. Nếu bị loãng xương đốt sống ngực có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực. Nặng hơn có thể gây khó thở. Loãng xương còn gây giảm khả năng vận động của người bệnh. Thậm chí có thể gây tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người có tuổi.

Gãy xương là biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong các biến chứng của loãng xương. Phần lớn tình trạng gãy xương do loãng xương xảy ra ở xương đùi, xương cổ tay, thân đốt sống… Hậu quả của gãy xương có thể là tàn tật vĩnh viễn (50%), cũng có tới 20% người bệnh tử vong.

BS Khánh cho biết bệnh cứ âm thầm mà người bệnh không hay biết chỉ đến khi có các biến chứng mới đến bệnh viện.

8 cách dự phòng

Để dự phòng bệnh loãng xương, bác sĩ Khánh khuyến cáo mọi người nên thực hiện 8 điều sau:

1.Tập thể dục ngoài trời là giải pháp pháp tăng cường vitamin D, tăng cường khối lượng cơ và sự chắc khoẻ cho xương vô cùng hiệu quả.

BS Khánh cho biết có thể đi bộ, tập aerobic, chạy bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh, bơi, cầu lông, bóng chuyền... Tuỳ theo lứa tuổi, cơ địa và sở thích mỗi người. Lưu ý, nếu người nào có chẩn đoán là loãng xương nên tập nhẹ nhàng tăng dần đều để phòng gãy xương.

2. Một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh cũng rất quan trọng, chúng bao gồm:

Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, các sản phẩm từ sữa, tôm, cua, ốc, cá nhỏ cả xương, các loại rau quả xanh đậm, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó… Tránh những thói quen hại sức khoẻ như uống rượu, cafe, thuốc lá, thức khuya, lười vận động...

 1/3 phụ nữ trên 50 tuổi mắc bệnh này: 8 biện pháp cần dự phòng - Ảnh 2.

Thạc sĩ Trần Quốc Khánh .

Duy trì cân nặng phù hợp (chỉ số BMI tầm 18,5 -> 24,9 là đẹp nhất), tuyệt đối tránh thừa cân béo phì hoặc thiếu cân. Cách tính chỉ số BMI, lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao (tính theo đơn vị mét).

3. Tẩy giun 6 tháng/1 lần cho cả nhà.

4. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc nam, thuốc lá, thuốc gia truyền để chữa các bệnh tật khi chưa tìm hiểu kỹ. Hiện nay rất nhiều trong số những gói thuốc đó có pha chế thêm những thành phần cortiocoid gây phù mặt, giữ nước, mọc râu, teo cơ tay chân, xuất huyết dạ dày, xuất huyết ngoài da, đặc biệt là làm xương loãng rất nhanh.

5. Với trẻ em cần chữa trị dứt điểm những tình trạng bệnh lý thường gặp như tiêu chảy, nôn trớ, viêm tai giữa…cũng như bổ sung đầy đủ canxi-vitamin D và sữa để có bộ xương chắc khoẻ.

Nên cho con sinh hoạt điều độ và đặc biệt là đi ngủ sớm, vì ngủ sớm và đủ giấc giúp quá trình sản sinh hormone tăng trưởng đạt hiệu quả tốt nhất (hormone tăng trưởng GH hoạt động mạnh nhất về đêm, đạt đỉnh trong khoảng thời gian 10h đêm đến 3h sáng).

6. Với phụ nữ sau tuổi 50 cần tạo thói quen đi đo mật độ xương mỗi năm 1 lần để phát hiện, chữa trị sớm tình trạng thiếu xương, loãng xương.

7. Với những người nằm lâu sau phẫu thuật, công việc ít tiếp xúc ánh sáng, công việc ngồi lâu ít vận động, đã cắt buồng trứng hoặc sử dụng những liệu trình hoc-môn chữa bệnh cần quan tâm đến tình trạng xương của mình sớm.

Có trường hợp bác sĩ Khánh từng khám bệnh nhân nữ mới 40 tuổi những loãng xương nặng do phẫu thuật cắt buồng trứng từ sớm.

8. Nếu cơ thể có biểu hiện chuột rút, đau bắp tay chân, răng vàng nhanh, móng tay chân giòn dễ gãy, mệt mỏi và mất ngủ kéo dài, trẻ sâu răng-răng mọc chậm, đêm quấy khóc và rụng tóc sau gáy, ra mồ hôi trộm và hay giật mình về đêm cần bổ sung thêm bằng những sản phẩm viên uống canxi-vitamin để cơ thể không bị thiếu hụt kéo dài.

Theo Ngọc Anh

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên