MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 yếu tố lý giải bầu cử Mỹ năm 2020 sẽ “chưa từng có tiền lệ”

02-11-2020 - 16:01 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều chuyên gia chính trị đã cảnh báo về khả năng sẽ không thể có được kết quả chung cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong ngày 3/11/2020.

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Khi mà số lượng cử tri bỏ phiếu qua thư ngày một tăng lên do đại dịch cũng như sự quan tâm của cử tri với cuộc bầu cử ngày một lớn hơn, thế giới sẽ có thể chứng kiến một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa từng có tiền lệ.

Theo báo Nikkei, hoạt động bỏ phiếu qua thư bị chậm trễ, những quy định chồng chéo của các bang liên quan đến việc kiểm phiếu khiến nhiều người không khỏi lo lắng về khả năng cuộc bầu cử sẽ lộn xộn khi mà nước Mỹ hiện đang quá chia rẽ.

Ngay cả nếu các kịch bản hỗn loạn không xảy ra, vẫn có khả năng cử tri Mỹ không thể biết ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngay trong ngày này.

Dưới đây là tổng hợp những yếu tố khác thường có thể xảy ra trong ngày bầu cử năm nay:

TỶ LỆ CỬ TRI BỎ PHIẾU CAO CHƯA TỪNG THẤY TRONG HƠN 100 NĂM

Tỷ lệ bỏ phiếu của người dân Mỹ năm nay có thể cao nhất trong 112 năm, một nước Mỹ quá chia rẽ khiến nhiều người muốn đến các hòm phiếu để lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo cho đất nước mình.

Tính đến ngày thứ Sáu, hơn 86 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, theo giáo sư ngành khoa học chính trị tại đại học Florida, ông Michael McDonald.

Tỷ lệ người Mỹ đi bỏ phiếu sớm như vậy tăng đến 48% so với con số 58 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm vào năm 2016. Khi đó, tổng số người Mỹ đi bỏ phiếu đạt 136 triệu người.

Chính quyền một số bang tại Mỹ đã nới lỏng quy định bỏ phiếu sớm nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu.

Ngoài ra, phía Đảng Dân chủ cũng hối thúc mạnh mẽ những người ủng hộ cho đảng đi bỏ phiếu sớm trong năm nay.

McDonald ước tính khoảng 150 triệu người sẽ bỏ phiếu trong năm nay, tức tương đương tỷ lệ 65% cử tri, con số cao chưa từng thấy tính từ năm 1908.

Người đứng đầu bộ phận phân tích bầu cử tại trang FiveThirtyEight.com, ông Nate Silver, trong khi đó dự báo ước tính khoảng 165 triệu người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu năm nay.

Tại hạt Travis, bang Texas, tính đến ngày thứ Tư tuần vừa rồi đã có 486.000 người đi bỏ phiếu. Con số này cao hơn so với tổng số cử tri của năm 2016 là 2%, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa vào ngày bầu cử.

Tại North Carolina, 3,87 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm, trong đó có 26% người không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016.

KẾT QUẢ BẦU CỬ SẼ CHƯA THỂ CÓ NGAY TRONG NGÀY 3/11/2020

Khi mà số lượng cử tri đi bầu trong năm nay được dự báo cao kỷ lục, ngoài ra khi mà giới chức Mỹ phải áp dụng nhiều biện pháp để ngăn Covid-19 lây lan mạnh, một số tổ chức phi chính phủ đã cảnh báo kết quả bầu cử sẽ có thể bị trì hoãn công bố.

Tổ chức League of Women Voters cảnh báo cử tri Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng kết quả bầu cử sẽ bị chậm công bố bởi những nhân viên phục vụ bầu cử thường xuyên phải khử trùng thiết bị và khu vực bỏ phiếu: "Bên ngoài các điểm bỏ phiếu, cử tri sẽ phải chờ đợi cách xa nhau hơn 1 mét và nhiều khi trong thời tiết giá lạnh".

Tại bang chiến trường Wisconsin ở khu vực Trung Tây nước Mỹ, ủy ban bầu cử đã yêu cầu cử tri phải kiên nhẫn chờ đợi kết quả. Ngoài ra, việc số lượng các điểm bầu cử ít hơn kỳ bầu cử trước cũng khiến cho hoạt động bầu cử năm nay trở nên khó khăn hơn.

Tại bang miền Nam Georgia, số điểm bỏ phiếu ở thời điểm tháng 6 năm nay thấp hơn kỳ bầu cử trước là 331 điểm. Theo quan điểm của giới chức địa phương, việc đóng cửa một số điểm bỏ phiếu là để tiết kiệm tiền thuế của dân, tuy nhiên nhiều nhà hoạt động nhân quyền khẳng định rằng động thái nhắm đến việc hạn chế cử tri da đen đi bỏ phiếu.

Số lượng các điểm bỏ phiếu tại nhiều khu vực khác cũng giảm đi, theo phân tích của Georgia Public Broadcasting và ProPublica.

Nhiều chuyên gia đã thể hiện quan điểm lo lắng về khả năng việc bỏ phiếu qua thư sẽ khiến cho việc công bố kết quả bị trì hoãn. Tại nhiều bang chiến trường, các phiếu bầu sẽ cần nhiều thời gian mới có thể đến được các văn phòng kiểm phiếu, đặc biệt tại các bang chiến trường bởi dịch vụ bưu chính Mỹ bị quá tải.

BỎ PHIẾU QUA THƯ NHIỀU GÂY LỘN XỘN

Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được quyết định bởi phiếu đại cử tri. Phiếu đại cử tri được phân phối dựa trên kết quả của phiếu phổ thông tại mỗi bang, xét trên tương quan với quy mô dân số. Ứng viên sẽ cần 270 phiếu đại cử tri để có thể đảm bảo được chiến thắng.

35 bang của Mỹ và Washington DC có xu thế nghiêng gẳn về một đảng, chính vì vậy họ có thể công bố kết quả ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

California và New York ủng hộ Đảng Dân chủ và chắc chắn bỏ phiếu cho Biden, trong khi đó bang Tennessee và Oklahoma chắc chắn ủng hộ Trump.

Thế nhưng tại còn 15 bang còn lại, vốn được coi như bang chiến trường, cuộc chạy đua sẽ vô cùng căng thẳng và kịch tính.

Quy định bỏ phiếu và hệ thống bỏ phiếu khác nhau từ bang này sang bang khác. 5 trong số 15 bang này trong đó có bao gồm North Carolina, Florida và Arizona có thể kiểm phiếu trước ngày 3/11/2020. Nhờ vậy họ có thể công bố sớm người chiến thắng.

Tuy nhiên 10 bang, trong đó có bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, sẽ có thể chưa công bố được kết quả cho đến tận ngày bầu cử. Nếu cạnh tranh quá sát sao, có thể nhóm ba bang này sẽ phải chờ đến sáng ngày thứ Tư. Năm nay, tỷ lệ bỏ phiếu qua thư tăng cao chóng mặt.Việc bỏ phiếu qua thư cần nhiều thời gian công sức để kiếm phiếu hơn so với bỏ phiếu trực tiếp bởi thời gian kiểm tra lâu hơn.

Có một số bang chấp thuận cho việc thư bỏ phiếu đến chậm sau ngày bầu cử. Trong số 15 bang có cạnh tranh sát sao, sẽ có 6 bang chấp thuận phiếu bầu đến muộn. Bang Ohio chấp nhận phiếu đến ngày 13/11/2020 nếu dấu đóng trên bưu điện là ngày 2 hoặc ngày 3/11/2020. Nếu thêm nhiều phiếu bầu đến sau ngày bầu cử, kết quả bầu cử sẽ bị chậm công bố.

Cuộc "tranh đấu" năm 2000 giữa hai ông George W. Bush và Al Gore đã diễn ra vô cùng kịch tính tại Florida nơi mà các vấn đề liên quan đến bỏ phiếu dẫn đến cuộc chiến pháp lý kiểm phiếu. Cuối cùng, Tòa án Tối cao phải can thiệp, ông Bush chiến thắng với cách biệt 537 phiếu và phải 37 ngày sau ngày bầu cử, kết quả cuối cùng mới được công bố.

Theo Ngọc Diệp

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên