MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

48 giờ gay cấn trước cuộc chia tay giữa Tổng thống Trump và những CEO hàng đầu nước Mỹ

17-08-2017 - 11:51 AM | Tài chính quốc tế

Kể cả trước khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu bài phát biểu tại tòa Trump Tower chiều thứ ba vừa qua, các CEO hàng đầu nước Mỹ đã biết rằng họ đang gặp phải rắc rối.

Trong những ngày ngay sau khi vụ bạo động ở Virginia diễn ra, nơi những người theo thuyết chủ nghĩa da trắng ưu việt biểu tình phản đối việc di dời bức tượng tướng Robert E. Lee, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu liên lạc với Stephen Schwarzman, tỷ phú đứng đầu quỹ đầu tư Blackstone và cũng là nhân vật chủ chốt trong bộ máy cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump.

Sau đó là 48 giờ tranh luận nảy lửa và những toan tính giữa các CEO xuất chúng nhất nước Mỹ, từ Jamie Dimon của JPMorgan Chase đến Indra Nooyi của PepsiCo. Cuối cùng là những gì chúng ta đã biết, một loạt CEO quyết định ra đi.

Schwarzman, một trong những đại sứ kinh doanh của nội các Trump, mấy ngày vừa qua đã liên tiếp nhận những cuộc gọi từ các CEO bày tỏ sự thất vọng với phản ứng của Tổng thống về vụ việc chết người ở Charlottesville. Ông Trump nói rằng có “nhiều bên” phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn này mà không chỉ đích danh nhóm những người theo học thuyết chủ nghĩa da trắng ưu việt.

Sự việc tạm lắng xuống khi đến thứ Hai ông Trump chỉ đích danh nhóm này. Tuy nhiên, sự tĩnh lặng chẳng kéo dài được lâu. 24 giờ sau đó, phát biểu trước báo giới tại hành lang Trump Tower, ông lại nhắc đến cụm từ “nhiều bên”.

Tồi tệ hơn, trên Twitter, ông Trump đã “tấn công” Kenneth Frazier, một trong những CEO da màu thành đạt nhất ở Mỹ sau khi ông này tuyên bố rời khỏi hội đồng cố vấn.

Sự thay đổi này khiến các CEO giận dữ. Sau nhiều cuộc gọi nổ ra vào cuối ngày thứ Ba và lan sang cả sáng thứ Tư, một ý tưởng nổi lên: nhóm tư vấn nên bị giải tán. Cuối cùng, ngay trong buổi sáng thứ Tư, 1 cuộc họp đã được tổ chức. Một số thành viên nhóm tư vấn tuyên bố nếu nhóm này không giải tán thì họ cũng sẽ tự rút ra. Trong số những người thúc giục giải tán nhóm có CEO Ginni Rometty của IBM, Jamie Dimon, Indra Nooyi và CEO Mary Barra của Gerneral Motors.

11h30 sáng thứ Tư, Schwarzman liên lạc với Jared Kushner (con rể và cũng là trợ lý thân cận của ông Trump) để thông báo quyết định của nhóm. Đến 1h14 chiều hôm đó, Tổng thống viết lên Twitter rằng ông quyết định giải tán cả hai nhóm tư vấn vì không muốn tiếp tục “gây áp lực lên các doanh nhân”.

Làm sao để làm việc ăn ý với 1 vị Tổng thống hay thay đổi như ông Trump là một thử thách không hề nhỏ. Ban đầu, các công ty lớn nhất nước Mỹ đã rất hào hứng muốn làm việc với 1 tân Tổng thống hứa hẹn sẽ giảm bớt các luật lệ và cả thuế. Ông Trump cũng đã thể hiện sự ủng hộ dành cho giới doanh nghiệp bằng những dòng tweet đầy khích lệ trên Twitter.

Tuy nhiên, sự việc ở Charlottesville dường như đã cho thấy cái giá phải trả về mặt chính trị là quá cao. Các công ty có lãnh đạo nằm trong ban cố vấn của Tổng thống bị công chúng phê phán. Chi phí bảo vệ thương hiệu tăng lên mỗi ngày.

Sau khi Frazier tuyên bố ra đi, ông Trump đã nhanh chóng phê phán nhân vật này chính là đầu sỏ đẩy giá thuốc lên quá cao và đã chọn "rời khỏi võ đài" nơi những người khác mong chờ được bước lên. Tuy nhiên nhà đầu tư dường như đã bỏ qua lời ông. Cổ phiếu của Merck đã tăng điểm mạnh.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên