MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ám ảnh “bóng ma” thất nghiệp: Doanh nghiệp “buông bỏ” nhân lực vì đâu?

Các “gói tài chính” diện này chỉ góp một phần không phải là lời giải cho bài toán lao động thất nghiệp “tràn lan”.

Hồi dịch SARS, Hà Nội không như bây giờ và chỉ có 10 khách sạn. Khách sạn lớn nhất khoảng 15 nhân viên. Khi dịch tới, 10 nhân viên bị cho nghỉ việc không lương, 5 người còn lại đi làm, 20% lương. Giá phòng 5 USD, 2 USD không có khách trong 9 tháng trời. 

Covid-19 khủng khiếp hơn rất nhiều. Hàng ngày người ta liên tục cập nhật các trường hợp tử vong vì dịch. Các chị, các cô ở đây đã có gia đình lo lắm. Không giống các ngành nghề khác như quần áo, cất vào kho chờ hết dịch rồi bán. Sản phẩm chúng ta một ngày mở mắt ra, phòng nào không được bán, phòng đó vẫn có các loại phí phải trả. Gần 3 tháng, công ty tổn thất hơn 20 tỷ, đây là con số cả đời mình tích góp. Chẳng có khách, các bạn có thể về quê....

Dư luận còn nhớ đoạn video clip gây xôn xao dư luận từ cuối tháng 2 vừa qua quay lại cảnh người quản lý khách sạn Hanoi Emerald Waters ở Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội nghẹn ngào thông báo cho nhân viên về chủ trương công ty cắt giảm nhân sự vì “không thể trụ được”. Đa phần lao động diện bị “buông bỏ” là nhân công lễ tân, quầy bar, buồng-phòng, lao công-tạp vụ...

Ám ảnh “bóng ma” thất nghiệp: Doanh nghiệp “buông bỏ” nhân lực vì đâu? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp thiếu việc làm sau dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp của người lao động còn tăng.

Cực chẳng đã

Ví dụ trên cho thấy tình cảnh không thể chống đỡ trước những khó khăn của đại dịch, buộc lòng các doanh nghiệp phải buông bỏ nhân công, lao động rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Trâm Tạ - một công ty hoạt động đa ngành, có 6 chi nhánh ở nhiều địa phương, cũng đã khẩn cấp cho nghỉ việc một lượng lớn nhân viên, bởi chỉ tính tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, duy trì bộ máy, mỗi tháng đã phải chi tới cả tỷ đồng.

Bà Tạ Thị Trâm, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nhiều ngày qua, phóng viên không thể liên hệ được với bà qua cả số điện thoại cố định và di động. Nơi được coi là “trụ sở” của Trâm Tạ tại tòa nhà Ladeco 266 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cũng vắng vẻ, heo hút.

“Chuỗi Trâm Beauty không có khách hàng, doanh số bằng 0. Sản phẩm rượu vang trước đây tập khách hàng là nhà hàng khách sạn mà nhà hàng khách sạn đợt rồi doanh số giảm tới 90%, còn lại lay lắt qua ngày. Bên mình buộc phải cắt giảm chi phí Makerting, cắt giảm nhân sự ở những vị trí không cần thiết - giảm đến 40%. Lương giảm 50%, 1 số khác được hỗ trợ lương 20% nếu không có đóng góp gì nhiều. 2 bên đều hiểu không có giải pháp nào khác. Họ hiểu nếu nghỉ chỗ mình, đi chỗ khác họ cũng không thể tìm được việc. Đấy là cố gắng cuối cùng của doanh nghiệp”, bà Trâm cho hay.

Gắn bó với Công ty TNHH Doanh Đức ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương hơn 10 năm nhưng chị Nguyễn Thị Loan, quê Nghệ An cũng không dành dụm được là bao khi phải nuôi mẹ già, con nhỏ. Tiền lương mỗi tháng vừa rút ra từ cây ATM của ngân hàng đã “cất cánh” ra đi khi tiền ăn, tiền nhà, tiền thuốc… cứ xếp hàng chờ đợi. Đã khổ nay còn khổ hơn khi công ty cho công nhân nghỉ không lương từ ngày 1/4 đến khi có đơn hàng trở lại. Công ty đóng cửa vì không có đơn hàng cũng đồng nghĩa với việc chị Loan và gần 800 công nhân khác mất việc. “Cuộc sống của em rất là khó khăn. Mong Liên đoàn lao động có sự hỗ trợ giúp đỡ cho chúng em được đi làm, có thu nhập”, chị Loan nói.

Tại một khu trọ trên địa bàn phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, phóng viên ghi nhận có rất nhiều công nhân từ Hà Giang vào Bình Dương lập nghiệp. Các bạn tuổi đời còn rất trẻ, nhiều bạn lần đầu xa nhà vào Nam với mong muốn có tiền lo cho ba mẹ già, các em nhỏ.

“Mình mong muốn, cố gắng làm cho có tiền về quê nhưng không ngờ năm nay lại xảy ra dịch bệnh, mình chẳng làm được gì nên rất buồn. Nếu giờ ở đây mà ăn hết cả tiền xe thì không biết làm sao trở về nhà”, Sùng Mí Say, người dân tộc H’Mông đến từ cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tâm sự.

Giai đoạn “bình thường mới” đã khởi động hơn 2 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp như các doanh nghiệp vừa nêu vẫn đang loay hoay hy vọng trở lại trạng thái bình thường cũ - nếu nhìn vào doanh số thu-chi, đặc biệt là chỉ số nguồn nhân lực. “Buông bỏ” có thời hạn, rồi đến “buông bỏ” vô thời hạn là hành động cực chẳng đã của nhiều doanh nghiệp, bởi “không nuôi nổi, không thể nào níu giữ”.

Nỗ lực từ doanh nghiệp

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vì sao họ không tìm tới các gói cứu trợ-các gói an sinh xã hội đã được tuyên truyền rộng rãi suốt thời gian qua, để người lao động không rơi vào cảnh huống khó khăn đáng báo động như vậy?

Qua trao đổi,  nhiều doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng: Một là rất nhiều điều kiện khó như thách đố và “kính chẳng bõ phiền” - nếu so sánh các chi phí liên quan, mức hỗ trợ thực tế không đủ sức hút để họ làm thủ tục hưởng; Hai là nhiều doanh nghiệp chưa biết thông tin hoặc nghĩ quá đông-không đến lượt mình, dẫn tới thời ơ, chỉ đứng quan sát bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, dù biết đủ thông tin về gói cứu trợ, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí và vẫn còn có sự chia sẻ đồng lòng từ người lao động, nên không tiếp cận gói hỗ trợ. “Chắc chắn vẫn có một nhóm doanh nghiệp chưa công khai-minh bạch, quá trình hoạt động chưa chuẩn quy, để che giấu pháp luật nên họ không dám làm đơn tiếp cận gói hỗ trợ”, ông Huân nhận định.

Nhìn nhận về các gói cứu trợ sau dịch Covid-19, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, gói cứu trợ chỉ mang tính xúc tác, trong đó doanh nghiệp chỉ có 30% dựa vào gói cứu trợ, 70% còn lại vẫn phải dựa vào nỗ lực chủ quan.

“Đầu óc các ông chủ phải sáng tạo, tìm những con đường đi mới trong lúc khó khăn này. Chính phủ hỗ trợ một phần với giá trị vài triệu đồng là rất quý nhưng không là cái chính để doanh nghiệp trông chờ ỷ lại. Để hồi phục sau dịch, nhà nước và doanh nghiệp phải cùng xây dựng chiến lược”. ông Phú nói.

Dù là “chất xúc tác cần thiết” để các doanh nghiệp có thể trụ được, vực dậy, nhưng suy cho cùng thì các “gói tài chính” diện này chỉ góp một phần không phải là lời giải cho bài toán lao động thất nghiệp “tràn lan”, không phải giải pháp có thể xua đuổi “bóng ma” thất nghiệp đang lẩn khuất đâu đó có thể tái xuất hiện.

Theo khẳng định của ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 6 tháng qua có khoảng 5 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề từ mất việc làm, chiếm hơn 8% tổng lao động xã hội là con số lớn nhất từ trước đến nay.

“Con số này cũng rất khó định lượng, qua khảo sát thực tế thì con số lao động ảnh hưởng có thể cao hơn nhiều bởi cách thống kê và những tiêu chí chưa hoàn toàn bao phủ hết các đối tượng. Tuy nhiên, đó là những con số rất đáng chú ý và dường như bây giờ các doanh nghiệp mới bắt đầu ngấm hậu quả và tình trạng này còn có thể tiếp diễn tới tháng 8, tháng 9 và tháng 10”, ông Tiến nhận định./.

Theo Nhóm PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên