MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo chí Trung Quốc đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cạnh tranh xuất khẩu

Hầu hết các chuyển giao công nghiệp xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Tân Hoa xã)

Hầu hết các chuyển giao công nghiệp xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Tân Hoa xã)

Báo chí Trung Quốc đã thừa nhận vai trò đang lên của Việt Nam trong cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp với quốc gia láng giềng.

Thời gian qua, báo chí Trung Quốc liên tiếp đăng các bài viết về làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài và các tác động không mấy khả quan đến xuất khẩu của nước này, trong đó thừa nhận vai trò đang lên của Việt Nam trong cùng lĩnh vực.

Trong bài viết với tựa đề “Mục tiêu GDP đầy tham vọng của Việt Nam có “sức lan tỏa” đăng ngày 4/7, trang tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu đã đánh giá tích cực việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay, cao hơn mục tiêu chính thức là từ 6%-6,5% đặt ra trước đó.

Theo bài viết, để đạt được mục tiêu mới, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng kinh tế 9% trong quý III và 6,3% trong quý IV. Đồng thời đánh giá “vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mới nhất của Việt Nam có vẻ đặc biệt tham vọng, phần lớn là do sự gia tăng tổng thể về đầu tư, xuất khẩu và chuỗi cung ứng trong nửa đầu năm nay. GDP của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên. Xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 12,9%”.

Bài viết thừa nhận, do thị trường rộng mở và nguồn lao động khá dồi dào, Việt Nam ngày càng nhận được sự ưu ái của sản xuất toàn cầu và đầu tư nước ngoài những năm gần đây. Và việc liệu Việt Nam có trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới sau Trung Quốc hay không đã trở thành một chủ đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại Trung – Mỹ vẫn đang căng thẳng.

Tuy nhiên, bài viết cho rằng, Việt Nam sẽ khó đảm đương nếu có sự chuyển giao công nghiệp quy mô lớn từ Trung Quốc, do quy mô kinh tế tương đối nhỏ. Thực tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản là kết quả của tác động lan tỏa từ ngành sản xuất của Trung Quốc . Mối liên hệ phức tạp giữa hai nền kinh tế về chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng được xác định bởi sự gần gũi về địa lý, mức độ công nghiệp hóa và trình độ học vấn của lực lượng lao động. Từ góc độ này, khả năng lớn nhất là nền kinh tế Đông Nam Á này trở thành một đối tác có sự bổ sung cao trong chuỗi công nghiệp của Trung Quốc.

Theo bài viết, từ quan điểm của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam vừa là lợi ích vừa là thách thức. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.

Cùng với việc Việt Nam không ngừng củng cố và phát triển vị thế của mình trong chuỗi công nghiệp khu vực, sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam từng có lúc là động lực cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và khu vực. Mặc dù vậy, sự phát triển của Việt Nam không thể tách rời khỏi hệ thống sản xuất phụ trợ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài viết cũng lưu ý, những lý do đằng sau xu hướng chuyển dịch công nghiệp này đáng được quan tâm. Với môi trường địa chính trị phức tạp, Trung Quốc quả thực đang phải đối mặt với các thách thức khi các công ty đa quốc gia đang điều chỉnh chuỗi công nghiệp của mình. Đây là lý do tại sao mặc dù Việt Nam không thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, nhưng Trung Quốc vẫn cần phải coi trọng việc thay thế dây chuyền công nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể.

Bài viết nhận định: “Mặc dù việc một số chuỗi công nghiệp cấp thấp di chuyển là điều bình thường khi nền sản xuất của một quốc gia phát triển đến một giai đoạn nhất định, nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp sự cạnh tranh từ Việt Nam. Trung Quốc vẫn cần liên tục cải thiện môi trường thị trường để thu hút và giữ chân đầu tư nước ngoài. Trung Quốc cũng cần tăng cường mối quan hệ bổ trợ về sản xuất với Việt Nam. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là tận dụng tốt việc chuyển giao công nghiệp để thúc đẩy nâng cấp công nghiệp trong nước, đây chính là điều cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của Trung Quốc”.

Cũng trong ngày 4/7, trang The Paper đã đăng bài viết của bà Vương Đan (Wang Dan), Nhà Kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng tại Trung Quốc cho rằng, hầu hết các chuyển giao công nghiệp xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc, chủ yếu là do định hướng chính sách và chuyển giao công nghiệp trong tỉnh diễn ra nhanh hơn chuyển giao giữa các tỉnh. Việc di dời một số ngành công nghiệp sang Đông Nam Á chủ yếu là để né tránh các rào cản thương mại của các nước Âu, Mỹ, cũng có một số là để mở rộng thị trường mới, nhưng họ vẫn phải dựa vào các sản phẩm trung gian công nghiệp do Trung Quốc cung cấp.

Bà Vương Đan cũng nhìn nhận, nhiều người lo ngại rằng Việt Nam là mối đe dọa đối với xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng trên thực tế chênh lệch về số lượng thực sự còn rất xa. Theo số liệu của WTO, xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 là 336,3 tỷ USD, chưa bằng 1/10 của Trung Quốc; xuất khẩu của 10 nước ASEAN là 1.720,1 tỷ USD, chỉ bằng một nửa của Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang 10 nước ASEAN đã tăng trưởng nhanh chóng, đạt 434 tỷ USD vào năm 2021, tăng trưởng 13%. Xuất khẩu sản xuất của Trung Quốc chiếm 20% tổng kim ngạch thế giới, trong khi 10 nước ASEAN cộng lại chỉ chiếm 8% tổng kim ngạch thế giới, trên thực tế là không thể thay thế Trung Quốc.

Trước đó, hôm 19/6, Thời báo Hoàn cầu từng dẫn lời của giáo sư Đường Kiệt (Tang Jie), nguyên Phó Thị trưởng thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông phát biểu tại một diễn đàn cho rằng “chính những thành tựu ở Quảng Đông đang khiến các ngành công nghiệp trung bình và thấp rời đi và đến Việt Nam”.

Những phát biểu của ông Đường Kiệt được đưa ra, sau khi ông được hỏi tại sao xuất khẩu của trung tâm công nghệ Thâm Quyến lại bị Việt Nam vượt qua trong thời gian gần đây. Ông Đường Kiệt, hiện là Giáo sư của Học viện Quản lý Kinh tế thuộc Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân (Thâm Quyến). Ông cho biết, sự chuyển dịch của một số lượng lớn các ngành công nghiệp tới Việt Nam và Đông Nam Á phản ánh những thành tựu phát triển kinh tế của Quảng Đông. Chính những thành tựu này đã dẫn đến việc các ngành công nghiệp thấp và trung bình rời đi.

Giáo sư Đường Kiệt nói thêm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng khoảng 1/10 của Trung Quốc, vì vậy rất nhiều ngành công nghiệp sẽ chuyển sang Việt Nam. Điều này là ‘không thể ngăn cản” và Trung Quốc “cần cảnh giác và quan sát” xu thế này.

Dữ liệu cho thấy Thâm Quyến đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 120 tỷ DNT (khoảng 178 tỷ USD) trong tháng 3 vừa qua, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong cùng tháng tương đương khoảng 227,57 tỷ nhân dân tệ, gần gấp đôi so với Thâm Quyến, ghi nhận mức tăng hàng năm là 14,8%.

Giải thích về việc xuất khẩu của Thâm Quyến sụt giảm trong quý đầu tiên của năm nay, những người theo dõi thị trường Trung Quốc cho biết, điều này chủ yếu bị ảnh hưởng bởi sự rối loạn do dịch bệnh và sự sụt giảm nhu cầu. Hồi tháng 2, dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Hong Kong và trở ngại đối với hậu cần và vận chuyển xuyên biên giới ở Thâm Quyến cùng Hong Kong đã khiến hoạt động ngoại thương của Thâm Quyến chịu áp lực đáng kể. Trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu của Thâm Quyến sang Hong Kong giảm 19,2%, trong bối cảnh thương mại Thâm Quyến-Hong Kong chiếm một vị trí quan trọng trong xuất khẩu nói chung của Thâm Quyến.

Những người theo dõi thị trường cũng cho biết, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh còn do thực tế là nhiều khu vực bị đình trệ do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nay đã khôi phục hoàn toàn công việc và sản xuất, đồng thời Việt Nam có nhiều lợi thế về đầu tư nước ngoài mới và chi phí lao động.

Mặc dù vậy, Giáo sư Đường Kiệt cũng cảnh báo, Thâm Quyến nên có thái độ thận trọng đối với việc xuất khẩu đang gia tăng ở Việt Nam. Đồng thời nhận định, trong tương lai, hướng chuyển dịch công nghiệp sẽ không chỉ đến Việt Nam, mà còn có cả Indonesia, vì Indonesia thu nhập thấp hơn, sẽ có cả Ấn Độ, vì Ấn Độ không chỉ có thu nhập thấp, mà còn có dân số đông và khả năng hấp thụ các ngành công nghiệp cấp thấp và trung bình của họ rất mạnh.

Ông cho rằng, Trung Quốc không nên chỉ đơn giản nói với các công ty nước ngoài rằng “các bạn đừng rời đi”, mà phải tạo ra một môi trường tốt hơn để giúp các công ty này chuyển lên một cấp độ cao hơn. “Những gì chúng ta thực sự cần giải quyết là vươn lên trong ngành công nghiệp sản xuất chuyên sâu”, Giáo sư Đường Kiệt nói.

Những lo ngại trên phần nào đã phản ánh 1 trong 3 thách thức của nền kinh tế Trung Quốc, phải đối mặt trong năm 2022 mà Trung ương Đảng nước này nhận định hồi cuối năm 2021, trong Hội nghị Kinh tế Trung ương thường niên, tức kỳ vọng suy yếu (3 thách thức gồm: Nhu cầu sụt giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu).

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng phần nào cảm thấy bất định trước chính sách chống dịch của Trung Quốc, từ đó giảm bớt kỳ vọng và niềm tin vào thị trường nước này. Đây được cho là lý do thời gian gần đây Trung Quốc đã liên tục đưa ra các điều chỉnh mạnh mẽ về các biện pháp chống dịch.

Theo Bích Thuận

VOV

Trở lên trên