MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội quyết dẹp loạn phí chung cư

15-03-2009 - 08:36 AM | Bất động sản

Dự kiến trong quý 2 tới, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ hoàn tất dự thảo phí vận hành chung cư theo phân hạng của Bộ Xây dựng.

Để dẹp loạn phí chung cư, chủ đầu tư phải trao quyền cho các hộ dân và rút khỏi thị trường độc quyền dịch vụ.

Trong khi TP HCM đã có dự thảo tiến hành thu phí chung cư hằng tháng cao nhất 9.000 đồng mỗi m2 thì Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang tiến hành khung phí vận hành chung cư theo từng hạng mục. Ông Bùi Văn Chiểu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Phí vận hành chung cư đang được triển khai dựa theo phân hạng chung cư của Bộ Xây dựng. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong quý hai năm nay để chấm dứt tình trạng thu phí dịch vụ tràn lan như hiện tại”, ông Chiểu nói.

Không có mức giá áp dụng chung, phí dịch vụ chung cư ở Hà Nội đang "loạn". Tại Trung Hòa- Nhân Chính, phí dịch vụ hiện là 30.000 đồng mỗi tháng. Văn Quán, Linh Đàm, Việt Hưng... cao hơn một chút, 45.000 đồng. Một số nơi được gọi là cao cấp, phí dịch vụ hằng tháng được tính theo m2. The Manor là 6.000 đồng, Pacific Place 83B Lý Thường Kiệt lên tới 0,6 USD. Trung bình một căn hộ ở đây có phí dịch vụ xấp xỉ 1 triệu đồng.

Khu đô thị Văn Quán hiện có giá dịch vụ 45.000 đồng một tháng. Ảnh: Hoàng Lan.

Người dân và chủ đầu tư đang rơi vào trạng thái đối đầu khi không thống nhất được mức giá. Vấn đề trở nên phức tạp khi chủ đầu tư căn cứ vào chung cư cao cấp để đưa ra mức phí đắt đỏ. Nhưng thực tế, tháng 5/2008, Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành thông tư hướng dẫn phân hạng mà chưa “gắn mác” cao cấp cho bất kỳ chung cư nào. Chính việc Bộ Xây dựng không phân hạng cho từng chung cư cụ thể dẫn tới việc chủ đầu tư tự nhận mình là cao cấp và đưa ra mức giá dịch vụ “cắt cổ”. Chỉ có người dân chịu thiệt thòi và rơi vào cảnh ngộ “không được làm chủ trong chính căn hộ của mình”.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, cho rằng, để chấm dứt mâu thuẫn do phí chung cư gây ra sau khi bán căn hộ, chủ đầu tư nên trao “quyền” cho khách hàng và tập trung xây dựng những công trình khác. Ban quản trị do dân bầu ra sẽ thay chủ đầu tư đưa ra một số nguyên tắc buộc người dân phải chấp hành, như phí dịch vụ, phí vận hành... Chủ đầu tư không thể dựa vào “mác” cao cấp để ban hành phí dịch vụ cao hơn so với các nơi khác. Ông Liêm cho rằng, phí cao hay thấp sẽ do tính chất nội dung công việc, lượng nhân công thuê mướn quyết định. “Mức phí chung cư đắt hay rẻ phải dựa vào tính chất công việc chứ không thể vin vào lý do cao cấp. Bởi cao cấp hay không đã thể hiện ở giá bán của chung cư rồi”, ông Liêm nói.

Một khi “quyền” chưa được trao, chủ đầu tư sẽ là nhà cung cấp độc quyền mọi dịch vụ. Người dân không có sự lựa chọn khác. Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, khi chủ đầu tư còn độc quyền, họ sẽ luôn có khuynh hướng tăng giá. “Tôi cho rằng, vấn đề đặt ra là thị trường cần mở rộng để các công ty dịch vụ ồ ạt vào. Không còn độc quyền, giá thành sẽ giảm. Chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm bảo hành công trình mình xây dựng. Nhà nước cần sớm ban hành khung pháp lý, luật chung cư, tránh tình trạng độc quyền như hiện tại để thực hiện được quyền làm chủ của người dân”, ông Hải đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho hay, phí dịch vụ của bất động sản khác hoàn toàn so với các loại hàng hóa khác bởi nó mang tính chất bắt buộc người dân phải sử dụng khi đã thực hiện xong giao dịch bất động sản. Người dân không thể mua phí dịch vụ ở nơi khác khi đã ở đó.

Tuy nhiên, chủ đầu tư không được phép lợi dụng điều này để ép giá quá cao. Trong trường hợp người dân không đáp ứng được mức phí, chủ đầu tư phải điều chỉnh để có tiếng nói chung giữa hai bên. “Thêm vào đó, ông Nam nói, chủ đầu tư phải cân nhắc, không cần thiết bỏ ra một chi phí quá lớn để vận hành. Phải lựa cơm gắp mắm, đối với từng hạng chung cư và từng yêu cầu của người dân”.

Về việc không phân hạng cụ thể cho từng chung cư, ông Nam giải thích, chỉ Việt Nam mới phân hạng chung cư bởi trên thực tế, phân hạng chung cư thuộc về thỏa thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Khách hàng là người thẩm định chất lượng chung cư tốt nhất. Nhà nước không quy định phân cấp cho từng chung cư cụ thể, mà chỉ ra mức phân hạng để các doanh nghiệp tự đối chiếu. “Thông tư phân hạng chung cư có tính chất tham khảo để khách hàng và chủ đầu tư đối chiếu. Thực tế, các chung cư muôn hình vạn trạng và Bộ Xây dựng không thể can thiệp quá sâu”, ông Nam cho hay.

Theo Hoàng Lan

VnExpress


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên