MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu thiếu 6.000 đại biểu HĐND cấp xã: Lựa chọn của cử tri rất sát

11-06-2016 - 08:10 AM | Xã hội

“Ở cấp xã có hơn 291 nghìn đại biểu, thiếu hơn 6 nghìn đại biểu, tính ra chỉ khoảng 2%, con số này không nhiều, cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của HĐND các địa phương”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với phóng viên.

Dân hiểu rất rõ người ứng cử cấp xã

Tại kỳ bầu cử vừa qua, việc bầu thiếu đại biểu HĐND từ cấp tỉnh đến cấp xã nhiều như vậy ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp?

Thực ra không thiếu nhiều. Cả HĐND cấp tỉnh chỉ thiếu 8 người trong tổng số gần 4.000 đại biểu, chỉ thiếu 0,2% như vậy đâu có nhiều, không ảnh hưởng gì cả. Hay ở cấp huyện bầu được hơn 25 nghìn đại biểu, chỉ thiếu 120 đại biểu. Còn ở cấp xã có hơn 291 nghìn người, thiếu hơn 6 nghìn đại biểu, tính ra chỉ thiếu 2%. Con số này không nhiều, cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của HĐND các địa phương. Đối với những nơi bị ảnh hưởng, có tỷ lệ bầu thiếu 2/3 số đại biểu thì đã cho bầu thêm rồi.

Kết quả bầu cử cho thấy có những nơi bầu thiếu hơn 400 đại biểu HĐND xã, có nơi cả chủ tịch UBND và bí thư Đảng ủy xã như ở Thanh Hoá đều trượt. Ông bình luận gì về việc này?

Việc bầu thiếu nằm rải rác ở các xã và thiếu một vài đại biểu cấp xã là hết sức bình thường. Người dân ở xã đó hiểu rất rõ những người ứng cử vì hằng ngày sống với nhau trong một cộng đồng dân cư thì rất hiểu người đại biểu đó có năng lực như thế nào, phẩm chất đạo đức ra sao, gia đình ra sao... vì vậy, việc lựa chọn của cử tri là rất sát.

Tại kỳ bầu cử Quốc hội này có 5 địa phương bầu thiếu nhưng vì sao chỉ mỗi Cần Thơ được bầu thêm, còn 4 tỉnh khác thì không, thưa ông?

“Người dân ở xã hiểu rất rõ những người ứng cử vì hằng ngày sống với nhau trong một cộng đồng dân cư thì rất hiểu người đại biểu đó có năng lực như thế nào, phẩm chất đạo đức ra sao, gia đình ra sao... vì vậy việc lựa chọn của cử tri là rất sát”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Luật quy định, khi đơn vị bầu cử bầu thiếu số lượng thì Ủy ban Bầu cử địa phương có đơn đề nghị gửi về Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Sau đó Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, xem có nên bầu thêm hay không. Vừa qua chỉ duy nhất Cần Thơ có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét cho bầu thêm, còn 4 tỉnh kia không đề nghị.

Việc bầu thiếu đại biểu không phải mới, các nhiệm kỳ trước cũng có hiện tượng này. Chẳng hạn tại khóa IX bầu thiếu 5 người, đến khóa XI thiếu 2, sang khóa XII thiếu 7, còn kỳ XIV này thiếu 4 đại biểu, điều này cũng bình thường.

Qua theo dõi 3 nhiệm kỳ gần đây thấy rằng, số người ngoài Đảng trúng cử ít dần. Liệu có phải ứng viên ngoài Đảng có chất lượng chưa tốt hay không?

Tôi không dám khẳng định điều này. Bởi 97 người ngoài Đảng đi ứng cử đều trải qua các vòng và đã được người dân lựa chọn rồi, nên tôi nghĩ là chất lượng của họ đã đảm bảo thì mới đi ứng cử. Còn việc trúng cử hay không là quyền của cử tri khi bỏ phiếu.

Chưa nhận được đơn thư phản ánh

Liên quan vi phạm nghiêm trọng trong bầu cử ở Kiên Giang, hướng giải quyết sắp tới là gì, thưa ông?

Vấn đề vi phạm ở khu vực bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đã rõ khi có việc gom phiếu đi bầu thay. Nhận thấy điều này rất nghiêm trọng, vì thế Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định hủy kết quả đó và cho bầu lại vào ngày 5/6 vừa qua. Còn việc người nào gây ra hậu quả đó sẽ phải xem xét, xử lý theo Bộ luật Hình sự. Đây là thẩm quyền của các cơ quan pháp luật, khung hình phạt về hành vi này có thể từ 1 - 2 năm tù.

Đến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo nào đối với người trúng cử chưa, thưa ông?

Hội đồng Bầu cử Quốc gia vừa công bố kết quả, trong 5 ngày, nếu có khiếu nại tố cáo gì thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ có 30 ngày xem xét các đơn thư đó. Đến giờ phút này không có đề nghị, kiến nghị nào gửi lên Hội đồng Bầu cử Quốc gia cả.

Được biết, đây là lần đầu tiên Hội đồng Bầu cử Quốc gia được thiết chế trong Hiến pháp đi vào hoạt động, điều này có khác gì so với các lần bầu cử trước đây?

Tất nhiên là khác chứ. Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoạt động theo thiết chế được Hiến pháp công nhận. Trước đây, việc công bố xét tư cách là phải chờ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua thì lúc ấy đại biểu Quốc hội mới được chính thức trở thành đại biểu Quốc hội. Còn bây giờ thẩm quyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là sau 30 ngày công bố mà xem xét thấy các đại biểu không có vấn đề gì, không có khiếu nại tố cáo gì thì sẽ công nhận. Như vậy, các đại biểu trước khi vào kỳ họp Quốc hội thứ nhất đã là đại biểu Quốc hội rồi.

Thứ hai, trong việc chỉ đạo, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là rất rõ và việc trực tiếp chỉ đạo thành lập các tiểu ban, bộ phận và có một văn phòng giúp việc cho Hội đồng, cho thấy sự hoạt động rất chuyên nghiệp.

Ngoài ra Hội đồng Bầu cử Quốc gia còn hướng dẫn thêm 104 văn bản trả lời cho các đơn vị bầu cử. Các văn bản chỉ đạo đều hướng dẫn rất đầy đủ, rất nhanh, hỏi cái gì lập tức văn phòng trả lời ngay, tháo gỡ vướng mắc ngay.

Cảm ơn ông.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên