MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị nghi ngờ năng lực đầu tư hai dự án nhiệt điện quy mô 4 tỷ USD, Vietracimex của ông Võ Nhật Thăng lớn cỡ nào?

08-12-2020 - 09:20 AM | Doanh nghiệp

Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Vietracimex

Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Vietracimex

Bằng cách hợp tác với hai tên tuổi lớn của Châu Á, Vietracimex có kế hoạch đầu tư hai dự án nhiệt điện quy mô lớn với tổng mức dự kiến trên 4 tỷ USD.

Dấu hỏi về năng lực của Vietracimex khi ôm hai dự án nhiệt điện quy mô hơn 4 tỷ USD

Theo báo Đầu tư, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị các cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II của Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Đây là dự án điện than, công suất dự kiến 1.200 MW, tổng mức đầu tư gần 63.300 tỷ đồng.

Để thực hiện, Vietracimex muốn hợp tác chiến lược cùng China Gezhouba Group International Engineering Co., Ltd. (CGGC), một trong những nhà thầu lớn nhất Trung Quốc. Theo Forbes, giá trị vốn hóa của công ty này khoảng 4,3 tỷ USD, doanh thu trong những năm gần đây từ 15 - 16 tỷ USD.

Tại Nhiệt điện Long Phú II, Vietracimex sẽ góp 60% vốn, tương đương 5.694 tỷ đồng; phía CGGC góp 40% còn lại, tức khoảng 3.796 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn của chủ đầu tư sẽ là gần 9.500 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư toàn dự án.

Báo Đầu tư thông tin, cơ quan chức năng đã yêu cầu các bên liên quan làm rõ phương án huy động vốn chủ sở hữu để góp vốn thực hiện dự án theo cam kết, trong đó có tính đến kế hoạch đầu tư các dự án khác. Bên cạnh đó, hình thức góp vốn của Vietracimex và CGGC cũng được yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin chi tiết.

Báo cáo tài chính kiểm toán của Vietracimex ghi nhận mức vốn chủ sở hữu 7.335 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Tài sản dài hạn 20.197 tỷ đồng, nợ dài hạn 17.072 tỷ đồng và khả năng đầu tư dài hạn 4.210 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu + nợ dài hạn - tài sản dài hạn).

Điều này khiến bên thẩm định cho rằng chủ đầu tư chưa đủ khả năng góp vốn theo cam kết để thực hiện Nhiệt điện Long Phú II.

Thực tế, Vietracimex còn đang có kế hoạch liên doanh với Marubeni (Nhật Bản) đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (đã được Chính phủ chấp thuận theo hình thức tự đầu tư). Đây cũng là một dự án lớn với tổng mức đầu tư sơ bộ 30.560 tỷ đồng, công suất 1.050 MW, sử dụng nguyên liệu LNG. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhiệt điện Ô Môn II không đảm bảo hiệu quả tự thân, hiệu quả dự án chỉ đảm bảo khi nhận được các hỗ trợ của Chính phủ.

Những thông tin trên cho thấy việc ngay cả các cơ quan chức năng cũng đang nghĩ rằng dường như Vietracimex đang ôm vào các dự án năng lượng quá lớn so với năng lực hiện tại, cho dù có sự góp mặt của hai đối tác tầm cỡ Châu Á là CGGC và Marubeni.

Công ty của ông chủ Võ Nhật Thăng lớn cỡ nào?

Vietracimex, được sở hữu gần như toàn bộ bởi ông chủ Võ Nhật Thăng. Công ty này hoạt động đa ngành từ bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.

Trong những năm gần đây, tham vọng với các dự án năng lượng được Vietracimex thể hiện một cách hết sức mạnh mẽ thông qua các dự án quy mô tính toán hàng nghìn tỷ đồng.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Vietracimex ký hợp đồng EPC với CGGC triển khai dự án Nhà máy Điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D. Đây là dự án trên biển có công suất 350 MW - dự án điện gió lớn nhất Việt Nam, tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng.

Trước đó, Vietracimex cũng có được những thành công nhất định với điện mặt trời thông qua hai dự án Hồng Phong 1, Hồng Phong 2. Cho dù mới chỉ được khánh thành trong năm 2019, nhưng Hồng Phong 1 ghi nhận doanh thu thuần 393 tỷ đồng, lãi ròng 199 tỷ đồng. Trong khi đó, Hồng Phong 2 đạt doanh thu 264 tỷ đồng, lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Giống như nhiều dự án điện tái tạo khác, đòn bẩy sử dụng trong các dự án của Vietracimex cao. Với Hồng Phong 1, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản là 16%, còn tại Hồng Phong 2 là 30%.

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 tính đến nay đã phát hành lần lượt 2.550 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng trái phiếu.

Bị nghi ngờ năng lực đầu tư hai dự án nhiệt điện quy mô 4 tỷ USD, Vietracimex của ông Võ Nhật Thăng lớn cỡ nào? - Ảnh 1.
Bị nghi ngờ năng lực đầu tư hai dự án nhiệt điện quy mô 4 tỷ USD, Vietracimex của ông Võ Nhật Thăng lớn cỡ nào? - Ảnh 2.

Công ty của ông Võ Nhật Thăng còn là chủ đầu tư điện gió Hòa Thắng 1, 2 (100 MW) tại Bình Thuận. Tại thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu cho dự án này đạt gần 630 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7 năm nay, Vietracimex vẫn đang trong quá trình xin UBND tỉnh cấp phép xây dựng, tổng mức đầu tư dự kiến 4.736 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietracimex hiện cũng nắm trong tay một số dự án thủy điện, có thể kể đến như: Nậm Mô 1 (90 MW) tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.100 tỷ đồng; Mỹ Lý (180 MW) tổng mức đầu tư dự kiến 7.800 tỷ đồng; Đạ Dâng - Đa Chomo (24 MW); Bắc mê (45 MW); và Tà Thàng (60 MW) đã phát điện. Tà Thàng năm vừa rồi đem về doanh thu gần 650 tỷ đồng, lãi sau thuế 17 tỷ đồng.

Bên cạnh năng lượng, Vietracimex sở hữu một số dự án bất động sản đáng chú ý. Một trong số này là Hinode City (201 Minh Khai - Hà Nội), tổng mức đầu tư gần 5.200 tỷ đồng, xây dựng trên quy mô 2,8 ha, được bàn giao từ quý 4/2019.

Một dự án quy mô lớn tại Kim Chung - Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội 147 ha mang tên Hinode Garden City dự kiến tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng. Cập nhật đến tháng 3/2020, dự án thực hiện san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các bất động sản khác còn có dự án Phạm Hùng (vốn đầu tư 944 tỷ đồng, 4.816 m2), dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long, TP HCM (42 ha), dự án chung cư cao cấp đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP HCM (3 ha), khu đô thị sinh thái Văn Giang, Hưng Yên (388 ha), TTTM Văn Giang, Hưng Yên (4 ha)...

Với nền tảng là một công ty vật liệu trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Vietracimex hiện vẫn giữ cho mình hoạt động sản xuất công nghiệp: nhà máy bột đá siêu mịn Trung Đức (30.000 tấn/năm) và nhà máy bột đá siêu mịn VNT - VNT 17 (490.000 tấn/năm) tại Nghệ An.

Chưa hết, công ty của ông Võ Nhật Thăng còn đầu tư một nhà máy bột giấy công suất 350.000 tấn/năm, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng thông qua Công ty VNT 19. Dự án được khởi công từ 2015, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2019. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, VNT 19 gây ra nhiều tai tiếng về ô nhiễm môi trường, thiệt hại đất rừng phòng hộ… Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của VNT 19 đạt gần 6.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.050 tỷ đồng. Dự án chưa đạt kế hoạch đầu tư đề ra và cũng chưa ghi nhận doanh thu.

Trong dịch vụ, Vietracimex sở hữu sân golf Hà Nội, đang có kế hoạch đầu tư sân golf Sông Hồng (Hưng Yên) diện tích điều chỉnh gần 90 ha đảm nhiệm bởi CTCP Đầu tư golf Sông Hồng. Công ty của ông Võ Nhật Thăng còn sở hữu một doanh nghiệp xuất khẩu lao động, một công ty làm chủ đầu tư dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc...

Bị nghi ngờ năng lực đầu tư hai dự án nhiệt điện quy mô 4 tỷ USD, Vietracimex của ông Võ Nhật Thăng lớn cỡ nào? - Ảnh 3.

Quy mô tài sản của công ty mẹ Vietracimex tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây, kết thúc 2019 đạt gần 19.300 tỷ đồng, vốn điều lệ 5.510 tỷ đồng.

Tuy vậy, doanh thu lại diễn biến theo chiều ngược lại. Năm ngoái đạt 1.561 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2017 (3.584 tỷ đồng). Lợi nhuận mỗi năm của Vietracimex đạt vào chục tỷ đồng là không mấy ấn tượng so với quy mô.


Đông A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên