MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng

28-05-2021 - 08:15 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng

Ít nhất 60 doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương có doanh thu trên ngưỡng 2.000 tỷ đồng hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, tổng quy mô doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD.

Bình Dương vượt Hà Nội trở thành địa phương hút vốn FDI số 2 cả nước

Đón nhận hơn 1,1 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài kể từ đầu năm, Bình Dương vừa vượt mặt Hà Nội để trở thành địa phương hút vốn FDI nhiều thứ hai cả nước. 

Luỹ kế hết tháng 5/2021, Bình Dương ghi nhận tổng cộng 36,64 tỷ USD vốn đăng ký FDI, xếp sau TP HCM với 48,9 tỷ USD. Các vị trí bám đuổi gồm Hà Nội 36,55 tỷ USD, Bà Rịa – Vũng Tàu 32,8 tỷ USD, Đồng Nai 32,19 tỷ USD… 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 1.

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người dẫn đầu, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này vượt TP HCM 6,537 triệu đồng và Hà Nội 5,981 triệu đồng. 

Thủ phủ công nghiệp với 3 trụ cột xuất khẩu: đồ gỗ, da giày, dệt may

Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, 2/3 cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) địa phương do lĩnh vực này mang lại. Năm 2020 chịu ảnh hưởng của COVID-19, GRDP của Bình Dương tăng 6,78%, khu vực công nghiệp là động lực chính tăng 7,21%. 

Hiện tại, Bình Dương sở hữu tổng cộng 29 khu công nghiệp (KCN), với diện tích quy hoạch 12.670 ha. Trong đó 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.971 ha. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp của tỉnh đạt trên 87%, có 2.933 dự án còn hiệu lực, đáng chú ý là 78% số dự án có vốn đầu tư nước ngoài. 

Với năng lực sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, Bình Dương là tỉnh xuất khẩu hàng hoá dẫn đầu cả nước, kim ngạch năm 2020 khoảng 27,44 tỷ USD, tương 1/10 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Hơn 83% giá trị xuất khẩu của Bình Dương đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 2.

Mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất của tỉnh là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giá trị 5,45 tỷ USD năm 2020. Các sản phẩm khác gồm hàng dệt – may 2,82 tỷ USD, giày dép 2,18 tỷ USD, máy móc – thiết bị 2,87 tỷ USD, chất dẻo và máy vi tính cùng ở mức trên 1 tỷ USD. 

Sở hữu hàng chục doanh nghiệp "đại bàng" cả nội lẫn ngoại

Không bất ngờ khi Bình Dương sở hữu cho mình rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn trong các ngành nghề kể trên. Doanh thu của các công ty này từ hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Trong mảng gỗ và sản phẩm gỗ, Bình Dương sở hữu Wanek Furniture, một trong những công ty then chốt trong chuỗi sản xuất nội thất lớn nhất thế giới. Năm 2019, Wanek đạt gần 18.300 tỷ đồng doanh thu.

Gỗ An Cường, một doanh nghiệp khác trong ngành có quy mô doanh thu trên 4.400 tỷ đồng. Nhóm kế tiếp có thể kể đến như Kaiser 1 Furniture, Rochdale Spears, Poh Huat doanh thu đều trên mức 2.000 tỷ đồng. 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp gỗ tỉnh Bình Dương

Mảng da giày của Bình Dương với đại diện là TBS Shoes của ông Nguyễn Đức Thuấn doanh thu gần 9.600 tỷ đồng; Chí Hùng chuyên sản xuất giày thể thao doanh thu trên 3.800 tỷ đồng; Shyang Hung Cheng doanh thu gần 2.000 tỷ; Đông Hưng và Sung Hyun Vina mỗi đơn vị gần 1.600 tỷ đồng… 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 4.

Công ty da giày hàng đầu

Trong ngành dệt may, sẽ phải nhắc đến Far Eastern Polytex Việt Nam doanh thu trên 11.000 tỷ đồng; Avery Dennison Ris Việt Nam gần 4.300 tỷ đồng; Far Eastern Apparel gần 2.600 tỷ đồng và Triump International Việt Nam gần 2.100 tỷ đồng… Tất cả các công ty dệt may hàng đầu tại Bình Dương đều là các doanh nghiệp FDI. 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 5.

Doanh nghiệp dệt may

Bình Dương cũng sở hữu cho mình những cái tên quy mô trong lĩnh vực điện tử. Như Saigon STEC chuyên sản xuất module camera doanh thu hơn 6.400 tỷ đồng. Fujikyra Fiber Optics Việt Nam sản xuất linh kiện cáp quang và thiết bị y tế doanh thu gần 2.250 tỷ đồng; Nitto Denko sản xuất mạch in dẻo doanh thu 1.150 tỷ đồng. 

Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, năm 2019, khoảng 60 doanh nghiệp tại Bình Dương báo doanh thu trên 2.000 tỷ đồng. Hầu hết trong số này đạt mức lợi nhuận ấn tượng và được xem như các công ty "đại bàng". 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 6.

Doanh nghiệp quy mô lớn tỉnh Bình Dương

Ngoài các doanh nghiệp theo lĩnh vực kinh doanh trọng điểm đã kể đến ở trên, Thalexim, công ty chuyên về kinh doanh xăng dầu đạt doanh thu trên 13.100 tỷ đồng; nhà sản xuất ô tô Mitsubishi Motors chỉ kém cạnh đôi chút, doanh thu gần 12.950 tỷ đồng. 

Bình Dương cũng là nơi đặt đại bản doanh nhiều công ty sản xuất kim loại như Tôn Đông Á doanh thu gần 12.600 tỷ đồng, Nam Kim doanh thu gần 12.200 tỷ đồng, thép Pomina doanh thu gần 12.000 tỷ đồng, ống thép Hoà Phát Bình Dương doanh thu 6.600 tỷ đồng, An Hưng Trường cũng đạt mức doanh thu gần 6.200 tỷ. 

De Heus, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô doanh thu trên 12.300 tỷ đồng. Cùng với Emivest Feedmill Việt Nam, doanh thu ghi nhận gần 5.600 tỷ đồng.

Trong mảng thực phẩm – đồ uống, nhiều nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam tập trung tại tỉnh Bình Dương. Nhà sản xuất Tân Hiệp Phát ghi nhận doanh thu toàn hệ thống hơn 9.200 tỷ đồng năm 2019. Đối thủ URC Việt Nam, sản xuất sản phẩm trà xanh C2 doanh thu trên 6.300 tỷ đồng. 

Friesland Capina Việt Nam sở hữu nhãn hiệu sữa "Cô gái Hà Lan" thu về hơn 6.600 tỷ đồng; Orion Food Vina sản xuất bánh Chocopie doanh thu gần 5.100 tỷ đồng. Ngoài ra còn Mondelez Kinh Đô doanh thu hơn 3.700 tỷ, Asia Foods chủ sở hữu thương hiệu mì "Gấu đỏ" doanh thu gần 3.100 tỷ đồng. 

Sẽ là thiếu sót lớn nếu nhắc đến Bình Dương mà không nhắc đến bất động sản khu công nghiệp. Như đã đề cập, các khu công nghiệp rộng lớn được tỉnh xây dựng tạo nên không gian thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. 

VSIP là liên doanh được hình thành giữa Sembcorp và Becamex IDC, trong đó công ty Việt Nam sở hữu 49%. VSIP phát triển các khu công nghiệp một cách bài bả, cùng với đó là triển khai các bất động sản dân cư, tổng doanh thu đạt gần 9.000 tỷ đồng năm 2019. 

Becanex IDC, công ty bất động sản khu công nghiệp phần lớn thuộc sở hữu của Nhà nước đạt mức doanh thu trên 8.200 tỷ đồng. 

Không chỉ FDI, Bình Dương quy tụ một loạt “đại bàng nội” đủ các lĩnh vực, quy mô lớn gấp nhiều lần công ty của bà Phương Hằng - Ảnh 7.

Các sản phẩm chủ chốt của tỉnh Bình Dương

Thu ngân sách dồi dào

Năm ngoái, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 59.700 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 44.300 tỷ đồng; thu từ xuất, nhập khẩu 15.400 tỷ đồng. 

Hầu hết các lĩnh vực thu đều giảm so với cùng kỳ, riêng thu tiền sử dụng đất tăng đột biến 49%, nguyên nhân do CTCP Đại Nam (của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng) nộp 1.234 tỷ đồng, Công ty Phát triển Nhà và Đô thị nộp 213 tỷ đồng.

Trong năm vừa rồi, nguồn thu ngân sách của Bình Dương với nhóm doanh nghiệp nhà nước Trung ương đạt 1.054 tỷ đồng,  giảm 24%; doanh nghiệp nhà nước địa phương 2.149 tỷ đồng, giảm 24%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 12.645 tỷ đồng, giảm 1%; lĩnh vực kinh tế dân doanh 7.451 tỷ đồng, giảm 12%. 

Đông A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên