MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thất nghiệp hay làm trái ngành nghề là điều bình thường, kể cả ở những nước phát triển nhất

Đây là nhận định của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay (18/4)

Trong phiên sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đoàn Kiên Giang đặt ra cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vấn đề về chất lượng đào tạo liên quan đến số lượng người thất nghiệp ở Việt Nam liên tục gia tăng trong thời gian qua.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đây là chủ đề được Bộ đặc biệt quan tâm. Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính đã nhiều lần ngồi lại để cùng bàn bạc. Theo đó, các bộ thể hiện quyết tâm, cố gắng ở mức cao nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung, chất lượng đại học nói riêng. Bên cạnh đó, giáo dục đối với các thanh niên miền núi cũng được đặc biệt chú trọng.

“Mong muốn của đại biểu cũng là mong mỏi của chúng tôi”, Bộ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh quyết tâm sẽ cố gắng thực hiện bằng mọi giá.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng chỉ ra việc thất nghiệp cũng là điều bình thường đối với các quốc gia trên thế giới, thậm chí ở các nước phát triển cũng như vậy.

Cụ thể, Bộ trưởng nói: “Theo suy nghĩ của riêng tôi và tôi nghĩ nhiều đại biểu cũng sẽ đồng tình, thất nghiệp hay làm trái ngành đào tạo là điều phổ biến trên thế giới, nước nào cũng có chứ không phải riêng Việt Nam. Kể cả những nước tiên tiến, đào tạo nghề tốt như Đức hiện cũng không giải quyết được, tỷ lệ thất nghiệp của họ vẫn rất cao”.

Nói thêm về Đề án 1956: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phản bác lại đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé khi cho rằng đề án không hiệu quả, lãng phí.

“Chúng ta có hiệu quả nhất định chứ không phải là không có hiệu quả. Qua đánh giá, hàng năm chúng ta giải quyết được việc làm cho 1,4 – 1,5 triệu lao động; đào tạo được 10 triệu người, nâng cao tỷ lệ đào tạo từ 28% lên 51%, trong đó có 20% người được đào tạo có chứng chỉ từ trung cấp trở lên... góp phần chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất lao động”, “tư lệnh” ngành LĐTB&XH cho biết.

Dù vậy, vị “tư lệnh” này cũng thẳng thắn thừa nhận những mặt trái còn tồn đọng và chia sẻ Bộ đã có những buổi mổ xẻ, phân tích và đưa ra giải pháp. Ông cho biết, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho nông thôn còn lại sẽ được tích hợp trong chương trình nông thôn mới, kinh phí sẽ không phân bổ riêng mà tích hợp.

Cùng với các Bộ liên quan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định nguyên tắc đào tạo nghề sẽ là chỉ khi dự báo được việc làm cho người được đào tạo, nắm rõ được nhu cầu thị trường, thu nhập người lao động mới tiến hành làm, nhằm tránh “thừa mứa, lãng phí”.

“Đấy là những chuyển biến căn bản. Đào tạo sẽ phải gắn liền với chuyển dịch kinh tế, quy hoạch của địa phương”, Bộ trưởng nói.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên