MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới'

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới'

Sáng 4/1, ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.

Thành tựu kinh tế giai đoạn 2016-2019 là động lực cho năm bản lề - 2020

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: "Nhìn nhận lại giai đoạn 5 năm 2016-2020, trước hết cần đánh giá giai đoạn 4 năm 2016-2019 khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19".

Cụ thể, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đã hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, là nền tảng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2016-2019 là 6,8%. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 327,8 tỷ USD của năm 2015 đã lên 517 tỷ USD vào năm 2019. Liên tục trong những năm gần đó, Việt Nam đạt xuất siêu năm sau cao hơn năm trước.

"Thay vì nhập siêu như trước thì nhiệm kỳ của giai đoạn 2016-2019, Việt Nam liên tục có xuất siêu. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt bình quân 25,5% GDP, cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 23,4% GDP", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,5% GDP, giảm mạnh so với bội chi của giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP. Năng suất lao động xã hội đạt 6%/năm so với 4,27% của giai đoạn 2011-2015. Tổng vốn đầu tư, phát triển xã hội của giai đoạn 2016-2019 cũng đạt 33,5% GDP.

Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm.

Giai đoạn 2016-2019, Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, đã xây dựng và vận hành, đưa vào 4 hệ thống thông tin nền tảng rất quan trọng cho Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số.

Từ đó, giúp đổi mới cách làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong công tác chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu số, cùng cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Hiệu quả này đã góp phần cải thiện rõ rệt xếp hạng quốc tế của Việt Nam. So với giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã tăng 20 bậc trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của IMF đánh giá, tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch, tăng 25 bậc trên bảng xếp hạng hiệu quả logistics của WB, tăng 17 bậc trong bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu, và tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.

Những kết quả đó là động lực để Việt Nam bước vào năm 2020, là một năm bản lề cực kỳ quan trọng, năm kết thúc của giai đoạn kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời cũng là năm chuyển giai đoạn, chuẩn bị sang một kế hoạch, một chiến lược của giai đoạn mới.

Năm 2020, Việt Nam lọt nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất

"Tuy nhiên, chúng ta đều biết, dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ đầu năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện các chỉ tiêu của 2020. Quý 1/2020, GDP tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 3,82%. Đặc biệt, quý 2, tăng trưởng GDP xuống còn 0,36%".

"Song, khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba', đồng thời xác định phương châm chống dịch như chống giặc và quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đã ứng phó nhanh, kịp thời, giảm thiểu tối đa về thiệt hại, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và trở thành hình mẫu về cách thức kiểm soát dịch bệnh".

Trong năm 2020, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. GDP tiếp tục tăng trưởng 2,91% - là mức tăng trưởng dương cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, nằm trong nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020. 

Quy mô nền kinh tế tăng, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 543,9 tỷ USD, đáng chú ý với xuất siêu đạt kỷ lục 19 tỷ USD.

Ngoài ra, tỷ trọng chi thường xuyên giảm, còn khoảng 62-63%. Trước đó, trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng chi thường xuyên luôn luôn giữ mức 65%. Đến giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng chi thường xuyên đạt 62-63%.

Bội chi ngân sách còn 4,1-4,2% GDP. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, năm nay, bội chi bởi Việt Nam phải chi rất nhiều cho phòng chống dịch, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán khu vực Tây Nguyên, rét đậm, rét hại phía Bắc và đặc biệt là vấn đề lũ lụt của miền Trung trong thời điểm tháng 9, tháng 11 vừa qua.

Nợ công chỉ còn 55-56% GDP, giảm nhiều so với đầu nhiệm kỳ của 2016. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, bình quân cả năm mức 3,23% - đạt dưới chỉ tiêu dưới 4%.

Giải ngân vốn đầu tư công, năm 2020 đạt 82,3%. Đây là mức cao nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020. An sinh xã hội được quan tâm và đảm bảo, không để ai bỏ lại phía sau.

Đối ngoại 2020 mang nhiều dấu ấn quan trọng. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 29%, lên mức 319 tỷ USD - là mức tăng cao nhất trên thế giới. Xếp hạng 33/100 thương hiệu lớn nhất thế giới, tăng 9 bậc so với năm 2019.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ. Công tác giảm nghèo, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn và công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được chú trọng.

Công tác giảm nghèo, chính sách ưu đãi đối với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới và được cải thiện rõ rệt. 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu 50% đã đề ra; 91% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 9 bác sĩ và 28 giường bệnh trên một vạn dân; giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều từ gần 10% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Nhiều hoạt động đối ngoại được triển khai có chất lượng, hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong năm 2020 và trong nhiệm kỳ, hoàn thành việc đàm phán, ký kết 2 Hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Dũng nhận định: "Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công tác này. Chúng ta thấy có lẽ chưa bao giờ tình cảm, tấm lòng của người dân cả hướng về miền Trung bị ảnh hưởng của lũ bão lớn như vừa qua. Trên đường, cứ 3 xe thì có 2 xe chở hàng ủng hộ nhân dân miền Trung, vô cùng ấm áp, cảm động".

Cuối cùng, Bộ trưởng nhắc lại lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta".

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên