MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: Chi 2.370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân bị thiệt hại bởi dịch bệnh tồi tệ nhất lịch sử

Mô tả dịch tả lợn châu Phi là đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với các tỉnh để hỗ trợ 2.370 tỷ đồng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân có lợn bị tiêu hủy.

Nông dân mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ

Đã nhiều tháng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi quét qua tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Văn Doanh, cũng như nhiều nông dân khác, đang mòn mỏi chờ đợi tiền hỗ trợ còn lại từ chính phủ. Có hơn 100 con lợn buộc phải tiêu hủy, ông Doanh mới chỉ nhận được một phần trong số tiền đền bù mà ông được hưởng theo chính sách của nhà nước.

Dịch tả lợn châu Phi quét qua, trang trại nằm biệt lập với sức nuôi 300 con lợn của ông Doanh vắng lặng một cách đáng buồn vào mỗi buổi sáng. Không còn phải lo thức dậy cho đàn lợn ăn, ông Doanh có một nỗi lo mới là các khoản nợ ngân hàng phải trả lãi hàng tháng. Bên cạnh đó, tiền nhập thức ăn chăn nuôi gia súc từ đại lý, vốn thường được trả sau khi bán lợn, tiếp tục đè nặng lên vai những người nông dân như ông.

"Nếu tính theo giá hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi không lỗ quá nhiều trên mỗi đầu lợn bị tiêu hủy. Tuy nhiên, tôi chẳng biết khi nào mình mới được nhận đủ số tiền đền bù đó. Do có quá nhiều người bị ảnh hưởng nên mỗi lần, chúng tôi chỉ được chi trả một phần số tiền hỗ trợ. Tiền về là ngay lập tức phải mang đi trả nợ", ông Doanh chia sẻ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: Chi 2.370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân bị thiệt hại bởi dịch bệnh tồi tệ nhất lịch sử - Ảnh 1.

Giống như mọi buổi sáng khác trong những tháng gần đây, ông Doanh thức dậy với sự thư thả không mong muốn. Tuy nhiên, hôm nay có một chút khác biệt. Cách đó hơn 100 km, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Sự kiện được truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm của những người nông dân như ông Doanh, những người muốn biết khi nào họ có thể được nhận đủ tiền hỗ trợ.

Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trong số 4 lãnh đạo ngành được các ĐBQH chọn lựa, các chủ đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gồm chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng Khoa học, công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản; công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Ngoài Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng Bộ Công thương, Y tế, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và xã hội, Quốc phòng và Thống đốc NHNN sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan.

Thiệt hại chưa từng có trong lịch sử

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội xung quanh dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mô tả đây là một đại dịch lịch sử của ngành chăn nuôi việt Nam và chăn nuôi thế giới. "Chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với một loại dịch lại có tác hại ghê gớm đến mức như thế. Tác hại ở đây đến từ đặc điểm của loại virus gây ra dịch khi xâm nhập vào đàn lợn, tỷ lệ lợn bị chết lên tới 100%. Đây là một điểm khó khi đối phó với virus này mà 100 năm nay, thế giới không sản xuất ra được vacxin", Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Điểm lại quá trình lây lan của virus tả lợn châu Phi, tháng 3/2018, phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Trung Quốc. Sau hơn 1 năm dịch bệnh này đã lan tới 28 quốc gia. Thậm chí, một số nguồn tin còn cho biết 30% đàn lợn của thế giới bị hủy diệt vì loại dịch này. Ở Trung Quốc, dịch bệnh đã tạo nên một cuộc khủng hoảng lịch sử với ngành thực phẩm của đất nước hơn 1,3 tỷ dân.

Theo Bộ trưởng Cường, ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã có những động thái nhằm phòng tránh lây lan. Về mặt nhận thức, Việt Nam hoàn toàn ý thức được tác hại của loại bệnh ghê gớm này, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: Chi 2.370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân bị thiệt hại bởi dịch bệnh tồi tệ nhất lịch sử - Ảnh 2.

"Tuy nhiên, việc ngăn chặn lây lan không thành công. Ngày 1/2/2019, ổ dịch đầu tiên chính thức được ghi nhận ở Hưng Yên. Theo quy luật đặc biệt của loại dịch này, trong một thời gian rất ngắn, nó đã lan ra toàn quốc. Đây là một điều rất đáng buồn, nhưng nó là thực tiễn chúng ta phải chấp nhận như vậy", Bộ trưởng Cường cho biết.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp cho biết dịch bệnh đã xảy ra trên toàn quốc với tổng số thiệt hại 5,7 triệu con lợn, tương đương khoảng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn. Đó là một thiệt hại rất lớn.

"Một điều đặc biệt là các thiệt hại này nếu rơi vào các nhóm hộ nhỏ lẻ của bà con nông dân thì đây là một thiệt hại vô cùng tai hại mà từ trước đến nay không bao giờ gặp loại dịch lớn và thiệt hại như thế này", Bộ trưởng Cường thẳng thắn nhìn nhận.

Hỗ trợ 2.370 tỷ đồng cho nông dân mất lợn

Trước thiệt hại "chưa từng có" của người nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Chính phủ đã có những chính sách nhằm hỗ trợ người nông dân và đảm bảo lợn nhiễm bệnh không bị bán ồ ạt ra thị trường, dẫn tới tình trạng dịch bệnh leo thang. Cụ thể, chính sách hỗ trợ 70% giá thành sản xuất, tương đương 20.000đ/1kg lợn thương phẩm và 30.000đ/1kg lợn giống đã được xây dựng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ nông dân.

"Bộ Tài chính đã chung tay cùng với các ngành, cùng với các tỉnh, để hỗ trợ 2.370 tỷ đồng cho người nông dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng 16 quyết định. Hiện nay, số tiền này đã đưa xuống 18 tỉnh để góp phần cùng với địa phương hỗ trợ, giảm thiệt hại của người dân", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường: Chi 2.370 tỷ đồng hỗ trợ nông dân bị thiệt hại bởi dịch bệnh tồi tệ nhất lịch sử - Ảnh 3.

Ngoài ra, Thủ tướng đã nhắc yêu cầu chuẩn bị sẵn để kịch bản để có thể tăng đàn sau khi dịch bệnh được khống chế. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ 500.000đ một con giống. Đàn lợn giống được bảo đảm để có nguồn hạt nhân nhằm nhân giống về sau.

"Chúng ta giữ được đàn lợn hạt nhân, hiện nay đàn giống cụ kị, ông bà giữ được 109.000 con. Như vậy, chúng ta chỉ mất 10% ở đàn này. Đây là đàn hạt nhân, được bảo vệ rất nghiêm ngặt và làm hạt nhân cho tăng trưởng tới đây của chúng ta", Bộ trưởng Cường cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề cập tới những doanh nghiệp lớn và các hộ chăn nuôi tuân thủ tuyệt đối theo quy trình an toàn sinh học để có thể bảo toàn đàn lợn.

"Chúng tôi về thăm Khoái Châu cách đây khoảng 3 tuần. Riêng Khoái Châu có khoảng 30 hộ có 3.000-4.000 con lợn/một hộ nhưng không nhiễm bệnh bởi tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học, từ khâu thức ăn, từ khâu giống, từ người ra vào, tất cả các khâu", Tư lệnh ngành Nông nghiệp chia sẻ và nhấn mạnh một dịch bệnh nguy hiểm như thế nhưng đồng lòng, xử lý triệt để thì vẫn ngăn chặn được.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên