MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Y tế nói gì về giá kit xét nghiệm Covid-19 ở Việt Nam?

Bộ Y tế nói gì về giá kit xét nghiệm Covid-19 ở Việt Nam?

Bộ Y tế chưa mua hay đấu thầu bất kỳ các loại sinh phẩm xét nghiệm, các sản phẩm test nhanh, test PCR. Đối với các địa phương, giá của các sinh phẩm xét nghiệm nhanh được quyết định thông qua đấu thầu.

Trước thông tin giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới, Bộ Y tế cho biết, giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành. Bên cạnh đó, giá các loại sản phẩm xét nghiệm cũng phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh, cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Năm 2020, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/mẫu, test Real-time RT-PCR là 734.000 đồng/mẫu. Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1/7/2021, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT.

Từ ngày 1/7/2021, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được, nên giá test rất khác nhau. Theo đó, Bộ Y tế đã yêu cầu thực hiện thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Về chi phí cấu thành giá xét nghiệm hiện nay, trả lời phỏng vấn VTV, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, giải thích rằng giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 được cấu thành từ test xét nghiệm, chi phí lấy mẫu, vận chuyển, tiền lương của kỹ thuật viên. Dịch vụ xét nghiệm này nằm trong giá xét nghiệm virus, vi nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng bằng test nhanh, được quy định tại thông tư.

"Từ ngày 1/7/2021, chi phí để thực hiện thanh toán dịch vụ xét nghiệm Covid-19 và test nhanh theo nguyên tắc thực thanh, thực chi. Cụ thể, đối với chi phí về nhân công, lấy mẫu, bảo quản,... Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị quyết toán trong nguồn kinh phí phòng, chống dịch được chi và nguồn thu của cơ sở y tế, không thu của người dân, người bệnh. Các cơ sở y tế chỉ thu tiền test nhanh theo giá test mà cơ sở y tế mua vào theo kết quả đấu thầu", ông Liên cho biết.

Hiện có khoảng 100 sản phẩm xét nghiệm Covid-19, trong đó có 36 loại test nhanh được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều quốc gia khác nhau, giá cả khác nhau. Ví dụ, giá sản phẩm test nhanh của Abbott (sản xuất tại Hàn Quốc) trước tháng 7 có giá 170 nghìn đồng/test; sau tháng 7, giá sản phẩm này đã giảm xuống còn 125 nghìn đồng/test.

Còn như sản phẩm của Biosynex Covid-19 Ag BSS sản xuất tại Pháp, giá trước tháng 7/2021 là 135 nghìn đồng/test; sau tháng 7, giá sản phẩm giảm xuống còn 115 nghìn đồng/test.

Liên quan đến giá của các loại test, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế khẳng định, mặt hàng xét nghiệm Covid-19 chưa thuộc danh mục hàng hóa - dịch vụ thuộc diện kê khai giá theo quy định của Chính phủ. Tức là doanh nghiệm tự công bố, tự chịu trách nhiệm về giá, chất lượng.

Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế, ông Nguyễn Minh Tuấn trả lời với VTV rằng, Bộ Y tế thời gian vừa qua đã rất chủ động yêu cầu các nhà nhập khẩu phải công khai giá để các đơn vị tham khảo. Đồng thời, Bộ cũng luôn cập nhật giá, tổng hợp hàng tuần để cung cấp cho Sở Y tế để có căn cứ mua sản phẩm.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa mua hay đấu đấu thầu bất kỳ các loại sinh phẩm xét nghiệm, các sản phẩm test nhanh, test PCR. Đối với các địa phương, giá của các sinh phẩm xét nghiệm nhanh được quyết định thông qua đấu thầu. Bộ Y tế thường xuyên có các văn bản kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm để quản lý thị trường, tránh tình trạng có các mặt hàng trôi nổi, gom hàng, đẩy giá.

Hiện nay, giá sản phẩm xét nghiệm đang có xu hướng giảm dần do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được, bán phi lợi nhuận.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên