MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỗng dưng bị "khủng bố, đe doạ" đòi nợ, phải sao kê lịch sử giao dịch ngân hàng để báo cáo lãnh đạo công ty, chứng minh sự trong sạch

17-12-2023 - 08:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Điểm đáng chú ý là kẻ lừa đảo có được cả thông tin nạn nhân và cả bạn bè, người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc. Bên cạnh đó, số tiền đòi nợ không lớn nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.

Chị Ánh Nguyệt (Hà Nội) cho biết, một ngày chị đột ngột nhận được hàng loạt cuộc gọi từ các bên đòi nợ với nhiều số điện thoại khác nhau với cùng 1 nội dung chủ yếu liên quan đến việc đòi một khoản tiền là 1,4 triệu đồng vay năm 2021 từ app "Tiền ơi". Chị khẳng định không hề có khoản vay nào như vậy, tuy nhiên vẫn tiếp tục bị đòi nợ theo dạng "khủng bố", "đe doạ" như tạo sức ép từ phía người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả lãnh đạo tại công ty chị làm việc.

Chị Nguyệt cho biết thêm, bọn lừa đảo gọi và nhắn tin cho chị còn dùng những lời lẽ dụ dỗ như: 1,4 triệu đồng không đáng là bao nhiêu, chỉ là khoản tiền rất nhỏ, liên hệ ngay để trả cho chúng tôi nếu anh/chị không muốn bị ảnh hưởng công việc.

"Bọn chúng còn gửi tin nhắn tới lãnh đạo công ty chúng tôi, cả Tổng giám đốc lẫn bộ phận nhân sự. Tôi không hiểu tại sao thông tin của tôi lại lộ lọt và tại sao chúng lại có được thông tin cá nhân như vậy. Đáng chú ý, chúng gọi nhiều cuộc và nhắn tin cho tôi nhưng khi tôi gọi lại thì không có ai bắt máy, tôi phải dùng số điện thoại khác gọi lại số chúng đã gọi để hỏi rõ thông tin và ghi âm cuộc gọi, đồng thời đã thông báo với chúng rằng tôi sẽ trình báo lên công an" - chị Nguyệt bức xúc nói.

 Việc gửi tin nhắn đòi nợ đến ban lãnh đạo công ty, theo chị Nguyệt, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và công việc của chị đang làm. "Tôi đã giải trình với lãnh đạo, đồng thời ra ngân hàng sao kê lịch sử giao dịch năm 2021 để chứng minh với công ty là mình không hề có bất cứ giao dịch nào theo thông tin phía App Tiền ơi cung cấp", chị Nguyệt cho biết.

Mệt mỏi vì bỗng dưng bị đòi nợ, phải sao kê ngân hàng cho lãnh đạo công ty để chứng minh sự trong sạch - Ảnh 1.

Tin nhắn đòi nợ kẻ lừa đảo gửi tới lãnh đạo, người thân của chị Nguyệt. Ảnh: NVCC

Tương tự, anh Cường (32 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết, bỗng một ngày mình nhận được điện thoại của người thân, bạn bè về việc App VIP Cash gọi điện nhắn anh Cường trả nợ. Điều đáng nói là anh Cường cho biết không hề vay tiền online trên App này hay bất cứ App nào khác. Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo không nhắn tin, gọi điện cho anh mà lại nhắn tin, gọi điện cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp với lời lẽ rất tục tĩu và đe doạ. Sự việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng với uy tín của anh, gây nên sự nghi ngờ và sự phiền phức cho những người thân quen.

"Tôi có gọi lại số điện thoại đòi nợ đó nhưng không liên lạc được và nhắn tin yêu cầu không được làm phiền cũng như sẽ báo công an nếu còn tiếp tục lừa đảo. Tưởng sự việc đã yên ắng, nhưng một tháng sau, những người bạn khác của tôi lại tiếp tục bị số điện thoại khác nhắn tin yêu cầu trả nợ. Lần này khi tôi gọi điện lại thì có người nghe máy, tôi yêu cầu đến cơ quan công an giải quyết nhưng đối tượng không sợ mà còn có những lời lẽ côn đồ, đe doạ", anh Cường bức xúc chia sẻ. Để trấn an người thân, anh đã phải đính chính trên facebook, zalo để mọi người hiểu sự việc cũng như cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo này.

Trong thời gian qua, phản ánh về các vụ lừa đảo đòi nợ "khủng bố" qua điện thoại tăng lên chóng mặt. Điểm đáng chú ý là số tiền đòi nợ thường không lớn, chỉ vài triệu đồng và hoàn toàn nằm trong khả năng trả nợ của người bị lừa. Bởi vậy nên có không ít người vì sợ bị ảnh hưởng uy tín và danh dự nên đành chấp nhận chuyển khoản gửi tiền cho các đối tượng lừa đảo này.

Bên cạnh đó, vấn đề mà nhiều người thắc mắc là bằng cách nào đó mà các đối tượng lừa đảo có thể nắm được thông tin cá nhân, nơi làm việc lẫn thông tin với người thân, bạn bè. Khi gọi điện lại cho các số điện thoại này thường sẽ không nghe máy, không liên lạc được. Người bị lừa gần như không có cách gì để xử lý, giải quyết. 

Mới đây, Công an TPHCM cho biết, ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về.

Cụ thể, các đối tượng giả mạo tên, thương hiệu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ví điện tử,... để quảng cáo các gói vay hấp dẫn. Những ứng dụng, website đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay và không cần tài sản thế chấp, giải ngân siêu tốc...

Thực tế, đây đều là các hình thức lừa đảo và dẫn đến những hậu quả như lộ lọt thông tin cá nhân.

Thủ đoạn là các đối tượng lấy lý do thẩm duyệt hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại,… Sau đó, dẫn dụ cài đặt ứng dụng độc hại, các ứng dụng này yêu cầu người vay nợ phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND…

Khi nạn nhân không chuyển tiền theo yêu cầu, chúng sẽ quay sang gán nợ, đòi nợ những người trong danh bạ hoặc gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm, bôi nhọ đến những người này hoặc đăng trên các tài khoản mạng xã hội để gây áp lực.

Công an TP.HCM khuyến cáo, người dân phải tỉnh táo, nếu gặp phải thủ đoạn trên thì khẩn trương bảo mật thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, gỡ bỏ ứng dụng độc hại trên máy. Chủ động cảnh báo thân nhân, bạn bè về việc bị lừa đảo để phòng ngừa và tự bảo vệ bản thân.

Người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng. Cắt mọi liên lạc để không bị các đối tượng thao túng, dẫn dắt,... chiếm đoạt tiền. Bên cạnh đó, người dân nên thu thập dữ liệu, thông tin về hành vi lừa đảo để báo cáo, tố giác đến cơ quan công an gần nhất.

Cuối cùng, cơ quan chức năng khuyến cáo luôn cảnh giác trước tín dụng đen và thủ đoạn lừa như đã nêu trên. Khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như: "Không cần thế chấp, lãi suất không đồng", "Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay"… thì có thể đây là những hình thức của lừa đảo trực tuyến.

Lan Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên