MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Chìm trong suy thoái 2 năm liên tiếp khi chính trường rối ren và mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga

16-01-2025 - 07:11 AM | Tài chính quốc tế

Đức rơi vào suy thoái 2 năm liên tiếp trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang gặp nhiều lực cản.

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Chìm trong suy thoái 2 năm liên tiếp khi chính trường rối ren và mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga- Ảnh 1.

Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức, GDP nước này giảm 0,2% trong năm ngoái và giảm 0,1% trong quý IV. Đây chỉ là số liệu sơ bộ và vẫn có rủi ro được điều chỉnh giảm.

Ruth Brand, chủ tịch Cục Thống kê Liên bang Đức, cho biết tại cuộc họp báo công bố dữ liệu: “Những gánh nặng mang tính chu kỳ và cấu trúc đã cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024.”

Ông Brand cũng chỉ ra thêm, sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các quốc gia khác, chi phí năng lượng tăng cao sau khi hạn chế nhập khẩu từ Nga, lãi suất ở mức cao và triển vọng kinh tế không chắc chắn đều ảnh hưởng đến diễn biến của nền kinh tế.

Trong năm 2023, kinh tế Đức suy giảm 0,3% và lần gần đây nhất GDP Đức giảm 2 năm liên tiếp là vào đầu những năm 2000. Timo Wollmershaeuser, giám đốc dự báo tại tổ chức nghiên cứu Ifo, nhận định rằng Đức cũng đang tụt hậu đáng kể so với các nước trong eurozone và trải qua giai đoạn trì trệ dài nhất trong lịch sử hậu chiến.

Từ cường quốc kinh tế của châu Âu, Đức nay tăng trưởng chậm chạp hơn nhiều so với các nước lớn khác trong EU và là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo suy thoái vào năm ngoái. Những bất đồng về việc tìm ra cách thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu chính là yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của liên minh 3 đảng của Thủ thướng Olaf Scholz vào năm ngoái. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri nước này.

Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Đức đang chịu tác động lớn từ tình trạng nhu cầu và sự cạnh tranh toàn cầu yếu đi, đặc biệt là từ Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm 0,8% vào năm 2024 so với năm trước đó.

Nhà kinh tế Jens-Oliver Niklasch của ngân hàng thương mại LBBW, cho biết tình hình xuất khẩu có thể còn ảm đạm hơn nữa sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vì ông đe doạ sẽ áp thuế quan toàn diện. Theo ông, Đức sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2025.

Tuy nhiên, yếu tố tích cực là chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng 0,3% trong năm ngoái nhờ lạm phát hạ nhiệt và tiền lương tăng. Ngoài ra, chính phủ Đức ghi nhận mức thâm hụt ngân sách là 113 tỷ euro (116,44 tỷ USD), tăng khoảng 5,5 tỷ euro so với năm 2023, tương đương 2,6% GDP.

Một số nhà phân tích đưa ra nhận định không mấy tích cực về mức sụt giảm trong quý IV/2024. Nếu quý I/2025, GDP Đức lại giảm thì nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu lại suy thoái.

Nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank cho biết: "Hy vọng về mức tăng nhẹ trong quý IV đã biến mất và không có dấu hiệu nào cho thấy sự cải thiện trong quý đầu tiên".

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 3-4 lần trong năm nay, song Kraemer đặt câu hỏi rằng liệu động thái này có hiệu quả đối với các doanh nghiệp Đức hay không cho đến khi chính sách kinh tế được tái khởi động sau cuộc bầu cử ngày 23/2.

Bộ Kinh tế Đức cho biết trong báo cáo công bố ngày 15/1 rằng Đức chỉ có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế khi triển vọng kinh tế, tài chính và địa chính trị được cải thiện rõ ràng.

Franziska Palmas, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Capital Economics nhận định, sự phục hồi nhẹ đối với thu nhập hộ gia đình thực tế và lãi suất giảm có thể thúc đẩy phần nào tiêu dùng và đầu tư xây dựng. Song, bà cho biết những vấn đề như giá năng lượng cao và nhu cầu yếu đối với các mặt hàng công nghiệp quan trọng của Đức như ô tô và máy móc vẫn đang diễn ra.

Tham khảo Reuters

An Chi

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM