MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bứt phá ngoạn mục, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm

Bứt phá ngoạn mục, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm

Mức tăng 16,31% đã đưa VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán chính có mức tăng trưởng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm. Tính rộng ra trong khoảng thời gian 6 tháng, VN-Index tăng 29,69% hay 1 năm qua tăng 48,82% cũng nằm trong top những chỉ số tăng mạnh nhất Thế giới.

Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, tuy nhiên TTCK Việt Nam vẫn đang giao dịch khá tích. Kết thúc phiên giao dịch 21/5, chỉ số VN-Index dừng tại 1.283,93 điểm, tương ứng mức tăng 16,31% so với đầu năm.

Mức tăng 16,31% đã đưa VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán chính có mức tăng trưởng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm. Tính rộng ra trong khoảng thời gian 6 tháng, VN-Index tăng 29,69% hay 1 năm qua tăng 48,82% cũng nằm trong top những chỉ số tăng mạnh nhất Thế giới.

Bứt phá ngoạn mục, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm - Ảnh 1.

VN-Index nằm trong số những chỉ số chứng khoán chính tăng mạnh nhất từ đầu năm 2021

Thậm chí, chỉ số VN30 Index còn có mức tăng từ đầu năm ấn tượng hơn với 33,08%; trong khi VNDiamond Index tăng tới gần 40%.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với hàng loạt phiên giao dịch với giá trị trên 20.000 tỷ đồng. Nếu hiện tượng nghẽn lệnh không diễn ra, con số thanh khoản sẽ còn cao hơn nhiều.

Bứt phá ngoạn mục, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm - Ảnh 2.

Điều gì giúp chứng khoán Việt Nam "thăng hoa"?

Yếu tố đầu tiên giúp chứng khoán Việt Nam bứt phá mạnh trong thời gian qua đến từ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 khi không để lây lan mạnh ra cộng đồng, qua đó giúp nền kinh tế duy trì sự ổn định. Năm 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 2,91%, nằm trong số các quốc gia tăng trưởng mạnh nhất Thế giới. Quý 1/2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực với 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% cùng kỳ 2020. Các tổ chức lớn đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% - 7% trong năm 2021.

Trong khi tăng trưởng kinh tế duy trì tích cực, lạm phát trong nước vẫn được kiềm chế ở mức thấp, chỉ tăng 0,29% trong quý 1, thấp nhất trong vòng 20 năm; Tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao (khoảng 100 tỷ USD)…đã giúp vĩ mô ổn định, củng cố niềm tin nhà đầu tư. 

Thậm chí, tuần qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Fitch và S&P nâng triển vọng lên mức tích cực, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng ra toàn cầu.

Cơ sở để đưa ra kết luận này là việc Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực qua các quy trình hành chính hiệu quả, phù hợp và bền vững. Ngoài ra, Chính phủ đã nỗ lực giảm thiểu rủi ro về nghĩa vụ trả nợ nhằm đảm bảo việc chậm trả nợ không tiếp tục tái diễn. S&P đánh giá rằng tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc. S&P ghi nhận kết quả tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.

Nếu như trước đây, chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn người dân thì thời gian gần đây chứng kiến sự thay đổi quan điểm rõ nét. Số liệu từ VSD cho biết trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020).

Bứt phá ngoạn mục, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm - Ảnh 3.

Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước không chỉ giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại mà còn giúp VN-Index vững vàng trên 1.200 điểm và chinh phục đỉnh cao mới.

Bên cạnh yếu tố dòng tiền nội, việc TTCK Việt Nam đang có định giá thấp cũng là yếu tố thu hút giới đầu tư. Số liệu Bloomberg cho biết P/E VN-Index hiện chỉ đạt 17,5, thấp hơn khá nhiều so với các chỉ số chứng khoán trong khu vực, trong khi tăng trưởng EPS năm nay của các doanh nghiệp được dự báo ở mức trên 20%, vượt trội so với khu vực đã khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn.

Ngoài những yếu tố kể trên, kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets) trong giai đoạn 2022 – 2023 cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường. Thống kê cho thấy các thị trường trước khi chính thức nâng hạng thường có nhịp bứt phá mạnh và điều này cũng đang đúng với Việt Nam. Theo ước tính của VNDIRECT, khi được nâng hạng Emerging Markets, dòng vốn từ các tổ chức quốc tế đổ vào Việt Nam có thể lên tới gần 2 tỷ USD.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên