MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả năm đi làm vất vả nhưng không để dư được đồng nào

14-01-2025 - 09:25 AM | Lifestyle

Nhiều người trẻ có tài khoản tiết kiệm gần như bằng không sau một năm làm việc chăm chỉ.

Cuối năm cận kề, nhiều bạn chia sẻ đầy tự hào về các mục tiêu tài chính trong năm cũ. Nhưng ở đâu đó vẫn có những người trẻ ngậm ngùi khi nhìn vào số dư tài khoản tiết kiệm chỉ có 0 đồng.

Đi làm cả năm nhưng không dư được đồng nào - Cùng lắng nghe xem tại sao họ bị đẩy vào tình cảnh này nhé!

1 - Bị cắt giảm lương

"2024 là một năm khó khăn của mình", Trúc Phương (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. Biến cố ập đến với Trúc Phương khi mức thu nhập hàng tháng của cô giảm từ 18 triệu xuống còn 14 triệu. Tuy mức lương bị cắt giảm mạnh nhưng cô nàng không chọn nghỉ việc vì thời điểm này, cô vẫn cần một khoản đều đặn để mua thuốc thang cho bố đã nằm viện suốt hơn 1 năm.

Mức lương chỉ vỏn vẹn 14 triệu nên tháng nào Trúc Phương được tiêu sạch mà không để dư được đồng tiết kiệm.

Cô nàng tâm sự: "Mình dành 2,5 triệu để trả tiền nhà; 3 triệu cho tiền ăn, xăng xe. Mình còn chi 3 triệu để mua sắm cá nhân như mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn vặt,... Tháng nào dư dả thì mình sẽ dành khoảng 1 triệu đi thư giãn bằng cách xem phim cùng bạn, uống nước. Còn lại bao nhiêu thì mình gửi cho mẹ, để cùng mẹ đỡ đần tiền viện phí của bố".

Cả năm đi làm vất vả nhưng không để dư được đồng nào- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cày cuốc cả năm, song tài khoản ngân hàng của Trúc Phương chỉ vỏn vẹn 26 triệu. Cô nàng xác định sẽ đón Tết Nguyên đán với một ngân sách tiết kiệm nhất.

"26 triệu không phải là khoản tiền lớn. Vì ra Tết, mình vẫn cần tiền để chi tiêu cho những nhu cầu khác và dự phòng chi phí đi khám bệnh của bố. Mình xác định năm nay sẽ hạn chế sắm Tết và không quà cáp cho ai, trừ người thân trong gia đình".

2- Đổ sạch hết tiền vào sửa nhà

Vũ (24 tuổi, Hà Nội) đi làm năm đầu tiên với mức lương kiếm được là 13 triệu/tháng. Sau một năm làm việc chăm chỉ, chàng trai có được khoản tiết kiệm khá ổn nhưng đã phải dồn hết để sửa nhà cho bố mẹ.

"Ban đầu sửa nhà không nằm trong kế hoạch chi tiêu Tết của mình. Nhưng về cuối năm, bức tường của nhà mình bị bong tróc. Mình không thể chứng kiến gia đình mình để bức tường hư hỏng này để tiếp khách được. Thế nên, mình đã chi hết tiền tiết kiệm để sửa chữa tường. Giờ mình còn đúng 4 triệu trong tài khoản để lì xì người thân và đi chơi vào dịp Tết", Vũ nói.

Chi toàn bộ tiền bạc để dành sửa lại không gian sống, Vũ cho hay thấy hối hận vì đã dành nhiều tiền cho những khoản chi vì sở thích cá nhân. "Lần đầu tiên mình hiểu được tầm quan trọng của việc để dành cho tình huống khẩn cấp", anh chàng chia sẻ.

3- Chi tiêu du lịch và đầu tư

Nhật Hạ (25 tuổi, Hà Nội) cho hay mỗi năm đều đặt ra mục tiêu tiết kiệm, tuy nhiên không có con số cụ thể. Năm vừa qua thu nhập của Nhật Hạ tăng nên cô đã đặt kỳ vọng sẽ tích luỹ được khoảng 20-30% thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khi nhìn lại, Nhật Hạ gần như không tiết kiệm được gì.

"Đầu tiên, mình đã chi quá nhiều cho du lịch vào dịp đầu năm. Mình chi tiền đi 3 concert, tốn 40 triệu - tương đương 3 tháng tiền lương. Bên cạnh đó, mình đã dành khá nhiều tiền để đầu tư nhưng sau đó lại mất trắng", Nhật Hạ nói.

Dù không đạt được mục tiêu đề ra nhưng Nhật Hạ không cảm thấy quá buồn và tiếc nuối. Bởi cô bạn đã có được những trải nghiệm đáng giá, cũng như nâng cao chất lượng đời sống sau những chuyến du lịch. Bên cạnh đó, Nhật Hạ cho rằng khoản tiền mất vì đầu tư dù đáng tiếc nhưng được xem là xứng đáng để học tập trong tương lai.

Cả năm đi làm vất vả nhưng không để dư được đồng nào- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Học được gì từ tài khoản trống rỗng trong năm qua?

Vũ chia sẻ từ trải nghiệm của năm cũ, anh chàng hiểu được tầm quan trọng của tích luỹ. Nếu có khoản tiền tích luỹ, bạn sẽ không rơi vào thế bị động, có một tấm đệm an toàn để thoả sức lựa chọn cuộc sống mà mình mong muốn.

Trong khi đó Nhật Hạ cho hay giờ cô nàng không còn muốn chi tiêu hoang phí. "Sau một năm sẵn sàng chi tiền cho bản thân, mình muốn sống tiết kiệm và hoàn thành mục tiêu có tích luỹ riêng. Mình dự định sẽ dành khoảng 30% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm. Mức lương tăng cũng giúp mình có thêm động lực để sống tiết kiệm hơn. Sau tất cả, mình cũng phải tích góp tiền để chuẩn bị cho các dự định trong tương lai", cô bạn GenZ chia sẻ.


Theo Vân Anh

Đời sống Pháp luật

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM