MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tỉnh đua nhau chuyển sang trung tâm hành chính nhưng "chán" lại tản ra!

16-09-2016 - 10:16 AM | Bất động sản

Chiều ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tài sản nhà nước (TSNN) tại Việt Nam có phạm vi, quy mô rất lớn; là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và là nguồn lực quan trọng, bền vững có thể khai thác để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng TSNN (sửa đổi) hiện nay là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật quản lý, sử dụng TSNN hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công (TSC) hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới về khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đồng thời, thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật mới được Quốc hội ban hành có liên quan, tác động trực tiếp tới quản lý, sử dụng TSC.

Một trong những điểm mới của dự luật là điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản đã được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết gắn với các điều kiện ràng buộc cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản.

“Đối với tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (như: đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản dự án), trên thực tế ở nước ta, các tài sản này khá lớn, nhất là tài sản kết cấu hạ tầng nhưng công tác quản lý có lúc, có nơi còn lãng phí, chưa hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu là do chưa quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế quản lý”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.


Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Thảo luận về dự án luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh lo ngại luật này sẽ xung đột với các luật chuyên ngành khác. Ông lấy ví dụ, với Trung tâm hành chính Đà Nẵng, giả sử không dùng được chuyển đi chỗ khác nhưng đúng sai về việc này lại được chi phối bởi Luật Xây dựng, nếu như vậy trong trường hợp này thì Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước lại không có tác dụng.

“Quốc hội nói nhiều đến chuyện trụ sở, công sở, rồi xe cộ, tôi cho rằng những vấn đề đó là do mình làm chưa đúng. Không đúng là vì một ông lãnh đạo thì thích đi xe cũ cho đúng quy định, trong khi đó một ông Tổng giám đốc lại đi xe hoành tráng thì rất vô lý, không công bằng”, ông Võ Trọng Việt phân tích.

Góp ý cho dự án luật, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, luật này đại biểu và dư luận rất quan tâm đồng thời đánh giá cao Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có dự thảo đồ sộ, thẩm tra kỹ lưỡng.

Theo bà Nga, dù đã có nhiều chính sách nhưng vấn đề quản lý tài sản công vẫn chưa hiệu quả, điều đó thể hiện rõ qua việc quản lý nhà công, xe công. “Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?”, bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị báo cáo của Chính phủ nên tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các Bộ, ngành, cơ quan sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn báo cáo về sử dụng xe công tính tới tháng 7/2016: khối cơ quan nhà nước đang sử dụng hơn 16.653 chiếc; khối đơn vị sự nghiệp quản lý hơn hơn 16.194 chiếc; khối các tổ chức quản lý sử dụng 4.566 chiếc; khối các BQL sử dụng 224 chiếc… và cho rằng phải có đánh giá về việc sử dụng này.

Theo bà Nga, xu hướng các nước lâu nay là khoán xe công, nhưng Việt Nam chưa có sự đổi mới mạnh mẽ. Trong điều 33 có nói khoán kinh phí tài sản công tại cơ quan nhà nước và Bộ Tài chính quy định mức khoán.

“Chúng tôi muốn biết quy định này có thực hiện được luôn không, có khó khăn vướng mắc gì? Lâu nay khoán điện thoại thực hiện khá tốt, tâm lý sử dụng điện thoại "chùa' không còn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nói rõ hơn, vướng gì mà đưa lên nhiều chính sách mà không thực hiện được?”, bà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi.

Cùng vấn đề trên, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh phúc nêu ra tình trạng vừa qua có hiện tượng các tỉnh đua nhau chuyển sang mô hình trung tâm hành chính, dù đang có trụ sở đơn lẻ rất tốt cũng dồn vào một chỗ, nhưng một thời gian “chán” lại tản ra.

“Ví dụ như Đà Nẵng giờ đang chán rồi. Bất luận lấy tiền ở đâu đều của nhà nước cả, rất tốn kém. Tôi cho cái này phải quy định cụ thể, chứ để việc hôm nay ông dàn trải ra, ngày mai lại co vào, ngày hôm sau nữa lại dàn trải ra là không được. Tài sản công cần phải quy định chặt chẽ để tránh trường hợp lãng phí ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến.

Kết luận vấn đề thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường vụ QH đồng ý đổi tên dự án luật thành Luật Quản lý tài sản công, đồng thời giao Ban soạn thảo rà soát lại đối tượng, đưa được tài sản công phải quản lý vào luật, kể cả tài sản có thể cân đong, đo đếm được. Một số tài sản chuyên ngành thì phải đưa vào về mặt nguyên tắc.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải rà soát lại các nội dung, điều khoản để thống nhất với Hiến pháp, Luật Đất đai, Tài nguyên nước, khoáng sản…. và đảm bảo tính khả thi của luật.

Theo Tuấn Minh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên