MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách tính mức hưởng lương hưu còn bất cập

Thời gian tham gia BHXH dài nhưng mức hưởng chưa tương xứng khiến lương hưu chưa hấp dẫn được người lao động.

Đóng BHXH được 42 năm 2 tháng, đầu năm 2024, khi nhận quyết định hưởng lương hưu hằng tháng trên tay, ông Nguyễn Tuấn Huân (SN 1963; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) sốc nặng. Theo tính toán của ông, mức lương hưu nhận được ít nhất cũng khoảng 4,5 triệu đồng/tháng nhưng thực tế chỉ hơn 3,3 triệu đồng.

Hụt hẫng!

Ông Huân cho hay từ tháng 9-1981, ông làm giáo viên rồi hiệu phó, hiệu trưởng một số trường tiểu học, THCS tại tỉnh Bạc Liêu; hệ số lương theo ngạch, bậc cuối cùng là 4.32. Ngày 31-1-2008, ông nhận quyết định nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí.

Thời điểm đó, theo quy định, điều kiện hưởng chế độ hưu trí đối với lao động nam là 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH. Ông Huân có 26 năm 6 tháng đóng BHXH nhưng mới 45 tuổi, chưa đủ điều kiện về tuổi đời và chưa đạt mức hưởng tối đa 75%.

Để được hưởng tỉ lệ hưu trí tối đa, trong thời gian chờ đủ tuổi, ông Huân xin làm bảo vệ tại Xí nghiệp Dịch vụ ô tô Isuzu An Lạc (Chi nhánh Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tại Sài Gòn) và tiếp tục đóng BHXH. Tại đây, tiền lương căn cứ đóng BHXH của ông được chia thành 2 giai đoạn. 

Từ tháng 5-2008 đến 12-2015, đơn vị đóng BHXH cho ông căn cứ theo hệ số lương ngạch, bậc (tiền lương thuộc đối tượng do nhà nước quy định) từ 1.99 đến 2,4. Từ tháng 1-2016 đến 12-2023, đơn vị thay đổi thang bảng lương và điều chỉnh mức đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quy định, với mức đóng từ 4,9 triệu đến 6,5 triệu đồng/tháng.

Cách tính mức hưởng lương hưu còn bất cập- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Huân hụt hẫng khi nhận lương hưu chỉ hơn 3,3 triệu đồng/tháng

Khi tính lương hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của ông Huân được cơ quan BHXH căn cứ trên mức bình quân chung của cả thời gian thực hiện theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định và chế độ tiền lương do NSDLĐ quy định. Tuy nhiên, do mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định của 5 năm cuối thấp nên với tỉ lệ hưởng tối đa 75%, lương hưu ông Huân được hưởng chỉ là 3.365.129 đồng/tháng.

Ngoài ra, ông Huân còn được chi trả trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là 16.825.643 đồng, tương ứng với 7,5 năm đóng dư. Mức lương hưu hiện tại không đủ nuôi sống bản thân, chưa kể ông còn phụng dưỡng cha mẹ già gần 90 tuổi nên khá hụt hẫng.

Ông Huân cho rằng nếu dừng đóng BHXH vào năm 2008, đến khi đủ tuổi đời, lương hưu của ông chắc chắn cao hơn mức hưởng hiện tại vì hệ số lương 5 năm cuối cao (từ 3,1 đến 4,32). Chưa kể, với sự thay đổi chính sách về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức tối đa từ 30 lên 35 năm, ông bị thiệt thòi khi phải kéo dài độ tuổi lao động và tốn thêm 5 năm đóng BHXH. Kèm theo đó, khoản trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của ông cũng giảm đi, từ 12,5 năm đóng dư chỉ còn 7,5 năm.

"Khi thay đổi chính sách BHXH, cơ quan chức năng cần tính toán, cân nhắc kỹ để tránh thiệt thòi quyền lợi của người lao động (NLĐ)" - ông Huân mong mỏi.

Đóng dài cũng bằng đóng ngắn?

Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cách tính lương hưu hiện nay còn bất cập. Điều đó thể hiện ở việc thời gian đóng càng dài nhưng mức hưởng cao hơn không đáng kể, thậm chí còn thấp hơn.

Để chứng minh nhận định này, ông Sơn đã lấy quá trình tham gia BHXH của mình để thử làm phép tính. Theo đó, ông có 42 tháng tham gia BHXH trong quân đội (từ 2-1984 đến 7-1987); từ tháng 1-1996, ông đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quy định (mức lương đóng BHXH thấp nhất 350.000 đồng, cao nhất 18 triệu đồng/tháng).

Trường hợp tiếp tục đóng BHXH ở mức lương hiện tại (18 triệu đồng) cho đến tháng 7-2029, lúc đủ tuổi nghỉ hưu và có 35 năm đóng BHXH (hưởng tỉ lệ tối đa 75%), nếu tính trên toàn bộ quá trình đóng, mức lương hưu ông Sơn nhận được sẽ là 6.211.833 đồng/tháng. Song, nếu chỉ lấy mức đóng BHXH của 20 năm cuối cùng (từ tháng 8-2007 đến 8-2029), tương ứng tỉ lệ hưởng lương hưu 45%, thì mức lương hưu ông nhận được là 6.010.723 đồng/tháng. Còn nếu chỉ tính riêng 31 năm đóng BHXH ở khu vực doanh nghiệp (từ tháng 1-1996 đến 8-2029), tỉ lệ hưu 69%, thì mức hưởng là 6.147.157 đồng/tháng.

Kết quả trên cho thấy sự bất hợp lý khi thời gian đóng BHXH chênh nhau đến 15 năm (tương ứng tỉ lệ hưởng 30%) nhưng mức lương hưu nhận được chỉ cao hơn 200.000 đồng/tháng; chênh lệch 11 năm đóng thì lương hưu cao hơn khoảng 136.000 đồng; còn thêm 4 năm đóng thì lương hưu chỉ cao hơn 64.000 đồng.

Theo ông Sơn, nguyên nhân của tình trạng trên là do mức đóng BHXH của những năm đầu thấp nhưng hệ số điều chỉnh trượt giá chưa phù hợp. Chẳng hạn, mức lương căn cứ đóng BHXH của ông vào tháng 9-2003 là 350.000 đồng/tháng, giá vàng thời điểm đó là 704.000 đồng/chỉ. Nếu nhân hệ số tính trượt giá BHXH nhà nước công bố (năm 2023) tương ứng với 3,46 thì mức lương căn cứ đóng BHXH năm 2003 sẽ là 1.211.000 đồng/tháng, trong khi giá vàng vào tháng 9-2023 đã lên đến khoảng 6,8 triệu đồng/chỉ.

"Mức hưởng chưa tương xứng cùng với việc đồng tiền trượt giá sẽ khiến NLĐ không an tâm và tính toán thiệt hơn. Từ đó, họ sẽ chọn cách được cho là có lợi nhất, bao gồm cả việc ngưng đóng BHXH để nghỉ hưu sớm. Do vậy, bên cạnh việc điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH, cần tính toán lại hệ số trượt giá cho phù hợp để NLĐ thấy được lợi ích khi tham gia BHXH lâu dài" - ông Sơn góp ý. 

Chia nhóm đối tượng điều chỉnh lương hưu

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-3 , khi nêu ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng. Trong đó, với nhóm người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1-7-2024. Việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để bảo đảm hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Với nhóm người nghỉ hưu trước ngày 1-7-2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài việc áp dụng chính sách BHXH, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được bảo đảm đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Theo Phúc Nguyên

Người lao động

Trở lên trên