MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách vợ chồng thu nhập 30 triệu đồng chi tiêu ở Hà Nội: Tiết kiệm là quan trọng nhất

18-10-2023 - 09:35 AM | Lifestyle

Những cặp đôi dưới đây đã có những thay đổi đáng kể trong cách quản lý chi tiêu sau khi kết hôn.

Gia đình có thu nhập 30 triệu/tháng chi tiêu thế nào ở Hà Nội?

Ngọc Hà (25 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) và chồng Minh Phúc (29 tuổi, làm xuất nhập khẩu) đang sống tại TP. Hà Nội. Với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, vợ chồng cô phân bổ thành 4 nhóm:

- Tiền tiết kiệm quỹ chung (30% thu nhập, tức 9 triệu đồng): Sau khi nhận lương vợ chồng Ngọc Hà sẽ đi gửi tiết kiệm ngay lập tức. Khoản tiền này cặp đôi tính dành để mua nhà, có con và phòng ngừa rủi ro.

- Tiền thuê nhà đã tính cả điện nước và phí dịch vụ (30% thu nhập, tức 8.5 - 9 triệu đồng). Theo Ngọc Hà, sở dĩ vợ chồng cô chi nhiều tiền để thuê nhà vì cho rằng không gian sống thoải mái sẽ giúp đỡ rất nhiều cho sức khỏe lẫn tinh thần làm việc.

- Tiền ăn uống (20% thu nhập, tức 6 triệu đồng): Vợ chồng Ngọc Hà ăn sáng ở nhà, buổi trưa ăn tại công ty, chỉ buổi tối mới về ăn cơm cùng nhau.

- Tiền tiêu vặt cá nhân (20% thu nhập, tức 6 triệu đồng). Đây là khoản tiền mà cặp đôi dùng cho các nhu cầu là xăng xe, điện thoại, đám cưới, đám hiếu, sức khoẻ, sở thích cá nhân.

Cách vợ chồng thu nhập 30 triệu đồng chi tiêu ở Hà Nội: Tiết kiệm là quan trọng nhất - Ảnh 1.

Vợ chồng Ngọc Hà (Ảnh: NVCC)

Ngọc Hà nhớ lại trong tháng đầu sau khi kết hôn, cặp đôi đều ngại chia sẻ về câu chuyện tài chính nên đã tự quản tiền của mình. Lúc đó, mỗi người sẽ chi tiêu theo mong muốn cá nhân. Tuy nhiên, cặp đôi nhanh chóng nhận ra đây không phải cách kiểm soát tài chính hiệu quả vì họ đã chi tiền quá mức cần thiết.

Ngọc Hà kể: "Do thường xuyên quẹt thẻ tín dụng nên bọn mình không kiểm soát được chi tiêu, đặc biệt là khi đi mua đồ. Đi làm về cũng muộn nên mình và chồng hay mua thức ăn ở siêu thị dưới chung cư. Tuy nhiên, những cửa hàng ở chung cư thường sẽ đắt hơn 2-3 lần so với việc đi chợ. 

Ví dụ như 1 quả ớt chuông ở chợ khoảng 7-10 nghìn đồng thì mua ở chung cư sẽ khoảng 20-25 nghìn đồng. Hoặc thịt lợn mua tại chợ là 110 nghìn đồng/cân, còn mua dưới chung cư sẽ có giá 150 nghìn đồng/cân. Lúc đó có tháng, gia đình mình tiêu tốn đến 15 triệu để mua thực phẩm".

Sau đó để giải quyết bài toán tài chính này, vợ chồng Ngọc Hà quyết định đi chợ với nhau 3 lần/1 tuần và chia nhỏ đồ ăn để tủ. Đồng thời, họ không mua quá nhiều thực phẩm đông lạnh, thay vào đó ưu tiên đồ ăn tươi sống nhiều hơn. Vì chúng vừa có giá thành rẻ mà còn đảm bảo sức khoẻ. Hiện tại, gia đình Ngọc Hà đã giảm bớt tiền ăn uống trong một tháng xuống còn 5-6 triệu đồng.

Cũng sau trải nghiệm quản lý chi tiêu trong thời gian đầu của hôn nhân, vợ chồng Ngọc Hà thống nhất sẽ cùng cân nhắc và nói chuyện với nhau về tài chính gia đình, bao gồm mục tiêu mua nhà, mua xe và xây dựng gia đình gắn kết hơn.

Gia đình Ngọc Hà nấu cơm ở nhà để tiết kiệm hơn (Ảnh: NVCC)

Một trường hợp khác, vợ chồng Mai Hương (23 tuổi) và Văn Thiện (29 tuổi) đang sống cùng 1 con nhỏ tại TP. Hà Nội. Cặp đôi có thu nhập dao động 25-30 triệu đồng/tháng và cho rằng đó là khoản tiền vừa đủ để tiêu xài hàng tháng.

Mỗi tháng, cặp đôi phân chia thu nhập thành từng khoản như sau: 5-6 triệu đồng dành cho tiền thuê nhà và điện nước; 5-6 tiệu đồng cho chi phí nuôi con; 3 triệu đồng cho tiền trả nợ cửa hàng; 4 triệu đồng cho chi phí đi lại và chi tiêu khi về quê; 1.5 triệu đồng mua quần áo và đồ cá nhân cả nhân; 2 triệu đồng cho chi phí đình đám; còn lại là chênh lệch dự trù. Nếu tháng nào không phát sinh quá nhiều chi phí bất ngờ, số tiền còn lại sẽ được Mai Hương cho vào khoản tiết kiệm của gia đình.

Cách vợ chồng thu nhập 30 triệu đồng chi tiêu ở Hà Nội: Tiết kiệm là quan trọng nhất - Ảnh 3.

Vợ chồng Mai Hương (Ảnh: NVCC)

Nói về kế hoạch tài chính, Mai Hương cho biết vợ chồng cô muốn gia tăng thu nhập trước khi chi tiền mua sắm lớn. Đặc biệt là sau khi có con, ngân sách gia đình của họ tăng lên đáng kể. Do đó, họ quan điểm chỉ tiết kiệm thôi là không đủ cho tiêu dùng mà cần cải thiện thu nhập theo thời gian.

"Sau khi có con, chi tiêu trong gia đình thay đổi hoàn toàn, tăng lên tới 50-70% so với trước. Gia đình mình có thêm những khoản chi cho con như tiêm phòng, thuốc thang, bỉm sữa, học phí, đi viện, quần áo, đồ chơi... và nhà cũng phải thuê rộng hơn. Để thích nghi với việc có con và những khoản chi lớn thì việc đầu tiên là làm nhiều hơn và tiết kiệm lại", Mai Hương nói.

Hiện ngoài thu nhập từ công việc kinh doanh, Mai Hương còn có những khoản thu khác như quảng cáo affiliate, tổ chức và đào tạo nhân sự quán cà phê, đồng thời bán đồ ăn vặt trên các nhóm.

Bí quyết tiết kiệm tiền của vợ chồng trẻ

Mai Hương tâm sự, vì vạch sẵn những mục tiêu dài hạn trong tương lai nên hiện tại vợ chồng cô đã có rất nhiều thay đổi trong cách chi tiêu. 

Cặp đôi từng không có kế hoạch tài chính dẫn đến chi tiêu vượt quá so với thu nhập. Bởi lẽ khi không lập ngân sách cụ thể, Mai Hương thường đi mua sắm rất nhiều đồ không cần thiết khi đi chợ và siêu thi. Ngoài ra, cô cũng nhiều lần đặt hàng trực tuyến vô tội vạ, đi ăn quá nhiều... dẫn đến tiền tiêu vượt quá tiền kiếm được. Sau một thời gian điều chỉnh thói quen chi tiêu, gia đình cô gần như không gặp vấn đề về cách kiểm soát tài chính.

Bên cạnh đó, để tránh chi tiêu phung phí, cô chia khoản chi làm 2 trường hợp. Đó là những khoản chi cho nhu cầu và chi để "mua vui". 

Với những khoản chi để đầu tư phát triển bản thân và sức khoẻ như mua sách, đăng ký tập gym, đi học thêm kiến thức cần thiết cho công việc... cô thường không "tiếc tiền" mà chi tiêu khá thoải mái. Bởi cô cho rằng, đầu tư vào bản thân là khoản "tiền đẻ ra tiền" hiệu quả nhất. Ngược lại, những khoản chi "mua vui" như đi ăn ngoài hay mua quần áo, Mai Hương sẽ cân nhắc xem nó có thật sự hữu ích trong tương lai không.

Cách vợ chồng thu nhập 30 triệu đồng chi tiêu ở Hà Nội: Tiết kiệm là quan trọng nhất - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Dù đã thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên do hiện tại đang tập trung đầu tư kinh doanh nên vợ chồng Mai Hương gần như không có tiết kiệm. "Điều này khiến mình khá lo lắng vì có thể sẽ có những trường hợp bất trắc xảy ra cần đến số tiền lớn. Hơn thế nữa, khi không có khoản tiết kiệm thì làm gì mình cũng cần cân nhắc kỹ và có khi bị tuột mất cơ hội cũng như có khả năng mắc vào các khoản nợ xấu. Do vậy, mình vẫn nghĩ rằng các gia đình nên cố gắng để tiết kiệm được một khoản phòng trừ những trường hợp rủi ro", cô nàng bày tỏ.

Còn với Ngọc Hà, cô đồng tình rằng khi còn trẻ, mọi người nên chi tiêu tiết kiệm. Vì phần lớn chúng ta không thể biết trước tương lai, nếu có những chuyện khẩn cấp, khoản tiền tiết kiệm sẽ giúp bạn phòng tránh được rất nhiều tình huống rắc rối. Bên cạnh đó, khi có tích luỹ, các gia đình cũng sẽ tự tin và quyết đoán hơn trong nhiều việc.

Ngọc Hà chia sẻ rằng, lúc mới kết hôn, gia đình cô đã chi tiêu gần như toàn bộ tiền lương, tuy nhiên bây giờ nó đã giữ vững ở mức khoảng 20 triệu/tháng và có tiền tiết kiệm chung. Vợ chồng cô gắn kết và thấu hiểu nhau hơn, trì hoãn được sự thỏa mãn của riêng mình và tự chủ trong mọi vấn đề.

Ngọc Hà cho rằng, các cặp đôi nên chia sẻ thẳng thắn về năng lực tài chính của nhau. Vợ chồng ngồi xuống đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong tương lai để cùng cố gắng. Đồng thời, bạn nên hạn chế mua sắm online, chỉ sắm những thứ thực sự cần thiết, tránh lạm dụng thẻ tín dụng quá mức vì dễ rơi vào cảnh nợ nần cũng như hình thành thói quen tiêu dùng xấu.

Theo Vân Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên