MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần sớm gỡ vướng về chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số

13-06-2023 - 15:29 PM | Kinh tế số

Hội truyền thông số Việt Nam vừa có kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số.

Nhiều cơ hội phát triển ngành sáng tạo nội dung số

Đại diện Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, ngành sáng tạo nội dung số trên toàn cầu đang có bước phát triển rất nhanh trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, thiết kế, nghệ thuật, giải trí, tin tức, sách... Việt Nam là quốc gia có tốc độ phổ cập Internet, di động nhanh và rộng hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Cần sớm gỡ vướng về chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số - Ảnh 1.

Ngành sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam

Tính đến tháng 1/2023, nước ta có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu so với năm 2022. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164,0% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội.

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sáng tạo nội dung số.

Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số (“Digital Creator” hoặc “Digital Content Creator”) tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn.

Tại Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng YouTube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng TikTok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix, cùng với hàng chục các nền tảng giải trí trực tuyến xuyên biên giới như: Spotify, Apple Music, Amazon Music…

Một lượng lớn nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo: 60% YouTuber Việt Nam dưới 25 tuổi, trong đó 42% dưới 18 tuổi; 70% YouTuber bắt đầu sản xuất nội dung khi còn là học sinh, sinh viên.

Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube,… với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu đã tạo ra một thị trường tiêu dùng nội dung số khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này sản xuất nhiều nội dung có giá trị, phát hành xuyên biên giới, gây được tiếng vang trên toàn cầu. Hàng vạn lao động trẻ người Việt Nam đã và đang tham gia, kinh doanh kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới, hàng năm mang về lượng kiều hối nhiều triệu USD cho đất nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022, chỉ tính riêng trên YouTube số người Việt Nam kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

Mặc dù vậy, do là ngành nghề kinh tế mới, có mô hình kinh doanh khác hẳn với các ngành kinh tế truyền thống, đặc biệt mặt hàng kinh doanh là nội dung số được phân phối xuyên biên giới cho đối tượng người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, nên ngành sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới (ngành MMO - Make Money Online) đang gặp phải một số vướng mắc không nhỏ trong quá trình phát triển, trong đó có chính sách thuế.

Tránh đánh thuế 2 chiều, thúc đẩy ngành nội dung số

Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế. Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu (chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Mỹ).

Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp). Đặc biệt, với thuế GTGT theo quy định hiện hành đánh thuế 10% trên doanh thu nhận về của doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu, đánh thuế ở đấy với sắc thuế GTGT.

Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.

Từ năm 1992 tới nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 60 Hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ đã được hai nước ký kết vào ngày 7/7/2015. Ngày 24/2/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, do phía Mỹ chưa phê chuẩn nên Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ chưa có hiệu lực thi hành. Trong Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ quy định người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam.

Đối với Mỹ, nhà đầu tư/quỹ đầu tư Mỹ tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho nước Mỹ. Việc sớm thực thi Hiệp định về chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam.

Từ thực tế này, VDCA kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét áp dụng chính sách thuế đối với các cá nhân/doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế như sau: Áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.

Với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài áp dụng thuế suất VAT là 0% (VAT 0% với cả cá nhân và doanh nghiệp). Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế thu nhập cá nhân 1%; Với doanh nghiệp VAT là 10% (theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

Đồng thời, kiến nghị Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Cụ thể, sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.

Theo Quỳnh Nga

Báo Công Thương

Trở lên trên