MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo loại vi khuẩn nguy hiểm kháng nhiều loại kháng sinh: Nếu nhiễm rất khó điều trị, tiên lượng tử vong cao

29-11-2020 - 20:51 PM | Sống

Cảnh báo loại vi khuẩn nguy hiểm kháng nhiều loại kháng sinh: Nếu nhiễm rất khó điều trị, tiên lượng tử vong cao

Tụ cầu vàng là vi khuẩn trong nước, đất, thậm chí sống ký sinh trên da và có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương nhỏ. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.

Nguy kịch sau vết xước

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) đã cấp cứu bệnh nhi N.V.N, 14 tuổi vào viện trong tình trạng thở máy do tụ cầu.

Cách đây khoảng 10 ngày, N. đi làm phụ gia đình trên chiếc xà lan vùng sông nước Kiên Giang, vô tình vấp cọng dây, té, trật chân phải, không chấn thương vùng đầu.

Tuy nhiên đến chiều, N. sốt cao. Người nhà cho đi khám tại phòng khám tư. Bác sĩ Xquang cho kết quả chẩn đoán bé bị chấn thương phần mềm, cho thuốc về uống.

Nhưng đến ngày thứ 3 thì thấy vùng mắt cá phải bị sưng to, N. còn sốt, khám bác sĩ tư được truyền dịch và hạ sốt. Đến ngày thứ 7, N. vẫn sốt, than mệt, không tự ngồi dậy được, ăn uống bình thường. Người nhà đưa bé lên Bệnh viện tỉnh An Giang.

Cảnh báo loại vi khuẩn nguy hiểm kháng nhiều loại kháng sinh: Nếu nhiễm rất khó điều trị, tiên lượng tử vong cao - Ảnh 1.

Bệnh nhi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố

Khoảng 9h cùng ngày N. bắt đầu nói sảng, không co giật. Đến ngày thứ 8, tức là khoảng 22h ngày 24/11, bệnh nhi bị suy hô hấp phải đặt ống thở, thở máy, kháng sinh, thuốc vận mạch. Sau đó bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang chuyển bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi N. bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng. Bệnh nhi có cơ địa béo phì và hiện tại nguy kịch, đối diện triệu chứng sốc, nhiễm trùng huyết toàn thân, sưng khớp tiến triển. Các bác sĩ đang cố gắng điều trị bảo tồn chức năng cơ quan cho bệnh nhi.

Vết thương ở gối là cửa ngõ để vi khuẩn vào xâm nhập từ khớp gối. Sau khớp gối, các cơ quan như gan, thận và đặc biệt màng tim bệnh nhi đang có nguy cơ bị tấn công tiếp theo. Dịch khớp gối đầy mủ và máu vừa được chọc hút và đem đi xét nghiệm.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, ông cũng gặp rất nhiều trẻ bị vi khuẩn tụ cầu vàng tấn công. PGS Dũng nhớ nhất có trường hợp bệnh nhi 11 tuổi, ngoại thành Hà Nội sốt nhiều ngày không khỏi, suy hô hấp, nhiễm trùng máu.

Khi chuyển đến viện bệnh nhân đã rất nặng. Khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện cháu bé có nhiều vết xước da ở chân dù đã liền sẹo. Ngay lúc đó PGS Dũng cho cấy máu vì nghi ngờ tụ cầu vàng. Song song với đó, bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng kháng sinh liều cao để điều trị.

Cảnh báo loại vi khuẩn nguy hiểm kháng nhiều loại kháng sinh: Nếu nhiễm rất khó điều trị, tiên lượng tử vong cao - Ảnh 2.

Dịch máu chứa vi khuẩn tụ cầu vàng

Sau đó bệnh nhân vẫn sốt cao, biến chứng tràn khí phổi, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được dẫn lưu hút dịch phổi và kết hợp nhiều kháng sinh thế hệ mới nhất để điều trị. Kết quả cấy máu bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng đa kháng.

Nguy hiểm nếu vi khuẩn kháng thuốc

PGS Dũng cho biết, vi khuẩn tụ cầu có 3 loại: tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh. Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (Saureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính nặng và có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Tụ cầu vàng kháng lại nhiều loại kháng sinh thông dụng, đặc biệt kháng lại kháng sinh methicilin.

Tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, lở loét da. Thậm chí có khi tạo nên các ổ áp-xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.

Bình thường vi khuẩn này có mặt ở nước, đất, môi trường xung quanh thậm chí ký sinh trên da nhưng ít gây bệnh. Tuy nhiên, nếu có cơ hội gặp các vết xước, mụn trên người, kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn tụ cầu dễ dàng xâm nhập gây các bệnh nguy hiểm.

Khi nhiễm vào máu, tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như áp xe phổi, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ… Bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và cũng có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.

Điều nguy hiểm đó là vi khuẩn tụ cầu vàng đã được liệt vào danh sách vi khuẩn kháng thuốc ở nước ta. Bình thường bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng chỉ cần dùng kháng sinh là điều trị hiệu quả. Nhưng nếu do tụ cầu vàng kháng thuốc thì việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí không có kết quả.

Mùa mưa lũ vừa qua, ngành y tế đặc biệt lưu ý cư dân miền trung và vùng quê sông nước cần nâng cao các biện pháp phòng các bệnh nhiễm trùng.

Tăng cường bổ sung vitamin, chế độ ăn nhiều đạm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể…Luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh.

Vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Theo N.Anh

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên