MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc đầu tư công: Cần nghiên cứu kỹ khi thu phí qua GPS

Hàng loạt tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) sắp đưa vào sử dụng. Dự kiến trong năm nay đề án thu phí phương tiện lưu thông tại các tuyến đường này (trong đó có nhiều tuyến cao tốc Bắc – Nam) sẽ được trình Quốc hội xem xét. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đặt kỳ vọng thu phí tự động bằng công nghệ hiện đại nhất, bỏ trạm thu phí nhưng thực tế không dễ.

Chỉ tính riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 20 đoạn đầu tư công (cả giai đoạn 1 và 2), trong đó có 2 đoạn đã đưa vào khai thác, những đoạn còn lại sẽ khai thác trong năm nay và 2 năm tới.

Chia sẻ về đề án thu phí cao tốc đầu tư công, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính sớm thống nhất để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm nay. Nguồn phí thu được để hoàn trả một phần vốn nhà nước đầu tư, tạo nguồn làm thêm dự án mới.

“Muốn thu được phí cao tốc đầu tư công trước tiên phải có hành lang pháp lý đủ vững chắc để triển khai sớm trước khi đưa vào các luật liên quan. Khi Quốc hội chấp thuận cho thu phí, Chính phủ giao thực hiện, Bộ GTVT sẽ triển khai chi tiết, làm rõ thu theo Luật Giá hay Luật Phí và Lệ phí, tránh người dân hiểu nhầm phí chồng phí”, vị lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Cao tốc đầu tư công: Cần nghiên cứu kỹ khi thu phí qua GPS - Ảnh 1.

Đề án thu phí với đường cao tốc đầu tư công sẽ được trình Quốc hội xem xét trong năm nay (cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Ảnh: Phạm Thanh

Tuần trước, khi làm việc với Cục Đường bộ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng giao cơ quan này xây dựng đề án thu phí tự động bằng công nghệ GPS và vệ tinh, áp dụng ngay cho thu phí tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc đầu tư công khác. Giải pháp công nghệ này nhằm tiết kiệm chi phí cho đầu tư trạm thu phí, cũng không cần barie (thanh chắn), thực tế đã được một số nước áp dụng.

Về khả năng ứng dụng công nghệ thu phí qua GPS và vệ tinh thay cho trạm thu phí hiện nay, một lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, có thể làm được nhưng cần thêm thời gian nghiên cứu để khai thác ổn định. Để áp dụng công nghệ trên, các phương tiện phải được lắp thiết bị định vị, có mã số và tài khoản giao thông; chủ phương tiện phải tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý thu phí, thanh toán trả trước hoặc sau, xử lý khi nợ phí...

“Kinh nghiệm triển khai thu phí tự động vừa qua cho thấy, ban đầu đơn vị triển khai chỉ tính tới công nghệ, chưa quan tâm tổ chức thu, hệ thống thanh toán, nên khi áp dụng phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc. Với các tuyến cao tốc đầu tư công nếu tính đến việc thu phí, sẽ tiến tới bỏ barie nhưng vẫn có trạm thu phí; còn thu phí qua công nghệ GPS và vệ tinh thì không cần trạm nên được nghiên cứu kỹ, không để vướng mắc như thời gian vừa qua”, vị lãnh đạo Bộ GTVT giải thích thêm.

Trước đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu và đưa ra một số phương án thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc đầu tư công. Từ đó, bộ này nghiêng về phương án chuyển nhượng quyền thu phí theo thời hạn, có thể triển khai trong 3 năm, hoặc 5-10 năm.

Nếu không có doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền thu phí, Nhà nước sẽ thuê dịch vụ thu phí. Bộ GTVT tính toán, nếu thu mức phí khoảng 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi), riêng 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đầu tư công, trong 5 năm đầu có thể thu được khoảng 18.300 tỷ đồng, trong 10 năm thu được khoảng 37.900 tỷ đồng.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên