MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cầu an, cúng dường online và câu hỏi: Làm sao chống thất thu từ lĩnh vực kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ?

Cầu an, cúng dường online và câu hỏi: Làm sao chống thất thu từ lĩnh vực kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ?

Giáo hội Phật giáo đang thử nghiệm triển khai ứng dụng phát tâm cúng dường qua ví điện tử MoMo ở một số chùa để tạo điều kiện cho đồng bào phật tử muốn phát tâm công đức.

Xuân năm nay, thêm một mùa vắng những lễ hội rộn ràng, chen chúc. Hàng loạt lễ hội lớn trong cả nước như khai hội xuân Yên Tử, khai hội chùa Hương , khai hội chùa Bái Đính , Tam Chúc, khai ấn đền Trần, lễ hội Gióng… đã hủy tổ chức hoặc không khai hội nhằm thực hiện chủ trương phòng chống dịch Covid.

Nhà chùa thất thu và giải pháp cúng dường online

Đóng cửa ngừng đón khách cũng đồng nghĩa với việc "đóng cửa" các nguồn thu (công đức, tiền lễ) của đền, chùa. Nhiều người dân kinh doanh đồ lễ, làm dịch vụ phục vụ tâm linh cũng phải ngừng hoạt động. Lĩnh vực kinh tế tâm linh đang và sẽ chịu thiệt hại rất lớn do Covid-19.

 Cầu an, cúng dường online và câu hỏi: Làm sao chống thất thu từ lĩnh vực kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ? - Ảnh 1.

Ảnh: Minh Khôi


 Cầu an, cúng dường online và câu hỏi: Làm sao chống thất thu từ lĩnh vực kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ? - Ảnh 2.
 Cầu an, cúng dường online và câu hỏi: Làm sao chống thất thu từ lĩnh vực kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ? - Ảnh 3.

Những cánh cổng đóng kín của đền, chùa trong mùa xuân. Ảnh: Minh Khôi

Đơn cử như danh lam thắng tích Hương Sơn – quần thể Chùa Hương (Mỹ Đức Hà Nội). Năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid, chùa Hương chỉ đón được 388.020 khách, giảm 945.000 người so với năm 2019. Với lượng du khách đến chùa Hương mỗi năm trước đây khoảng 1,3 triệu lượt người, nếu năm nay ngừng đón khách trong cả 3 tháng mùa Xuân, thì riêng tiền bán vé thắng cảnh đã thất thu ngân sách gần 70 tỷ đồng.

Đồng thời, hơn 5.000 thuyền đò của người dân trong xã Hương Sơn phải ngừng hoạt động, ước tính thất thu gần 200 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ăn uống, buôn bán đồ lễ, phục vụ chỗ nghỉ của người dân ước tính thất thu khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy tính tổng thiệt hại có thể lên tới 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn là thất thu các khoản tiền công đức, tiền lễ người dân đặt lên các ban thờ ở các đền, đình, chùa.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ khi xuất hiện dịch Covid, nhằm giảm lượng Phật tử, khách thập phương đến chùa với mục tiêu phòng chống dịch bệnh, nhiều chùa đã tổ chức những khóa lễ, tụng kinh, lễ cầu an online.

Hiện nay Giáo hội Phật giáo đang thử nghiệm triển khai ứng dụng phát tâm cúng dường qua ví điện tử MoMo ở một số chùa để tạo điều kiện cho đồng bào phật tử muốn phát tâm công đức thỏa mãn tâm nguyện của mình. Giáo hội cho rằng việc cầu an là nhu cầu thiết yếu.

 Cầu an, cúng dường online và câu hỏi: Làm sao chống thất thu từ lĩnh vực kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ? - Ảnh 4.

Buổi cầu an online ở chùa Quán Sứ. Ảnh: Minh Khôi

"Một số người hiểu nhầm cho rằng, các chùa tổ chức cầu an online là để thu tiền của bá tánh. Nhưng, quan điểm của Phật giáo chúng tôi là không được kinh doanh tâm linh, nên cầu an online không phải là để thu tiền. Cầu an oline và cúng dường online là 2 hoạt động khác nhau. Cầu an là phục vụ nhu cầu tâm linh của dân chúng, nhà chùa làm việc này không vì mục đích kinh doanh. Việc mở ví điện tử để tiếp nhận cúng dường online là bởi nhiều người muốn phát tâm cúng dường, nhưng trong điều kiện hiện nay họ không thể đến chùa, nên chúng tôi tiếp nhận cúng dường qua tài khoản để đáp ứng mong muốn được cúng dường của họ", Thượng tọa Thích Đức Thiện giải thích với chúng tôi.

Nền kinh tế tâm linh quy mô 100.000 tỷ chưa được quản lý

Cầu an, cúng dường online là một giải pháp hợp lý giúp nhà chùa chống thất thu trong đại dịch. Nhưng về phía ngân sách nhà nước, chưa có giải pháp nào triệt để để chống thất thu đối với nền kinh tế tâm linh có quy mô khổng lồ này.

Các chuyên gia kinh tế ở Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, kinh tế tâm linh tại Việt Nam có quy mô rất lớn, giá trị lên đến 50.000 – 100.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng chưa được coi là nền kinh tế chính thức. Và đến nay, ngành Thống Kê và các ngành liên quan vẫn chưa có nghiên cứu, định lượng giá trị tài chính của lĩnh vực này.

Các hoạt động, sản phẩm dịch vụ kinh tế tâm linh ở Việt Nam rất đa dạng. Từ kinh doanh đồ lễ, viết sớ, cúng bái thuê, đưa đón vận chuyển khách hành hương tâm linh, thu tiền công đức. Các dịch vụ này diễn ra rất nhộn nhịp tại các đền, phủ, chùa. Đặc biệt, một dịch vụ gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đó là dâng sao giải hạn (hay được gọi bằng cụm từ đầy tính nhân văn, nhiều ý nghĩa là "cầu an đầu năm").

Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế tâm linh chưa được thừa nhận chính thức trong Luật pháp, nhưng cũng không bị nhà nước cấm.

Riêng đối với Phật giáo, họ không thừa nhận kinh tế tâm linh, với quan điểm: Phật giáo không làm kinh doanh, không tham gia các hoạt động kinh tế.

Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị Chính phủ nên đánh thuế hoạt động tâm linh, coi đây là một trong những giải pháp tăng thu ngân sách trong bối cảnh chiến lược thuế hiện tại đang đi đến cuối giai đoạn. Theo VEPR, tính sơ sơ thu thuế 10%, thì có thể tăng thu cho ngân sách Nhà nước thêm 5.000 -10.000 tỷ đồng/năm.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện VEPR cho biết, tổng thu thuế của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây có xu hướng giảm dần theo tỷ trọng GDP, đặc biệt kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều này được lý giải do nền kinh tế ngày càng mở, dẫn tới giảm mạnh về mức thuế quan. Cùng với đó, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm, cộng với những khoản ưu đãi đặc biệt, chủ yếu dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong bối cảnh ngân sách đang bị thu hẹp, nhu cầu duy trì đầu tư công tăng cao, chiến lược cải cách thuế đã đi hết giai đoạn, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra chiến lược cải cách mới, bắt đầu ngay từ năm 2021. Một trong những giải pháp là nên đánh thuế vào những lĩnh vực kinh tế vẫn còn bỏ ngỏ, mà người ta thường gọi là kinh tế ngầm, thực ra là chưa được chính thức hóa trong công tác thống kê, định lượng.

Ông Lê Đình Thăng, một cán bộ uy tín trong Kiểm toán Nhà nước cho rằng, về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần có sự kiểm soát. Ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn quỹ công này được kiểm soát rất tốt và thông thường họ thông qua cơ chế kiểm toán để nhằm mục đích kiểm soát, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc sử dụng.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc kiểm soát nguồn quỹ công từ các cơ sở thờ tự, đền chùa còn là một lỗ hổng pháp lý. Mặc dù Hiến pháp đã quy định rõ về việc kiểm toán tài chính công và tài sản công là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, Luật kiểm toán nhà nước lại không quy định cụ thể các loại quỹ công ở cơ sở thờ tự là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. Điều này khiến hiện nay ở một số đền chùa, các thủ đền hoặc sư trụ trì đang mặc nhiên coi tiền công đức là công sức huy động của mình.

Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn đang trong quá trình xin ý kiến dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Theo Minh Khôi

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên