MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ế ẩm, gỗ nội thất sống cầm cự qua ngày

12-05-2012 - 08:56 AM |

Chưa kịp vui mừng vì vừa khởi sắc những năm gần đây, thị trường đồ gỗ nội thất giờ lại tiếp tục rơi vào cảnh chợ chiều. Hàng hóa ế ẩm không bán được, khách vắng, doanh thu liên tục giảm sút.

Sức mua giảm 40-60%

Theo các công ty, siêu thị, cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất, từ đầu năm tới nay tình hình chung của thị trường đồ gỗ nội thất đang ế ẩm chưa từng thấy. Một số cửa hàng, công ty cho biết, sức mua tại thị trường đã giảm khoảng 40-60% so với năm trước, đặc biệt có những cửa hàng sức mua còn giảm tới 70%.

Đại điện Công ty TNHH Nội thất Hà Anh (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường đồ gỗ dần vắng bóng khách hàng, sức mua giảm khiến doanh thu của công ty giảm tới 60% so với dạo trong Tết.

"Kinh doanh mặt hàng này nhiều năm, có lẽ đây là thời điểm mà thị trường ế ẩm nhất, sức mua tại cửa hàng chỉ bằng 30% so với năm ngoái", chị Nguyễn Thị Thảo, chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất Dân Thế trên đường Đê La Thành, ngao ngán nói.

Theo chị Thảo, hiện tại cửa hàng chỉ tiêu thụ được những sản phẩm ở tầm trung, giá không vượt quá 5 triệu đồng/sản phẩm chủ yếu là các loại giường, tủ, bàn nghế làm bằng chất liệu gỗ bình thường. Các sản phẩm nhập khẩu chất lượng tốt được làm từ gỗ tự nhiên, giá thành cao hầu như không bán được.

Lý giải về vấn đề này, giới kinh doanh đồ gỗ nội thất đều cho rằng do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng cộng với người dân đang "thắt chặt chi tiêu" trong thời kỳ bão giá dẫn đến tình trạng ế ẩm của thị trường hiện nay là điều khó tránh khỏi.

Đại diện Công ty Hà Anh cho rằng, thị trường đồ gỗ nội thất sẽ khởi sắc khi thị trường bất động sản "tan băng". Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ gỗ trên đường Đê La Thành khác cũng cho biết, với tình trạng ế ẩm như thế này họ cũng đang cố gắng cầm cự qua ngày chứ chưa dám hy vọng thị trường sẽ phục hồi trong vài tháng tới.

Hàng ế vẫn không thể giảm giá

Sức mua của thị trường giảm sút mạnh, tuy nhiên, ý kiến của các cửa hàng kinh doanh nội thất đồ gỗ đều cho rằng không thể giảm giá sản phẩm, nếu giảm giá chắc chắn người bán sẽ chịu thua lỗ.

Theo lý giải của chị Tự, chủ cửa hàng đồ gỗ Xuân Phú (Đê La Thành): "Biết hàng ế ẩm khó bán thì phải giảm giá kích cầu như những hàng hóa khác nhưng buôn bán đồ gỗ phát sinh nhiều chi phí kèm theo nên rất khó giảm giá".

Theo chị, kinh doanh mặt hàng này cần lượng vốn nằm chết khá lớn. Đối với các cửa hàng phải thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng... chi phí hàng tháng đội lên rất cao, nếu giảm giá sản phẩm nữa thì người bán sẽ thua lỗ hoặc phá sản là cái chắc. Hiện, mỗi cửa hàng kinh doanh đồ gỗ ở đây một ngày cũng phải chi từ 1,5-2 triệu tiền thuê mặt bằng. Chỗ nào có địa thế đẹp, thuận tiện giao thông chi phí thuê còn lên tới 3 triệu đồng/ngày.

Tình trạng "ngủ đông" của thị trường diễn ra trong thời gian dài như thế  này khiến nhiều người kinh doanh trở nên điêu đứng. Số ít cơ sở kinh doanh có sẵn lượng vốn lớn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi hàng không bán được, vốn nằm chết một chỗ. Với những người, vốn đầu tư kinh doanh eo hẹp, phải vay mượn ngân hàng với lãi suất cao thì gặp rất nhiều khó khăn, đó còn chưa kể đến những chi phí phát sinh khác, chị Tự cho biết thêm.

Những người ăn theo như vận chuyển hàng hoá cũng ngồi chơi, đánh bài qua ngày.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Tùng chủ cửa hàng đồ gỗ khác ở Đê La Thành cũng chia sẻ: "Hàng càng ngày càng khó bán, có khi hai, ba ngày liền không bán được sản phẩm nào trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả đầy đủ nên mình không thể giảm giá". Phần khó nữa, cứ mỗi khi có người mua hàng dù ít hay nhiều, cửa hàng cũng phải bao luôn cả khâu chuyên chở hàng về tận nhà cho khách. Vừa qua, xăng tăng giá nên mấy người vận chuyển cũng đòi tăng giá cước, anh cho biết thêm.

Dịch vụ ăn theo khó sống

Thị trường ế ẩm, khách hàng không có, hàng không thể tiêu thụ khiến dịch vụ vận chuyển hàng hóa sau khâu bán hàng cũng khó sống qua ngày.

Dọc đường Đê La Thành, trung tâm đồ gỗ nội thất ở Hà Nội, cảnh đìu hiu, ảm đạm bao chùm. Các chủ xe lôi, xe ôm trước kia tất bật vận chuyển hết chuyến hàng này đến chuyến hàng khác để giao hàng cho khách thì nay đang nằm một chỗ thư thái nhâm nhi trà đá với tờ báo trên tay cả ngày vì không có việc.

Anh Lê Văn Thực chuyên chạy xe ôm chở hàng cho một số cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất tại đây cho biết: "Dạo này cánh chở thuê được dịp chơi dài vì các cửa hàng đồ gỗ ế không bán được hàng".

Trước kia, các cửa hàng thi nhau gọi  điện đến chở hàng đi giao cho khách, có hôm đang ăn cơm cũng có điện thoại gọi đi chở hàng, một tháng thu nhập được khoảng hơn chục triệu. Nay khách không có, điện thoại chẳng buồn đổ chuông, thu nhập giảm còn 1/4 so với trước. Tính ra với ngần ấy thu nhập, tiền trọ, tiền sinh hoạt cũng hết chứ chưa nói tới tiền thừa để gửi về quê, anh Thực cho biết thêm.

Cùng cảnh ngộ trên, bác Chiến chạy  xe lôi ở đó buồn rầu than thở: "Ngồi cả ngày mà chẳng thấy ai gọi điện đến chở hàng. Cứ tình trạng này kéo dài chắc tôi phải chuyển địa điểm làm ăn như thế mới có thể trụ được qua ngày".

Theo Bảo Hân
VEF

tanhoa

Trở lên trên