MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai mở 'thiên đường xê dịch': Nơi bố mẹ cùng con 'nhặt nhạnh thiên nhiên, cầm về hạnh phúc'

27-04-2023 - 10:26 AM | Sống

Không phải là tiền bạc hay bất kỳ thứ gì. Nụ cười của lũ trẻ và niềm vui của bố mẹ, sự gắn kết tình thân gia đình sau những chuyến cắm trại trong rừng mới là thứ “chữa lành”, mang hạnh phúc đến cho chàng trai trẻ Nhật Linh.

"Nhất định phải mở chuyến đi cho lũ trẻ hái nấm ở Đà Lạt"

Đó là ý tưởng được anh Ngô Nhật Linh (34 tuổi, Hà Nội) ấp ủ trong lòng sau khi ghé thăm phố núi. Anh từng trải qua vô số công việc khác nhau trên hành trình trưởng thành, nếm đủ thất bại lẫn thành công. Nhưng sau chuyến chu du từ Bắc vào Nam, Nhật Linh chọn dừng chân ở tuổi 33 tại Đà Lạt để... dắt trẻ đi hái nấm.

Những đồi thông bạt ngàn hoang dại, những cánh rừng đầy sản vật thơm lành, những hồ nước, triền cỏ mênh mông đẹp như tranh. Những buổi bình minh mây tràn về trắng xoá, chiều hoàng hôn tím thẫm trên đỉnh Hòn Bồ. Tất cả đều khiến Nhật Linh say mê vô cùng.

Anh tưởng tượng ra các em bé chạy nhảy khám phá ở lưng đồi, ngọn suối. Các bố mẹ quây quần nướng thịt trong cái lạnh se se, tối đến tổ chức văn nghệ “cây nhà lá vườn” rồi mọi người cùng chui vào lều ngủ.

Bao nhiêu trải nghiệm giữa thiên nhiên thật hấp dẫn, vậy mà Đà Lạt ít ai tổ chức hoạt động ngoài trời cho đám nhỏ vui chơi. Chỉ toàn quán cafe, nhà hàng, homestay mở ra theo nhu cầu người lớn. Linh không muốn chạy theo số đông, không muốn xây những công trình bê tông nhân tạo bằng cách đào xới núi đồi cho trẻ em chơi. Anh thích hoà mình vào thiên nhiên, cảm nhận hạnh phúc mà thiên nhiên ban tặng, dùng tâm hồn trẻ thơ để khám phá thế giới xung quanh.

Thế là Nhật Linh bắt tay vào mở “thiên đường xê dịch” ngay và luôn theo đúng những gì anh mơ ước.

"Nhặt nhạnh" hạnh phúc ở Đà Lạt

Nửa năm trước, Nhật Linh cùng với 2 người anh em thân thiết nữa sáng lập ra Camping Đà Lạt - chuyên cung cấp dịch vụ cắm trại, leo núi, chèo thuyền… ở thành phố ngàn hoa. Tuy mới hoạt động không lâu nhưng Camping Đà Lạt đã nhận được sự yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là các gia đình và trẻ nhỏ.

Nhật Linh vui vẻ tâm sự: “Mình mở camping thực sự vì đam mê. Mình chưa có con, lại đang độc thân nhưng mình hiểu nhu cầu của các phụ huynh. Bố mẹ nào cũng muốn dành thời gian cho con bởi tuổi thơ của bọn trẻ qua nhanh lắm. Trước khi lớn thì ai cũng từng là một đứa trẻ. Không cho chúng thoả sức khám phá thì thật tiếc”.

Chàng trai Hà Nội và những chuyến đi "nhặt nhạnh thiên nhiên, cầm về hạnh phúc" với các em bé - Ảnh 2.

Nhật Linh (bìa trái) và những người bạn đam mê camping ở Đà Lạt

Đà Lạt vốn có rất nhiều khu vui chơi, trang trại, sở thú trẻ em nổi tiếng, song hoạt động dã ngoại cho trẻ thì rất hiếm hoi. Chị Diệu Hoa (32 tuổi, Hà Nội) từng ghé Đà Lạt 2 lần cùng chồng và con gái 5 tuổi. Trước lúc đi, chị tìm hiểu rất kỹ những điểm du lịch phù hợp cả gia đình nhưng cuối cùng chị chỉ thấy trang trại lạc đà và quán cafe chó mèo là ổn nhất.

“Con gái mình nhát nên cháu không thích những trò mạo hiểm trong khu vui chơi. Lịch trình 3 ngày 2 đêm cũng không đủ để nhà mình đi nhiều chỗ. Mình muốn tìm nơi yên tĩnh trong lành để con được chạy nhảy nhưng mấy khu đồi với rừng thông hơi xa trung tâm, thuê homestay ngủ qua đêm thì lạnh quá sợ con ốm. Cả nhà mình chỉ thích mấy chỗ gần gũi thiên nhiên có cây cối sông suối nhỏ để dắt con khám phá thôi”.

Chàng trai Hà Nội và những chuyến đi "nhặt nhạnh thiên nhiên, cầm về hạnh phúc" với các em bé - Ảnh 3.

Chàng trai Hà Nội và những chuyến đi "nhặt nhạnh thiên nhiên, cầm về hạnh phúc" với các em bé - Ảnh 4.

Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh như chị Hoa, mô hình du lịch di động của anh Nhật Linh có khá nhiều ưu điểm. Vừa không tốn chi phí xây dựng cơ sở vật chất, vừa có cả list hoạt động thú vị cho trẻ và bố mẹ cùng chơi ngoài trời.

Anh Linh cho biết: “Khách có thể chọn bất kỳ nơi nào họ muốn như đồi cỏ hồng, đồi Đa Phú, hồ Tuyền Lâm, rừng lá phong… để cắm trại và tham gia các tour do bên mình tổ chức. Bên mình có đủ thiết bị, dụng cụ cho mọi người thuê. Bố mẹ có thể chọn nghỉ qua đêm hoặc đi 1 buổi tuỳ nhu cầu với đủ kiểu trải nghiệm trọn gói giá rẻ luôn”.

Vì ưu ái trẻ em nên các dịch vụ do team Nhật Linh cung cấp đều xoay quanh các “thượng đế nhí”. Nhóm hướng dẫn viên của Camping Đà Lạt đều còn trẻ và được đào tạo chuyên môn bài bản cả về kỹ năng sống lẫn cứu hộ cứu nạn. Vậy nên các khách hàng phụ huynh đều rất yên tâm và đánh giá cao trải nghiệm mà team anh Linh mang đến.

Chàng trai Hà Nội và những chuyến đi "nhặt nhạnh thiên nhiên, cầm về hạnh phúc" với các em bé - Ảnh 5.

Các em bé và phụ huynh được trang bị đồ bảo hộ và đầy đủ kiến thức cần thiết cho mỗi chuyến camping, chèo thuyền ở Đà Lạt

“Có nhiều hoạt động mà cả người lớn và trẻ con đều thích. Ví dụ trekking trong rừng, tìm hiểu thảm thực vật địa phương, hái rau, hoa quả, nông sản theo mùa, gặp gỡ các bác nông dân và đồng bào dân tộc K’Ho… Mùa mưa thì sẽ có hái nấm. Ngoài ra, các bé còn được dạy kỹ năng sinh tồn, định vị phương hướng, ngắm sao đêm, học hỏi kiến thức thiên văn cơ bản, hoặc tham gia trò chơi tập thể sau bữa tối.

Bố mẹ trong lúc đợi con trải nghiệm cùng hướng dẫn viên thì có thể tổ chức cắm lều trại, nấu ăn trong rừng, hoặc trực tiếp chèo thuyền SUP với các con ở hồ Tuyền Lâm. Mỗi hướng dẫn viên của bọn mình chỉ kèm từ 4 đến 5 em nhỏ để đảm bảo kiểm soát được mọi tình huống và có thể chỉ dẫn chi tiết cho từng em”, Linh kể.

Tuy những chuyến đi dã ngoại ở Đà Lạt chủ yếu là vui chơi nhưng các bé vẫn được kết hợp vận động và học hỏi nhiều kiến thức quan trọng, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Nhật Linh chia sẻ rằng anh rất thích lối sống “nhặt nhạnh” của người Nhật, từng có cơ hội tiếp xúc với văn hoá xứ Phù Tang nên anh thấy nhiều triết lý sống khá hợp với bản thân. Khi mở Camping Đà Lạt cùng với bạn, chàng trai Hà Nội cũng thấy “nhặt nhạnh” rất hợp với những chuyến xê dịch trong rừng.

Camping Đà Lạt đón tiếp vô số khách hàng là những em bé thích du lịch, yêu thiên nhiên

“Tâm lý mọi người khi đi chơi bất kể là người lớn hay trẻ con đều thích mang quà về như một cách kỉ niệm. Bản thân mình cũng mê lắm chứ. Ngoại hình chúng ta có thể lớn nhưng tâm hồn thì vẫn luôn có những góc rất trẻ thơ. Thế nên bọn mình tổ chức các tour ngoài trời như này là để mọi người cùng nhau đi hái rau hái hoa, thu hoạch trái cây, nhặt nấm, nhặt lá, quả thông,… hoặc bất kỳ thứ gì mọi người yêu thích để mang về. Tất cả đều là sản phẩm của tự nhiên, rèn cho trẻ thói quen bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên và tận dụng những gì organic nhất có thể”.

Theo quan điểm của Nhật Linh thì việc vui chơi trong rừng là cuộc đua tiếp sức hạnh phúc truyền từ bố mẹ sang con. Bố mẹ đứng ngoài vòng khám phá của con, bảo vệ thế giới tràn đầy trí tưởng tượng của lũ trẻ, lấp đầy trí tò mò bằng việc khuyến khích chúng đi và học theo cách riêng. Hạnh phúc do chính lũ trẻ tạo ra, chứ không phải bằng những vòng tròn vô hình xiết chặt sự sáng tạo của trẻ. Nếu chỉ vì lo sợ con đau ốm, tổn thương hay gặp sự cố ngoài ý muốn, bố mẹ sẽ không bao giờ biết các bé mong ước điều gì, năng lực ra sao, góp nhặt niềm vui bằng cách nào và mở lòng với mọi người xung quanh như thế nào.

Chàng trai Hà Nội và những chuyến đi "nhặt nhạnh thiên nhiên, cầm về hạnh phúc" với các em bé - Ảnh 9.

Bữa trưa bên lều giữa rừng thông

Nhờ những chuyến đi 2 ngày 1 đêm xuyên rừng xuyên núi đồi của team Nhật Linh mà các gia đình tìm đến Camping Đà Lạt cũng gắn kết với nhau hơn. Những đứa trẻ có thêm nhiều bạn mới, tích cóp thêm vô số hành trang quý giá bước vào đời. Thế giới bao la có biết bao điều kỳ diệu ẩn giấu, làm sao lũ trẻ chỉ đọc sách, xem tivi, lướt điện thoại mà biết được.

Chiếc lá vẽ trong sách sẽ không bao giờ mang lại cảm giác xù xì gai góc như chiếc lá đám nhóc nhặt được ở trong rừng, cỏ trong sách toàn màu xanh chứ đâu có sắc hồng trầm trồ như đồi cỏ ở Đà Lạt! Một bữa tối hoang dã tự nhóm củi đốt bếp bên bờ suối sẽ đượm đầy mùi thơm oi khói, sẽ khác hẳn với những món ăn đựng trên mâm bát trong thành phố ồn ào khói bụi. Mỗi bước chân trên đất bùn với dàn đồng ca ếch nhái bên cạnh cũng thú vị hơn là bước chân trên vỉa hè xi măng chật chội.

Hãy để lũ trẻ đi chân trần chạy vào rừng "nhặt hạnh phúc" nhé bố mẹ ơi!

 

Theo Tiểu Ngạn

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên