MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ChatGPT đang khiến Google dần mất đi thế độc quyền trong suốt 20 năm?

12-02-2023 - 14:00 PM | Kinh tế số

ChatGPT đang khiến Google dần mất đi thế độc quyền trong suốt 20 năm?

“Gã khổng lồ” Google đã thống trị mảng tìm kiếm trực tuyến trong suốt 20 năm. Tuy nhiên, liệu sự xuất hiện của chatbot ChatGPT có phá vỡ thế độc quyền này?

Google sở hữu bộ máy tìm kiếm được xem và luôn đứng đầu thị trường này trong suốt 2 thập kỷ. Đây cũng trở thành cánh cửa thu hút vô số khách hàng quảng cáo. Google xử lý khoảng 100.000 lượt tìm kiếm mỗi giây và đưa ra danh sách dài các kết quả liên quan nhờ vào thuật toán thông minh.

Công cụ này đã biến Google dần trở thành một động từ trong cuộc sống hàng ngày. Theo Forbes, “Google” đã được công nhận là một cụm từ trong từ điển Merriam-Webster.

Người dùng quay lại vì độ chính xác của kết quả tìm kiếm và chính điều này đã ngăn chặn sự cạnh tranh của các đối thủ khác. The Economist cho biết, tất cả các công cụ tìm khác khác gộp lại chỉ chiếm khoảng 1/10 tổng lượng tìm kiếm hàng ngày của Google.

ChatGPT đang khiến Google dần mất đi thế độc quyền trong suốt 20 năm? - Ảnh 1.

Thị phần mảng tìm kiếm trực tuyến của Google và Bing. Ảnh: The Economist

Các nhà quảng cáo chi một khoản tiền lớn để tiếp cận tệp người dùng của Google và thường chỉ bị tính phí nếu có lượt truy cập website. Doanh thu của Alphabet, công ty mẹ của Google, tăng trung bình 20%/năm kể từ năm 2011. Trong giai đoạn này, công ty đã thu về hơn 300 tỷ USD sau khi trừ chi phí vận hành.

Giá trị thị trường của Alphabet cũng tăng lên gấp 3 lần và đạt 1,3 nghìn tỷ USD, trở thành công ty có giá trị lớn thứ 4 trên thế giới. Không giống như Apple, Microsoft hay các đối thủ công nghệ khác, Google không có động lực để thay đổi, theo The Economist.

Sự thống trị của Google đang bị thách thức

Nhưng hiện tại, mọi việc đã thay đổi. Chatbot AI ChatGPT của OpenAI khiến CEO Google phải vội vã phát “Báo động đỏ” (Code Red) cho toàn công ty công ty ngay trước lễ Giáng sinh.

Ngoài việc có thể trò chuyện như con người, ChatGPT và những chatbot giống như nó có thể sáng tác thơ, viết bài luận, viết code và nhiều việc khác. Tỷ phú Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, cũng khẳng định công nghệ này "mang tầm quan trọng không khác gì máy tính hay internet".

Eric Schimidt, cựu CEO Google, đánh giá ChatGPT là "ví dụ trực quan đầu tiên" về một người bạn AI của con người trong tương lai. Ông cũng cho rằng, đây là mối đe dọa trực quan nhất đối với thế thống trị tìm kiếm của Google vì chatbot này có thể trả lời những loại câu hỏi mà người dùng hay hỏi Google.

Bên cạnh đó, OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, đã bắt tay với Microsoft từ năm 2019 với khoản đầu tư 1 tỷ USD. Ngày 7/2, Microsoft cũng thông báo sẽ đầu tư tiếp 10 tỷ USD vào OpenAI và công khai "tuyên chiến" với Google. CEO Microsoft Satya Nadella khẳng định: “Cuộc đua AI bắt đầu từ hôm nay”.

Cũng trong ngày 7/2, Microsoft cho ra mắt bản cải tiến của công cụ tìm kiếm Bing. Bing có chatbot riêng dựa trên các mô hình của OpenAI. "Đây là một thời kỳ mới trong lĩnh vực tìm kiếm", CEO Nadella, cho biết.

ChatGPT đang khiến Google dần mất đi thế độc quyền trong suốt 20 năm? - Ảnh 2.

CEO Microsoft Satya Nadella giới thiệu về công cụ tìm kiếm Bing tích hợp ChatGPT. Ảnh: Microsoft

"Vội vàng" cạnh tranh với ChatGPT, Alphabet cũng giới thiệu về chatbot mới có tên "Bard" vào ngày 8/2, một ngày sau sự kiện của Microsoft. Cùng với đó, Alphabet cũng thông báo về khoản đầu tư 300 triệu USD vào Anthropic, một startup về AI.

Công ty xác nhận Bard sẽ được tích hợp vào công cụ tìm kiếm trong vài tuần tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mấy ấn tượng, và giá cổ phiếu của Alphabet đã giảm 8% trong phiên giao dịch cùng ngày.

Tìm kiếm trực tuyến đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 20 với những công cụ như Yahoo, AltaVista... Nhưng Google là công ty thực hiện cuộc cách mạng tìm kiếm trực tuyến khi xếp hạng các website dựa vào mức độ có liên quan tới từ khóa được tìm kiếm.

Trong vài năm gần đây, nhiều đối thủ cạnh tranh của Google đã xuất hiện. Một số startup đưa ra dịch vụ tìm kiếm không gắn quảng cáo, như Neeva. Những đối thủ khác bao gồm các đối thủ cạnh tranh thuộc nhóm Big Tech.

Thị phần quảng cáo tìm kiếm ở Mỹ của Amazon đã tăng từ 3% năm 2016 lên 23% năm 2022. Hoạt động kinh doanh quảng cáo tìm kiếm của Apple, bao gồm cả tìm kiếm ứng dụng trên iPhone, hiện chiếm 7% thị phần.

Theo eMarketer, thị phần của Google trong quảng cáo tìm kiếm ở Mỹ được dự báo sẽ giảm xuống từ 67% còn 54% trong năm 2023.

Tại sao Google "sợ" chatbot?

ChatGPT vận hành bằng cách dự đoán từ tiếp theo trong một câu cho đến khi hoàn thành một câu trả lời. Những dự đoán này dựa trên một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), kết quả của quá trình phân tích hàng triệu văn bản trên internet.

Một khi được huấn luyện trên tất cả những ngôn ngữ tự nhiên này, chatbot có thể đưa ra câu trả lời bằng văn bản một cách trôi chảy thay vì chỉ đưa ra một danh sách link như Google.

Chẳng hạn, khi tìm kiếm các địa điểm du lịch có giá cả hợp lý, thân thiện với trẻ con và mang tính giáo dục, người dùng phải lên Google tìm kiếm các blog du lịch, các bài chia sẻ liên quan và tiến hành so sánh.

Tuy nhiên, ChatGPT lại đưa ra những lựa chọn khá ổn chỉ trong vài giây. Người dùng sau đó có thể hỏi thêm thông tin chi tiết sao cho phù hợp với mong muốn của bản thân.

Thay đổi cách con người tìm kiếm, ngược lại, cũng làm thay đổi thứ mà họ tìm kiếm. Giống như việc tìm kiếm thông tin, người dùng có thể sử dụng tìm kiếm bằng hội thoại đến khi đạt được kết quả mong muốn.

"Sử dụng tất cả nguồn lực này để cạnh tranh với Google sẽ có chi phí khoảng 10-30 tỉ USD", theo hãng phân tích Competition Markets Authority của Anh.

Hiện tại, thị phần của Bing trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm ở Mỹ là 5%. Microsoft hy vọng sẽ thay đổi con số đó. Công ty này dường như đang muốn tinh chỉnh những lỗ hổng của ChatGPT bằng cách nâng cấp nó.

ChatGPT đang khiến Google dần mất đi thế độc quyền trong suốt 20 năm? - Ảnh 3.

Doanh thu quảng cáo tìm kiếm tại Mỹ của Google và Bing. Ảnh: The Economist

Brian Nowak, Ngân hàng Morgan Stanley, ước tính rằng tốn khoảng 2 cent để ChatGPT cung cấp một câu trả lời, cao hơn 7 lần so với một lượt tìm kiếm trên Google. Ông cũng ước tính rằng, cứ mỗi 10% lượt tìm kiếm của Google được chuyển sang cho AI xử lý vào năm 2025, công ty sẽ tốn thêm khoảng 700 triệu - 11,6 tỷ USD.

Microsoft đang đặt cược rằng bộ máy tìm kiếm thông tin được chatbot hỗ trợ sẽ thu hút thêm nhiều người dùng mới cho Bing. Nhưng họ cũng sẽ phải hy sinh lợi nhuận, ít nhất là cho đến khi tìm ra cách giảm chi phí vận hành, hoặc bằng cách giành thị phần từ tay Google.

"Với mỗi 1% tăng lên trên thị phần quảng cáo trực tuyến, doanh thu mảng quảng cáo của chúng tôi sẽ tăng thêm 2 tỷ USD", Philippe Ockenden, chuyên gia phân tích tài chính của Microsoft, cho biết.

Tham khảo: The Economist

Anh Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên