MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp được giải ngân quá thấp, HoREA chỉ ra 4 nguyên nhân

06-01-2024 - 09:00 AM | Bất động sản

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp được giải ngân quá thấp, HoREA chỉ ra 4 nguyên nhân

Theo đó, HoREA đánh giá, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) có kết quả thực hiện đến nay quá thấp do có hàng loạt các hạn chế, "bất cập".

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về "chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội".

Theo đó HoREA cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng có kết quả thực hiện đến nay quá thấp, chỉ giải ngân được khoảng 875 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 2,3% do có hàng loạt các hạn chế, "bất cập".

Thứ nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị tác động của đại dịch CoViD-19 đã bị suy kiệt, khó có thể chứng minh được "có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi".

Thứ hai là doanh nghiệp "sợ" bị "hậu kiểm" sau khi đã nhận khoản hỗ trợ "giảm 2% lãi suất" sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba là Chính sách "giảm 2% lãi suất" áp dụng đối với việc "cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua" nhưng hầu như tất cả các dự án "cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua" đều bị "ách tắc" do bị "vướng mắc pháp lý".

Thứ tư là Chính sách "giảm 2% lãi suất" không áp dụng đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên đối tượng được hưởng chính sách này bị thu hẹp.

Liên quan đến triển khai thực hiện chính sách "hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ" là cũng hơi chậm và hầu như không áp dụng cho người lao động thuê nhà trọ mà không "làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm".

Hiệp hội nhận thấy đối tượng các chủ nhà trọ đang giải quyết chỗ thuê trọ cho hàng triệu công nhân trong cả nước chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, mà chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 60.000 chủ nhà trọ với hơn 600.000 phòng trọ cho thuê.

Về chính sách "cho vay hỗ trợ" cho "cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội" nhìn chung chưa thực hiện được đáng kể vì thiếu nguồn nhà ở xã hội. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng chính sách xã hội cho biết trong 2 năm 2022 và 2023 thì chỉ giải ngân được 35,7 tỷ đồng để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu tính suất vay bình quân 600 triệu đồng thì chỉ tương đương 63 căn nhà ở xã hội mà thôi.

Còn báo cáo về chính sách tiền tệ, Hiệp hội nhận thấy việc triển khai thực hiện của Ngân hàng Nhà nước có một số nội dung còn "khá chậm", chưa thật đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo "cấp bách" của Quốc hội và Chính phủ.

Thứ nhất, Hiệp hội chưa nhận được thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện chủ trương của Quốc hội về việc "nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn".

Thứ hai, có sự chậm trễ trong việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước "tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc". Bởi lẽ đến ngày 03/01/2024 thì Ngân hàng Nhà nước mới thông báo năm 2024 sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 41/2016/TT-NHNN "quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện các hoạt động tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống.

Thứ ba, theo quan sát của Hiệp hội, việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước được các ngân hàng thương mại thực hiện cũng "khá chậm", mới giảm lãi vay cho các khoản vay mới, với mức giảm lãi suất khoảng 1,5-2% so với đầu năm 2023, còn các khoản vay cũ vẫn còn chịu lãi suất khá cao. Nhưng cũng có nguyên nhân khách quan là có trên 80% nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn.

Cuối cùng, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước "tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ" thì mãi đến ngày 23/04/2023 (sau 16 tháng kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15), Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN "quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn".

Hiệp hội cho rằng, nếu ban hành sớm hơn trong năm 2022 thì sẽ có tác động rất tích cực đối với nền kinh tế, đối với các doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư.

PV

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên