MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh

29-10-2013 - 12:08 PM |

Đường Hồ Chí Minh (song song với quốc lộ 1A) có tổng chiều dài 3.183km, đi qua 28 tỉnh, thành.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 3.167km thành 3.183km (trong đó tuyến chính là 2.499km, nhánh phía Tây 684km), tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng.

Hướng tuyến điều chỉnh đi qua 28 tỉnh, thành phố, so với Nghị quyết 38/2004/QH11 giảm 2 tỉnh, thành gồm TP Hồ Chí Minh và An Giang. 28 tỉnh, thành phố dự án đi qua gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 8 làn xe. Song để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải và các quy hoạch, dự án có liên quan khi nghiên cứu, hoạch định quy mô các đoạn tuyến của đường Hồ Chí Minh đã tính đến sự phân bổ lưu lượng trong toàn hệ thống để đưa ra quy mô dự án phù hợp với thực tế, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mặt cắt ngang đường được quy hoạch chi tiết cho từng đoạn với quy mô tối đa là 6 làn xe.

Trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, trên cơ sở tính toán lại nhu cầu vận tải, cân đối khả năng nguồn lực, Chính phủ đã phân kỳ đầu tư dự án như sau:

+ Giai đoạn 1 (2000 - 2007): đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) - Tân Cảnh (Kon Tum).

+ Giai đoạn 2 (2007 - 2015): đầu tư để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô hai làn xe, trong đó cơ bản hoàn thành vào năm 2015, một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020.

+ Giai đoạn 3: Đến năm 2020 đầu tư khoảng 445km tiêu chuẩn đường cao tốc, sau năm 2020 sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh các đoạn tuyến còn lại theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn.

Theo đó, đến cuối năm 2015, đầu năm 2016 sẽ cơ bản nối thông tuyến từ Pác Bó đến đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe. Nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung cho giai đoạn này là 15.285 tỷ đồng  và vốn BOT là 5.890 tỷ đồng.
 
Đến năm 2020 sẽ nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe (riêng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đoạn nối 2 cầu với quy mô 4 làn xe) với nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung khoảng 8.718 tỷ đồng, nguồn vốn huy động theo hình thức BT khoảng 22.700 tỷ đồng, nguồn vốn dự kiến huy động theo hình thức BOT khoảng 16.216 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA khoảng 22.653 tỷ đồng.
 
Như vậy, tổng nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ cần bổ sung đến năm 2020 để đầu tư thông tuyến với quy mô 2 làn xe khoảng 24.003 tỷ đồng; còn lại vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT khoảng 22.106 tỷ đồng, vốn đầu tư theo hình thức BT khoảng 22.700 tỷ đồng và vốn vay ODA khoảng 22.653 tỷ đồng.

Việc đầu tư nâng cấp hai phần ba tuyến đường Hồ Chí Minh (khoảng1.764 km) đạt tiêu chuẩn cao tốc với tổng mức đầu tư khoảng 273.167 tỷ đồng (tính theo thời giá năm 2010) theo yêu cầu của Quốc hội vào năm 2020 là không thể thực hiện được do không đảm bảo được nguồn lực đầu tư cũng như nhu cầu vận tải trong giai đoạn hiện nay ở nhiều đoạn là chưa thực sự cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giãn tiến độ triển khai giai đoạn cao tốc về sau năm 2020. Đối với tổng mức đầu tư giai đoạn này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định trước khi thực hiện.

 Lan Anh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên