MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng nói gì về Tổ tư vấn kinh tế mới thành lập?

“Điểm khác biệt đáng quý, đáng trọng nhất của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lần này là sự góp mặt của các chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài. Họ không chỉ chuyển đạt được những kinh nghiệm phát triển quốc tế mà còn làm cầu nối cho Thủ tướng với các tổ chức quốc tế cũng như cộng đồng người Việt ở đây”, bà Phạm Chi Lan cho biết.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1120 thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để tư vấn về các vấn đề phát triển kinh tế. Theo danh sách thành viên được Thủ tướng phê duyệt, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (Tổ Tư vấn kinh tế) gồm 15 thành viên do TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia làm tổ trưởng. Bên cạnh các chuyên gia đầu ngành trong nước, Tổ tư vấn còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả đến từ các trường đại học quốc tế gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore.

Báo Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, nguyên là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996 – 2006 về câu chuyện này.

Từng là một thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng, bà thấy những điểm gì mới của Tổ tư vấn kinh tế vừa được thành lập?

Điểm rõ ràng nhất là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời một số chuyên gia người Việt Nam hiện nay đang làm việc ở nước ngoài vào Tổ tư vấn cho mình. Đó là điều rất tốt vì trong một nền kinh tế hội nhập, việc học hỏi từ bên ngoài là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Các chuyên gia không những chuyển đạt được những kinh nghiệm phát triển, những cách nhìn nhận từ bên ngoài với Việt Nam mà còn giúp làm cầu nối để Thủ tướng, thông qua những người này, có thể lắng nghe thêm được nhiều ý kiến của những người Việt khác ở nước ngoài. Đấy là điểm khác biệt đáng quý, đáng trọng nhất.

Bên cạnh đó, trong Tổ tư vấn, Thủ tướng cũng mời những chuyên gia đang làm việc ở các trường đại học. Đấy cũng là điểm rất tích cực.

Trường Fulbright hay ĐH Kinh tế Quốc dân là những trường quan trọng. Chúng ta đang muốn thúc đẩy những trường, các viện nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, tự thân những trường này, ví dụ như Fulbright cũng đã tham gia rất nhiều trong việc tư vấn chính sách cho Chính phủ qua các đời.

Trường cũng là đầu mối kết nối với Đại học Harvard để suốt từ ngày đầu đổi mới, họ đã đưa ra được cuốn Theo hướng rồng bay (David Dapice) từ đầu thập kỷ 90, tư vấn cho Việt Nam về con đường phát triển. Suốt những năm sau này, các Thủ tướng đều sử dụng những ý kiến đóng góp của họ.

Do đó, việc đưa anh Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia nghiên cứu trẻ của Fulbright vào là điều rất tốt, là một kênh trực tiếp thêm để Thủ tướng thường xuyên lắng nghe ý kiến từ đó. Còn Đại học Kinh tế Quốc dân thì đang có cơ sở nghiên cứu hiệu quả và thường xuyên.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phúc cũng giữ lại một số chuyên gia đầu ngành từng làm trong Tổ tư vấn dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hiện phụ trách các viện nghiên cứu chính của Nhà nước như anh Nguyễn Đình Cung của CIEM, anh Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam. Họ là những chuyên gia từng lên tiếng rất mạnh mẽ về các vấn đề kinh tế trong nước, đồng thời đang dẫn dắt các viện đóng góp cho Chính phủ.

Ngoài ra, cũng có những người nghỉ rồi nhưng nổi tiếng về tư duy đổi mới như anh Bùi Quang Vinh. Như vậy, chúng ta tiếp tục tận dụng được chất xám cũng như nhiều ý tưởng cải cách của anh ấy.

Còn về độ tuổi của Tổ tư vấn kinh tế thì sao?

Lần này Thủ tướng chủ trương chọn chủ yếu những người đang làm việc, còn tuổi làm việc. Tôi nghĩ cũng phải thôi. Tuy nhiên, những người già, về hưu như anh Bùi Quang Vinh lại là trường hợp rất đặc biệt.

Anh Vinh về hưu theo tuổi đối với tôi là một điều đáng tiếc vì anh ấy đang trong độ chín rất cao về tầm nhìn chung vĩ mô. Về tổng thể anh ấy là một người giỏi. Anh Vinh cũng là người chủ trì cho Báo cáo Việt Nam 2035. Việc anh ấy tham gia vào có thể góp tiếng nói cho tầm nhìn của Việt Nam được dài hạn hơn. Bởi nhìn chung trong các nhiệm kỳ Chính phủ, người ta vẫn đang lao vào đối phó với các vấn đề ngắn hạn quá.

Còn về vấn đề cơ chế hoạt động của Tổ tư vấn?

Một trong những điều tôi đọc thấy trong Quyết định của Thủ tướng là thành viên Tổ tư vấn được làm việc tiếp, tiếp cận các cơ quan khác nhau cũng như tham vấn các chuyên gia khác ở trong và ngoài nước.

Như vậy, Thủ tướng Phúc đã thiết kênh tư vấn này tương tự thời của Thủ tướng Phan Văn Khải và Võ Văn Kiệt. Tức là các chuyên gia phải mở, phải lắng nghe những người khác. Khi đóng góp cho Thủ tướng không chỉ từ các suy nghĩ của các chuyên gia mà còn qua việc họ tập hợp, lắng nghe ý kiến từ các thành phần khác trong xã hội.

Bà kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ lần này của Tổ tư vấn?

Tôi mong rằng Tổ tư vấn về kinh tế sẽ giúp Thủ tướng có được đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về bức tranh thực của kinh tế Việt Nam, đâu là vấn đề cốt lõi nhất, mang tính chất dài hạn, chứ không chỉ là ngắn hạn.

Bên cạnh đó, như tôi đã nói ở trên, họ cần phải trở thành kênh giúp Thủ tướng lắng nghe một cách rộng rãi hơn từ xã hội. Vì giờ đây, mọi hoạt động kinh tế đã được trải rộng ra rất nhiều trên lãnh thổ Việt Nam: từ những người nông dân, công nhân cho đến kỹ sư, trí thức… tiếng nói của họ cần được lắng nghe, nhìn nhận để khi thiết kế chính sách tránh tình trạng quan liêu.

Việc lắng nghe các ý kiến từ ngoài nước cũng rất quan trọng. Thế giới đang đổi thay với tốc độ chóng mặt, do đó, những thành viên đang ở Mỹ, Nhật, châu Âu… sẽ giúp Thủ tướng hiểu được phần nào những vấn đề chung của thế giới, đâu là thách thức, cơ hội của Việt Nam. Chúng ta muốn ký kết TPP, FTA với EU cũng là vì hướng tới thị trường đó. Như vậy, tôi kỳ vọng rằng đây là kênh để giúp Việt Nam phát triển tốt hơn trong tương lai.

Xin cảm ơn bà!

Đức Minh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên