MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông Vilico đau đầu với câu hỏi đi hay ở lại cùng thuyền với GTN

30-06-2016 - 08:56 AM | Doanh nghiệp

Theo kế hoạch của ĐHĐCĐ thường niên 2016, cuối năm nay Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (mã VLC) sẽ phát hành tăng vốn gấp đôi. Trong khi tiền mặt vẫn rất dư thừa, công ty lại huy động tiền cho một kế hoạch kinh doanh đã khiến rất nhiều cổ đông lo ngại.

Trong lộ trình thoái vốn của cổ đông nhà nước, VLC đang có nhiều thay đổi lớn đặc biệt là khi nhóm cổ đông GTN Foods (GTN) đang muốn nắm quyền chi phối hoạt động

Tại ĐHĐCĐ thương niên 2016, một nội dung quan trọng mà các cổ đông phải thông qua là kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 1.262 tỷ đồng.

Công ty dự kiến thu về hơn 631 tỷ đồng, trong đó sẽ chi tới 581 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, các thương vụ mua bán sáp nhập… và còn lại 50 tỷ đồng để bổ sung vào vốn lưu động của Công ty.

Với một doanh nghiệp trên sàn, huy động vốn để kinh doanh và phát triển là điều không có gì khác thường. Nhiều nhà đầu tư và các quỹ tư còn sẵn sàng đầu tư rót vốn bởi doanh nghiệp làm ăn tốt, cung không đáp ưng đủ cầu, huy động vốn được xem như cơ hội đầu tư tốt.

Tuy nhiên, VLC lại là một doanh nghiệp chưa đến mức khát vốn như vậy. Theo BCTC hợp nhất năm 2015, công ty còn gần 600 tỷ đồng tiền. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền là 315,96 tỷ đồng, đầu tư ngắn hạn là 280 tỷ đồng.

Với lượng tiền dư dả tiền, thậm chí còn đi đầu tư hưởng lãi nhưng VLC vẫn tìm cách huy động vốn của cổ đông.

Đặc biệt là khi VLC không đưa ra được một kế hoạch sử dụng vốn đầu tư chi tiết và cụ thể.

Tại đại hội, cổ đông là các quỹ đầu tư như các cá nhân đã đứng lên chất vấn kế hoạch đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp tuy nhiên câu trả lời từ ban lãnh đạo của VLC lại không cụ thể và khá mơ hồ.

Theo ông Đào Duy Linh, "không phải VLC xin ý kiến cổ đông là sẽ tăng vốn ngay ngày mai. Cổ đông nên yên tâm bởi Công ty sẽ còn phải hoàn tất nhiều thủ tục giấy tờ và sẽ còn phải báo cáo với Ủy ban chứng khoán Nhà nước".

Trong khi đó, với sự tham dự của nhóm cổ đông chi phối GTN, một đại diện của công ty cho biết việc đầu tư của VLC là cần thiết và phải hướng đến dài hạn. Mặc dù tiền mặt nhiều, nhưng quy mô lại không đáng kể so với các khoản đầu tư nông nghiệp của HPG (2.000 tỷ đồng), TH True Milk hoặc HAG (đều trên 10.000 tỷ đồng) đều rất lớn.

VLC không hướng đến doanh thu và lợi nhuận đột biến. Thay vào đó, GTN mong muốn đầu tư dài hạn và kỳ vọng vào phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy vậy, với kế hoạch huy động không cụ thể, vẫn có trên 27% cổ phiếu có quyền biểu quyết không thông qua kế hoạch tăng vốn của VLC.

Điều này cho thấy GTN đã gần như nắm quyền chi phối tại VLC và dù các cổ đông còn lại có phản đối cũng không còn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Với những cổ đông này, họ sẽ phải đưa ra quyết định có nên đầu tư hay sẽ phải chứng kiến tỷ lệ sở hữu suy giảm, thậm chí phải bán tháo để bảo vệ lợi ích.

Ở một nội dung khác tại đại hội, GTN cũng cho thấy họ được hậu thuẫn mạnh như thế nào khi số đông tán thành với việc cho phép GTN nâng tỷ lệ sở hữu từ 7,35% (tương đương 4,64 triệu cp) lên 65% mà không cần chào mua công khai thông qua sàn giao dịch hoặc thỏa thuận.

Theo Mai Hương

BizLIVE

Trở lên trên