MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu bán lẻ đồng loạt bứt phá mạnh sau thông tin đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng

Cổ phiếu bán lẻ đồng loạt bứt phá mạnh sau thông tin đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng

“Đề xuất liên quan tới giảm 2% thuế GTGT có thể tạo ra một cơn sóng ngắn hạn tại nhóm bán lẻ, đặc biệt khi giá cổ phiếu bán lẻ đều đã điều chỉnh khá sâu từ đỉnh", Giám đốc Chứng khoán DSC đánh giá.

Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế GTGT năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Thông tin này ngay lập tức phả hơi nóng vào nhóm cổ phiếu bán lẻ - nhóm ngành được cho sẽ chịu tác động trực tiếp từ quyết sách này. Phiên sáng 10/4, sắc xanh đồng loạt ghi nhận tại các cổ phiếu này, MSN, MWG, FRT, PNJ đều tăng tốt, thậm chí DGW hay PET còn tăng kịch trần gần 7%, trắng bên bán từ rất sớm.

Cổ phiếu bán lẻ đồng loạt bứt phá mạnh sau thông tin đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng - Ảnh 1.

Một số cổ phiếu bán lẻ đều tăng mạnh trong phiên sáng 10/4

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, các chính sách liên quan tới thuế luôn có độ ảnh hưởng tương đối rộng, đặc biệt là thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp tới cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

“Đề xuất liên quan tới giảm 2% thuế GTGT có thể tạo ra một cơn sóng ngắn hạn tại nhóm bán lẻ. Nhà đầu tư có thể hoàn toàn tham gia để đón nhịp tăng này. Điều này càng hợp lý khi giá cổ phiếu bán lẻ đều đã điều chỉnh khá sâu từ đỉnh, thậm chí nhiều mã còn về đáy hàng chục tháng”, vị chuyên gia tới từ DSC cho hay.

Tuy nhiên, ông Huy cho rằng việc áp dụng giảm thuế dự kiến từ 1/7, do đó nếu doanh nghiệp được hưởng lợi cũng chưa thể phản ánh vào kết quả kinh doanh ngay trong quý 2, thậm chí sang quý 3 vẫn còn khó khăn do độ trễ của các chính sách cộng thêm bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn. Phải tới cuối năm nay và sang tới 2024, nhóm ngành bán lẻ mới có khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Bức tranh ngành bán lẻ vẫn còn nhiều gam màu tối

Trên thực tế, nhóm bán lẻ vốn được đánh giá là nhóm ngành triển vọng trong bối cảnh tiêu dùng kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ sau quãng thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên, kinh tế suy thoái cộng thêm mặt bằng lãi suất cao dần khiến tình hình ngành kém sắc khi sức tiêu thụ sụt giảm mạnh.

Agriseco Research trong một báo cáo gần đây đã đánh giá môi trường lạm phát và lãi suất ở mức cao và kéo dài nhiều quý đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người dân. Ngoài ra, thu nhập khả dụng người dân bị suy giảm vì các chính sách cắt giờ lao động hoặc cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp nhằm tối ưu các chi phí vận hành.

Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cao khiến khả năng vay nợ của các doanh nghiệp bán lẻ giảm xuống do đặc thù kinh doanh thường vay vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh cửa hàng. Cũng chính điều này khiến các doanh nghiệp bán lẻ thời gian qua đã phải điều chỉnh lại các cửa hàng để đưa ra mô hình tối ưu nhất về lợi nhuận.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt VDSC đánh giá chi tiêu đang chững lại trong ngắn hạn đi cùng với suy thoái kinh tế vào năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều lực cản và chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân sách hộ gia đình bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng càng gặp thêm áp lực. Hơn nữa, làn sóng cắt giảm việc làm trong các ngành thâm dụng lao động sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ít nhất là quý 2/2023.

Đồng thời, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ có tác động không đồng nhất đến từng nhà bán lẻ Việt Nam. Các mặt hàng thiết yếu (FMCG, dược phẩm) và những mặt hàng không thiết yếu đắt tiền vẫn sẽ bán tốt, ngược lại các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.

Theo VDSC, nền kinh tế chỉ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024 khi các đơn đặt hàng bắt đầu có trở lại và thu nhập của người lao động được cải thiện.

Triển vọng khó khăn còn được phản ánh qua những bản kế hoạch kinh doanh năm 2023 đầy thận trọng. Đơn cử, doanh nghiệp bán lẻ top đầu là FPT Retail (FRT) lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm hơn một nửa so với thực hiện 2022 xuống 240 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 2 con số 13% đạt mức 34.000 tỷ đồng.

“Đại gia” ngành bán lẻ là Thế giới Di động (MWG) đặt mục tiêu kinh doanh chỉ tăng trưởng 1 chữ số, trong đó doanh thu chỉ tăng 1% lên 135.000 tỷ đồng và lãi hợp nhất sau thuế tăng nhẹ 2% lên 4.200 tỷ đồng. MWG cho biết, những chỉ tiêu trên được đưa ra dựa vào tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực kể từ quý 3/2023. Thậm chí, ban lãnh đạo cho rằng có thể đưa ra điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thị trường thực tế trong nửa cuối năm.

Hay trong tài liệu đại hội của Digiworld (DGW), doanh nghiệp này bất ngờ “quay xe” hạ kế hoạch kinh doanh 2023, với mục tiêu doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên