MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất bình oxy y tế bứt phá mạnh, thị giá gấp hơn 5 lần chỉ sau 4 tháng

Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất bình oxy y tế bứt phá mạnh, thị giá gấp hơn 5 lần chỉ sau 4 tháng

Sovigaz (SVG) là một trong 6 doanh nghiệp khu vực phía Nam sản xuất khí oxy y tế, chiếm hơn 60% thị phần cả nước với gần 100 bệnh viện lớn như: Từ Dũ, Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định, BV Đa khoa Việt Tiệp....

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tăng cường nguồn cung oxy và các hóa chất chống dịch trở nên vô cùng cấp thiết...Là một trong số ít doanh nghiệp khu vực phía Nam sản xuất khí oxy y tế, CTCP Hơi kỹ nghệ que hàn (Sovigaz, mã CK: SVG) hiện cũng là công ty duy nhất giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. 

Mối quan tâm về dịch bệnh và các công tác liên quan đã đẩy sự chú ý của nhà đầu tư hướng tới Sovigaz cũng như cổ phiếu của doanh nghiệp. Cổ phiếu SVG đã có vài chuỗi phiên giao dịch ấn tượng khi thị giá liên tiếp kịch trần, ghi nhận mức tăng bằng lần chỉ sau vài tháng.

Cụ thể, SVG vừa có tăng trần liên tiếp 6 phiên từ 26/8 – 6/9/2021, thị giá lập đỉnh lịch sử 29.600 đồng/cổ phiếu. Sau đó, áp lực chốt lời sau quãng tăng nóng khiến giá cổ phiếu có sự điều chỉnh giảm. Tuy nhiên trong những phiên gần đây SVG đã hồi phục trở lại và hiện đang giao dịch quanh vùng giá 27.000 đồng/cp.

Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất bình oxy y tế bứt phá mạnh, thị giá gấp hơn 5 lần chỉ sau 4 tháng - Ảnh 1.

Chỉ trong khoảng 4 tháng giao dịch, giá SVG đã tăng gấp hơn 5 lần. Đà tăng giá này cũng đẩy giá trị vốn hóa thị trường của Sovigaz tăng lên mức 750 tỷ đồng .

Tăng điểm mạnh nhưng thanh khoản của cổ phiếu SVG chỉ ở mức thấp, giá trị giao dịch bình quân chỉ hơn 5.000 cổ phiếu/phiên trong tháng vừa qua. Điều này có thể được lý giải bởi cơ cấu cổ đông của công ty rất cô đặc. Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ 98,16% vốn điều lệ, chỉ gần 2%, tương đương 540.200 cổ phiếu thuộc sở hữu của các cổ đông khác.

Theo kế hoạch, Vinachem có dự định bán bớt phần vốn nhà nước tại công ty trong năm 2021 để giảm tỷ lệ sở hữu về 51%.

Chiếm 60% thị phần khí oxy y tế cả nước, song lãi 6 tháng vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng

Về hoạt động của Sovigaz, theo thông tin cập nhật, hiện tại nhu cầu tiêu thụ khí oxy y tế cả nước ở khoảng 3.000 – 4.000 tấn/tháng. Song, công suất nhà máy của Sovigaz đã có thể sản xuất tới 7.000 tấn oxy y tế/tháng, tương ứng gấp đôi lượng cầu hiện nay. Thống kê cho thấy, hơn 60% thị phần cả nước với gần 100 bệnh viện lớn như: Từ Dũ, Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định, BV Đa khoa Việt Tiệp.... đang sử dụng oxy do nhà máy Sovigaz sản xuất.

Bên cạnh đó, hóa chất khử khuẩn cloramin B của Sovigaz có giá từ 120.000 -150.000 đồng/kg, tức chỉ bằng 60% so với hàng nhập khẩu – tạo thêm ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Chiếm lĩnh thị phần lớn trong phân khúc sản phẩm thiết yếu hiện nay, nhưng kết quả kinh doanh của Sovigaz lại ghi nhận không quá tích cực. Năm 2020, doanh thu công ty giảm nhẹ về mức gần 260 tỷ đồng, cùng với việc giá vốn và các chi phí khác chiếm tỷ trọng cao nên SVG chỉ báo lãi vỏn vẹn gần 2,5 tỷ đồng, giảm 35% so với thực hiện năm 2019.

Nửa đầu năm 2021, SVG cũng chưa thực sự được hưởng lợi từ nhu cầu hóa chất cho y tế tăng cao, nửa đầu năm nay. Theo đó, doanh thu thuần tăng hơn 3% lên gần 126 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 3% xuống còn 501 triệu đồng.

So với kế hoạch doanh thu 255 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4 tỷ đồng. SVG chỉ mới hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu và 15,5% kế hoạch lãi cả năm sau 6 tháng đầu hoạt động.

Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất bình oxy y tế bứt phá mạnh, thị giá gấp hơn 5 lần chỉ sau 4 tháng - Ảnh 2.

Phía doanh nghiệp chia sẻ, các sản phẩm khí bị cạnh tranh gay gắt khi ngày càng nhiều nhà đầu tư gia nhập ngành, nhất là các dự án FDI, đã khiến nguồn cung vượt xa nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chính sách đấu thầu tập trung của khối y tế chỉ quan tâm giá bán đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, mảng khí công nghiệp cũng giảm mạnh lực cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đẩy chi phí sản xuất ngày một gia tăng (tiền điện, xăng, thuê đất…). Sản phẩm que hàn cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các đơn vị trong nước và nhu cầu cũng giảm sút.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên