MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cuộc đua” vào Hội đồng quản trị Eximbank: Lá phiếu của cổ đông nhỏ sẽ quyết định

20-05-2016 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Dư luận vẫn đang rất quan tâm về câu chuyện xung quanh những chiếc ghế trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank. Bởi lẽ những cuộc đua tranh giành quyền lực tại Việt Nam thường chỉ diễn ra tại các công ty quy mô nhỏ chứ tầm cỡ như Eximbank thì có lẽ là chưa từng xuất hiện. Cuộc đua đang được đẩy lên mức đỉnh điểm trước khi khi ĐHCĐ thường niên năm 2016 lần 2 sẽ được tổ chức vào ngày 24.5.2016.

HĐQT có đang lạm quyền?

ĐHCĐ bất thường năm 2015 của Eximbank diễn ra ngày 15.12.2015 đã thông qua số lượng thành viên nhiệm kỳ 2015-2020 là 11 thành viên, trong đó đại hội đã bầu được 9 thành viên. Tuy nhiên, ngày 24.3.2016, ông Cao Xuân Ninh đại diện cho cổ đông lớn là Vietcombank đã có đơn xin từ nhiệm. Do đó, hiện nay HĐQT của Eximbank chỉ còn lại 8 thành viên sau đại hội tới.

Ngày 14.3.2016 và 28.3.2016, hai cá nhân là bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Phạm Hữu Phương đại diện cho nhóm cổ đông hiện đang sở hữu 22,2% cổ phần đã có đơn gửi HĐQT Eximbank về việc đưa vào chương trình họp ĐHCĐ thường niên năm 2016 nội dung bầu thêm 2 thành viên HĐQT như nghị quyết của ĐHCĐ bất thường diễn ra cuối năm 2015. Tuy nhiên, ngày 26.4.2016, nhóm cổ đông đại diện cho 25,9% cổ phần đã có kiến nghị lên HĐQT về việc trình ĐHCĐ xem xét giữ nguyên số lượng thành viên HĐQT là 9 thành viên như hiện tại, chỉ bầu bổ sung 1 thành viên thay thế ông Cao Xuân Ninh. Theo đó, HĐQT Eximbank đã trình ĐHCĐ thông qua số lượng thành viên HĐQT theo cả hai phương án hoặc tối đa là 9 hoặc 11 thành viên. Mặc dù vậy, trong tờ trình ĐHCĐ quyết định về số lượng thành viên, HĐQT Eximbank lại nhấn mạnh rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thêm thành viên mới.

Nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra là tại sao HĐQT lại có quan điểm đi ngược lại với nghị quyết của ĐHCĐ bất thường tháng 12.2015 khi đã quyết định số lượng thành viên HĐQT là 11 thành viên và cần bầu bổ sung 2 thành viên tại đại hội gần nhất? Hay tại sao kiến nghị của nhóm cổ đông đề nghị giữ nguyên số lượng thành viên là 9 được gửi chỉ 3 ngày trước khi đại hội diễn ra và cũng chỉ được HĐQT công bố ngay trước đại hội bất thành ngày 29.4? Chương trình ĐHCĐ 2016 được sắp xếp để đưa kiến nghị giảm số lượng thành viên 11 xuống 9 sẽ được đưa ra thảo luận trước, mặc dù kiến nghị này được đưa ra sau kiến nghị bầu bổ sung thành viên. Phải chăng mục đích là để thu hút sự chú ý của cổ đông vào việc này và không cho cổ đông có cơ hội được thảo luận các vấn đề liên quan tới việc bầu bổ sung?

Có liên minh lợi ích nhóm trong HĐQT?

Theo hồ sơ của Eximbank, ngân hàng này hiện có 8 thành viên HĐQT, trong đó chỉ có 3 thành viên làm đại diện cho 3 nhóm cổ đông đang sở hữu khoảng 40% cổ phần tại Eximbank.

Hai thành viên là ông Naoki Nishizawa và Yasuhiro Saitoh đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Mirae Asset Exim Investments Limited và VOF Investments Limited.

Ông Ngô Thanh Tùng đại diện cho nhóm cổ đông gồm bà Ngô Thu Thúy, các công ty có liên quan đến bầu Kiên (CTCP đầu tư ACB Hà Nội, Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, CTCP đầu tư Á Châu) và VOF Investments Limited. Trong đó, ông Tùng là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc, bà Ngô Thu Thúy hiện đang giữ chức danh cố vấn cho HĐQT Eximbank, Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc.

5 thành viên còn lại trong HĐQT Eximbank là các ông Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải gần như không có người nào nắm giữ cổ phần của Eximbank. Tuy nhiên, ông Quốc lại được xem là “người nhà” của bà Thúy (ông Quốc hiện đang là thành viên HĐQT Công ty Âu Lạc).

Như vậy, trong số 8 thành viên HĐQT, chỉ có 3 người đại diện cho ba nhóm cổ đông nhưng lại điều hành toàn bộ hoạt động của Eximbank. Rõ ràng SMBC và nhóm cổ đông Công ty Âu Lạc đang muốn giữ nguyên quyền kiểm soát của mình trong HĐQT khi họ đang chiếm 4 phiếu trên 8 phiếu trong HĐQT của Eximbank. Nguyên nhân sâu xa hơn theo phản ánh của một số cổ đông là Công ty Âu Lạc đang nhắm đến khu đất có diện tích 3,513m2 của Eximbank khi làm đối tác đầu tư xây dựng trụ sở tại quận 1.

Ai chịu trách nhiệm giám sát về hoạt động của HĐQT?

Theo quy định của Luật các TCTD và Luật Doanh nghiệp thì ban kiểm soát được ĐHCĐ bầu ra để thay mặt ĐHCĐ theo dõi và giám sát hoạt động của HĐQT. Tuy nhiên, trong trường hợp Eximbank thì vai trò này chưa được thực thi một cách hiệu quả nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của HĐQT cũng như vai trò HĐQT là đại diện cho toàn thể cổ đông.

Diễn biến nào trong cuộc họp lần 2?

Theo quy định của pháp luật, thì chỉ cần 51% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự là được phép tiến hành đại hội lần 2. Do đó, khả năng đại hội sẽ đủ điều kiện để họp là rất cao và những chiếc ghế trong HĐQT sẽ tiếp tục là một cuộc đua gay cấn. Với việc chưa bên nào có đủ số cổ phần để chi phối thì kết quả trong cuộc họp sắp tới sẽ phụ thuộc rất nhiều tiếng nói của các cổ đông nhỏ lẻ của Eximbank. Điều mà Eximbank cần nhất bây giờ là một HĐQT đại diện cho đại đa số cổ đông và hoạt động vì lợi ích chung của toàn thể cổ đông mà không phải vì một nhóm lợi ích thiểu số. Có lẽ tương lai của Eximbank sẽ nằm trong quyết định của những cổ đông nhỏ lẻ tại ĐHCĐ ngày 24.5 tới.

Theo Đông Hoàng

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên